Học sinh khởi nghiệp với nền tảng giúp phát triển kỹ năng tự học

25/08/2019 19:05 GMT+7

Với niềm đam mê tin học và khát khao cháy bỏng về việc xây dựng một môi trường tự học tốt nhất cho học sinh, cậu học sinh lớp 12 Bùi Lê Chí Bảo đã khởi nghiệp với nền tảng phát triển kỹ năng tự học.

Mới đây, với dự án khởi nghiệp khi còn là học sinh, Bùi Lê Chí Bảo đã nhận được giải Thí sinh ấn tượng nhất tại cuộc thi Vietnam Startup Wheel 2019 do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM tổ chức.

Học lớp 6 đã tự  viết code, làm web

Là thí sinh nhỏ tuổi nhất tại cuộc thi, cậu học sinh Trường THPT Trần Phú (Q. Tân Phú, TP.HCM) tự tin thuyết trình về dự án  và xuất sắc vượt qua gần 2000 đối thủ là lớp anh chị với các  dự án khởi nghiệp lớn mạnh  trên cả nước. Cuối cùng Lớp 6/7 TK (tên dự án) của Bảo được lọt vào top 60 để tiếp tục tranh tài.

“Xin chào các bạn, mình là Bùi Lê Chí Bảo. Mình hiện đang là học sinh với niềm đam mê cháy bỏng mong muốn xây dựng cách học tốt nhất  và hiệu quả nhất. Bắt đầu từ năm 2013 khi mình học lớp 6, nhận thấy rằng các bạn lớp mình muốn hỏi hay trao đổi bài cũng không biết hỏi ở đâu, vậy là với niềm đam mê tin học, mình bắt đầu xây dựng hệ sinh thái học tập Lớp 6/7 TK”, Bảo mở đầu thuyết trình giới thiệu về dự án  gây được ấn tượng mạnh với người xem.

Chân dung cậu học trò đam mê tin học và khởi nghiệp ở độ tuổi học sinh

HOA NỮ

Chia sẻ cặn kẽ hơn với phóng viên, Bảo cho biết  muốn tạo lập và nâng cao khả năng tự học của học sinh. “Lúc còn học lớp 6, chúng em hay hỏi bài trong nhóm chat của lớp, nhưng nếu trong lớp không có bạn nào biết thì câu hỏi đó bị trôi đi và không ai nhắc đến nữa. Từ đó em mới nghĩ phải có một nền tảng để tổng hợp chung các câu hỏi trên đó và mọi người cùng nhìn thấy, cùng thảo luận. Ý tưởng về nền tảng này ra đời từ đó”, Bảo chia sẻ.

Bảo thẳng thắn cho biết gặp nhiều khó khăn khi thực hiện ý tưởng. Trong đó khó khăn lớn nhất là về mặt thời gian, phải sắp xếp và lên kế hoạch để không ảnh hưởng đến việc học . "Thứ 2 là vấn đề công nghệ, các kiến thức của một cậu học trò lớp 6 ngày đó chẳng giúp được gì, mà em phải tự học, tự mày mò để viết code, tạo lập web...”, bảo cho biết.

Hiện tại dự án khởi nghiệp của Bảo đã có 30 thành viên là học sinh và 5 giáo viên cùng đồng hành

HOA NỮ

 Bảo khẳng định: “Đây là nền tảng tự học nên để làm được các nền tảng này em cũng phải tự học. Mà lúc đó đa phần phải tìm kiếm và đọc các tài liệu bằng tiếng Anh. Nếu những bạn hạn chế về vốn tiếng Anh thì đây là một trở ngại rất lớn. Nên càng thôi thúc em sáng lập nền tảng này hơn nữa”.

“Khi đã xây dựng được các nền tảng nhưng chỉ được thời gian do đông người dùng quá nên bị sập máy chủ, khóa tài khoản và xóa hết dữ liệu. Lúc đó em dường như bế tắc mới tìm đến mẹ và kể cho mẹ nghe dự án của mình (lúc đầu giấu) và nhờ mẹ  cho cơ hội để phát triển nền tảng này. "Thế là mẹ tin và cho em số tiền ban đầu để đầu tư”, cậu học trò hồn nhiên kể lại.

Lúc đầu, Bảo không hề nghĩ đến chuyện sẽ khởi nghiệp, chỉ với mục đích xây dựng nền tảng tự học để giúp học sinh, nhưng đến năm học lớp 9, Bảo nhận thấy có thể khởi nghiệp với dự án này, vì hiện tại dự án đã mang về lợi nhuận.

