Học nghề miễn phí cũng… miễn học - Kỳ 2: Dạy nghề không phải để lấy giấy khen !

26/07/2013 03:05 GMT+7

Khảo sát nhu cầu việc làm và đầu ra của học viên để xây dựng chương trình học phù hợp, sẽ tạo sức hút cho lao động nông thôn đến với những lớp đào tạo nghề.

Tránh đào tạo dàn trải

Trung tâm dạy nghề H.Bình Chánh đang xây dựng 6 ngành nghề cho lao động nông thôn, đó là các kỹ thuật về trồng dưa hấu sạch, trồng rau an toàn, trồng rau trong nhà lưới, trồng cà chua năng suất cao, nuôi lươn và nuôi cá kiểng, trồng và chăm sóc phong lan nâng cao. Dự kiến, từ nay đến cuối tháng 8.2013, những lớp học nghề này sẽ triển khai ở các xã trong huyện. Ông Lê Minh Hiệp, Phó giám đốc phụ trách đào tạo trung tâm, cho rằng: “Để biết người dân có nhu cầu thực sự, trung tâm đã gắn với từng xã, với hội nông dân huyện để xuống khảo sát nhu cầu học nghề tại địa phương. Trên cơ sở đó, mình mới xây dựng kế hoạch và đào tạo xoáy vào những cái nghề đó cho tốt, chứ nếu không sẽ đào tạo dàn trải”.

 
Thanh niên ngoại thành TP.HCM theo học nghề may - Ảnh: Thanh Lịch

Anh Huỳnh Chí Công, chủ trang trại chăn nuôi Phước Thịnh, nuôi nhiều loại rắn, chim trĩ, ếch, kỳ đà, cho rằng: Để thu hút thanh niên học nghề thì ngoài những chính sách về miễn, giảm học phí, các ngành liên quan nên có những khảo sát thực tế và cụ thể để nắm bắt nhu cầu học nghề của từng thanh niên. Bên cạnh đó, nên mở những buổi hội thảo giới thiệu nghề tại địa phương và mời thanh niên đến dự để biết được tâm tư, nguyện vọng của họ đang cần học những ngành nghề gì. Từ đó, mới tính đến chuyện mở lớp, tránh tình trạng mở lớp ra nhưng không có người đến học, rất lãng phí.

 

Người học chỉ khi nào xác định được việc làm, hoặc đi làm thì mới đi học nghề. Còn các cơ sở dạy nghề không phải dạy để tính bao nhiêu người, đạt bao nhiêu phần trăm để lấy giấy khen, đó là tào lao

Nguyễn Thành Hiệp
Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM

Nhận định chung về thị trường lao động, ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm thanh niên TP.HCM, nói: “Có những lao động học nghề ngắn hạn 3 tháng, 6 tháng chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay. Xu hướng học viên thích những nghề “sang” như công nghệ thông tin, kế toán. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng đối với những nghề kỹ thuật hoặc công nhân may rất lớn, nhưng ít người đăng ký”. Theo anh Sang, việc đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu thực tế, đối tượng học phải thực sự có năng khiếu, đam mê, chứ không phải chỉ phát giấy đăng ký để chạy theo số lượng đại trà.

Học xong phải có việc làm 

Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) nhấn mạnh: “Học nghề để làm gì? Học nghề là để đi làm. Muốn đi may thì phải học nghề may, muốn đi sửa điện thì mới học nghề điện. Người học chỉ khi nào xác định được việc làm, hoặc đi làm thì mới đi học nghề. Còn các cơ sở dạy nghề không phải dạy để tính bao nhiêu người, đạt bao nhiêu phần trăm để lấy giấy khen, đó là tào lao”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh, TP.HCM, bà Trần Thị Như Lan thẳng thắn nhận xét: "Tỷ lệ thanh niên nông thôn đi học nghề nhìn chung rất thấp vì họ cho rằng các cơ  sở dạy nghề ở địa phương không đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội, học nghề xong không tìm được việc làm. Bởi lẽ đó, trong đầu họ luôn tồn tại một suy nghĩ là nếu đã không có khả năng đi học chữ thì hãy đi làm công nhân, buôn bán nhỏ lẻ hoặc lao động phổ thông để kiếm tiền. Mặc dù địa phương có tổ chức các lớp dạy cho thanh niên về kỹ thuật trồng hoa cây kiểng, chăn nuôi nhưng số lượng thanh niên tham gia học rất ít”. Theo bà Lan, để thu hút lao động nông thôn học nghề thì nhà nước phải quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cũng như đội ngũ giảng dạy cho các cơ sở dạy nghề. Về phía cơ sở dạy nghề, phải có sự kết nối chặt chẽ với các công ty, doanh nghiệp để đảm bảo làm sao những người học nghề khi ra trường phải có việc làm ổn định theo chuyên ngành của mình. Đối với những người học nghề nhưng có khát khao mở tiệm hay tự đứng ra làm chủ thì cần có chính sách đặc biệt để hỗ trợ về vốn vay cho họ.

Một cán bộ trung tâm dạy nghề ngoại thành TP.HCM trăn trở về công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động trong khi xây dựng, triển khai đào tạo ngành nghề cho lao động nông thôn. Ông tâm tư: “Nếu mình xây dựng cái ngành này năm nay mà năm sau không còn nữa thì rất lãng phí. Cá nhân mình làm giáo dục mà khi xây dựng một cái nghề năm nay mà sang năm không còn ai học nữa, nó biến mất thì mình có đủ tự tin để làm hay không? Vì vậy, cần có những người có khả năng hoạch định để xây dựng những ngành nghề có tuổi thọ tốt. Đây cũng là một rào cản”.

Như Lịch - Lê Thanh

>> Học nghề miễn phí cũng… miễn học !
>> Vừa học nghề, vừa được trả lương
>> Nhật Bản hỗ trợ thanh niên Việt Nam học nghề
>> Trao giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu cho 10 văn nghệ sĩ
>> Giảm 50% phí học nghề cho bạn trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.