Môi trường tốt để học sinh tự học

Dự án của Bảo có 3 nền tảng chính là chia sẻ kiến thức, hỏi đáp và nhắn tin kết nối.

“Với nền tảng chia sẻ kiến thức, các bạn có thể đọc, viết và chia sẻ kiến thức của mình. Và khi xem kiến thức, chắc chăn sẽ có những câu hỏi, và các bạn muốn hỏi thì tụi em có nền tảng thứ 2 là hỏi đáp. Ở đó bạn muốn hỏi gì cũng được và cộng đồng sẽ tham gia trả lời. Thứ 3 là trong quá trình tự học các bạn sẽ có nhu cầu kết nối với những bạn có cùng sở thích hoặc cùng cách học, thì tụi em có nền tảng thứ 3 là nhắn tin”, Bảo giới thiệu về 3 nền tảng.

Bảo giới thiệu về dự án cho mọi người tại ngày hội Vietnam Startup Day 2019

HOA NỮ

Đối tượng mà Bảo muốn nhắm đến là học sinh từ lớp 6 – 12. Hiện tại ứng dụng có 50.000 người sử dụng, với hơn 10.000 người dùng hoạt động thường xuyên hằng tháng.

“Vì là nền tảng tự học nên chủ yếu là để học sinh tương tác với nhau. Còn giáo viên và các anh chị đi trước sẽ đóng vai trò là người cố vấn và đứng ở giữa, ở sau để kiểm tra chất lượng. Câu trả lời khi được đăng lên sẽ có thầy cô hoặc các anh chị vào chọn những câu trả lời đúng. Ở nền tảng chia sẻ kiến thức cũng vậy, các bài viết được chia sẻ trên đây đều đã được các thầy cô kiểm duyệt trước ”, Bảo giải thích.

Theo Bảo, các kiến thức hiện có trên nền tảng chỉ mới là những bài học theo các môn trong chương trình sách giáo khoa. Nhưng khác biệt so với các trang học hiện nay là không phải bê nguyên si từ sách giáo khoa vào, mà sẽ do chính các thành viên của dự án viết. Và vì là học sinh nên các tác giả có cách viết và truyền tải thông tin gần gũi, sinh động và hợp tâm lý của lứa tuổi học sinh.

“Thường trong sách giáo khoa chỉ cung cấp định lý, định nghĩa. Còn tụi em soạn theo hướng áp dụng kiến thức vào thực tế nhiều hơn mà sách không đề cập đến. Chẳng hạn như bài cảm ứng điện từ của môn vật lý, trong sách chỉ dạy bạn về công thức nhưng tụi em còn đưa thêm cảm ứng điện từ áp dụng vào ngành nung, quy tắc của lò nung đó như thế nào, nung ra sao, áp dụng nguyên lý của cảm ứng điện từ vào trong ngành nung này như thế nào…như vậy kiến thức của các bạn sẽ được mở mang thêm. Không những thế, nền tảng còn có nội dung tương tác thông qua game sẽ giúp người dùng tương tác trực tiếp lên kiến thức đó, và dễ hiểu, dễ nhớ hơn”, Bảo cặn kẽ về những gì nền tảng đã làm được.

Bảo xuất sắc nhận được giải thí sinh ấn tượng nhất cuộc thi Vietnam Startup Wheel 2019

HOA NỮ

 Rất hào hứng với dự án khởi nghiệp này của Bảo, Trịnh Bảo Ngọc, 12A10 Trường THPT Trần Phú, bày tỏ: “Đây là dự án mà kiến thức khá đa dạng và hữu ích. Cái hay là học sinh tự học với nhau, tự góp ý, được tham gia trả lời câu hỏi từ đó phát triển tư duy. Đặc biệt hơn, nền tảng kết nối bạn bè đến từ khắp mọi miền đất nước, các bạn được học ở những môi trường khác nhau, thầy cô khác nhau nên kiến thức và cách nhìn, tư duy vấn đề nhiều khi cũng khác nhau. Từ đó, sẽ giúp cho bản thân mỗi bạn khi cùng nhau học trên này được trao đổi và học hỏi lẫn nhau ở nhiều khía cạnh”.

Mẹ của Bảo là chị Lê Thị Nga, giáo viên tiếng Anh tại Trường THCS Tân Thới Hòa, không giấu được cảm xúc, chia sẻ: “Mình ủng hộ con hết mình vì con đang làm một dự án rất ý nghĩa cho cộng đồng, đặc biệt là học sinh. Câu chuyện khởi nghiệp thì mình chưa nói đến, hiện tại, đây sẽ là môi trường để học sinh tự học lẫn nhau và từ đó củng cố, mở mang hơn nữa”.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.