Học gì để làm nghề pháp chế như Sơn đẹp trai trong 'Tình yêu và tham vọng'?

21/09/2020 18:12 GMT+7

Người trẻ yêu thích phim Tình yêu và tham vọng hẳn còn nhớ nhân vật Sơn đẹp trai, giám đốc pháp chế của tập đoàn Hoàng Thổ. Vậy nghề pháp chế là gì, học gì để làm ngành này?

'Sơn pháp chế' là từ quen thuộc mọi người gọi nhân vật Sơn trong phim Tình yêu và tham vọng. Anh có sự nghiệp tốt khi tuổi còn rất trẻ, xe sang, nhà lầu, nhưng công việc giám đốc pháp chế cũng rất căng thẳng, phải tham gia điều hành doanh nghiệp cùng tổng giám đốc Minh, phó tổng giám đốc Tuệ Lâm. Đó là câu chuyện trong phim. Vậy ngoài đời, nghề pháp chế là sẽ làm những công việc gì, phải trang bị kiến thức như thế nào để trở thành nhân viên hay giám đốc pháp chế trong một doanh nghiệp?
Cuối tuần qua, Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên, Trường ĐH Luật TP.HCM, tổ chức buổi tư vấn trực tuyến về nghề pháp chế. Buổi tư vấn với sự tham gia của anh Lâm Vũ Thao, giám đốc pháp lý Công ty Unilever Việt Nam; tiến sĩ Phạm Hoài Huấn - giảng viên khoa luật thương mại và thạc sĩ Nguyễn Tấn Hoàng Hải, giảng viên khoa luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM đã thu hút hàng chục ngàn sinh viên theo dõi.

Nghề pháp chế là nghề gì?

Anh Lâm Vũ Thao cho hay bản thân anh là cựu sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM. Trước khi là giám đốc pháp lý của Công ty Unilever Việt Nam như hiện tại, anh từng là tập sự trong văn phòng luật, luật sư tư vấn một công ty cũng như trải qua thời gian học ở Úc, làm việc trong các hãng luật ở Việt Nam, pháp chế cho một số công ty, tập đoàn lớn khác.
“Làm pháp chế là làm gì? Ngày xưa khi tôi đi học không có những buổi tư vấn trực tuyến như bây giờ, các bạn bây giờ may mắn hơn rất nhiều. Trước đây ra trường tôi chỉ mong được làm việc trong một văn phòng luật, nhưng làm 5-7 năm rồi mới thấy xuất hiện các anh chị làm bộ phận pháp lý cho công ty. Nam châm giúp tôi vào con đường pháp chế là Công ty Intel Việt Nam. Năm 31 tuổi, 2006, tôi được tuyển vào, là luật sư duy nhất của Intel, cùng nằm trong ban lãnh đạo của công ty. Lúc đó, các giám đốc khác của tập đoàn nhiều người đến từ nước ngoài, họ hỏi tôi rất nhiều lĩnh vực, cả pháp lý, văn hóa ở Việ Nam… Người làm pháp chế cũng cần xem xét, tư vấn, soạn thảo hợp đồng, nhưng không chỉ là như thế…”, giám đốc pháp lý chia sẻ.

Anh Lâm Vũ Thao chia sẻ với các bạn sinh viên

Ảnh Ngọc Thắng Ulaw

Anh Thao cho biết sau một thời gian làm việc, sếp của anh nhận xét anh có kiến thức tốt, nhưng trông mong vào anh nhiều hơn, thể hiện những phẩm chất lãnh đạo nhiều hơn. Bản thân anh không chỉ là luật sư tư vấn pháp lý, mà còn phải chú ý các vấn đề khác của doanh nghiệp, doanh nghiệp của mình đang chú ý điều gì, có thể truyền cảm hứng cho các nhân viên còn lại ra sao. Sếp cũng nhắc đi nhắc lại với anh về văn hóa chính trực của công ty, làm sao để tạo ra một hệ sinh thái doanh nghiệp để tất cả mọi nhân viên trong công ty tuân thủ pháp luật, không vướng vào các tệ nạn như tham nhũng, “bôi trơn”…
Theo anh Thao, một người làm pháp chế doanh nghiệp là đối tác nội bộ trong các phòng ban trong công ty, tham gia vào các dự án công ty ở từ giai đoạn đầu, phải hiểu về các dự án từ lúc khởi thảo để hiểu, cùng triển khai.

Làm pháp chế lương có đủ sống không?

Tiến sĩ Phạm Hoài Huấn, giảng viên khoa luật thương mại, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho hay nhiều sinh viên băn khoăn về mức lương mới đi làm khi vừa ra trường. Vậy “sinh viên theo ngành pháp chế, lương có đủ sống không?”.
Anh Lâm Vũ Thao cho hay theo sự phát triển của nền kinh tế, việc kinh doanh càng phát triển, nhu cầu cần nhân sự pháp chế cao, do đó cơ hội nghề nghiệp cho người trẻ càng cao. Lương sẽ phụ thuộc vào đó là doanh nghiệp vừa nhỏ, hay start-up, hay tập đoàn nước ngoài.
Anh Thao cho hay có nhiều vị trí trong nghề pháp chế, phụ thuộc quy mô doanh nghiệp, có nơi sẽ thuê luật sư bên ngoài, có nơi chỉ cần một người làm pháp chế, nhưng cũng có tập đoàn lớn có nhiều người làm pháp chế với các thứ bậc như thực tập sinh, trợ lý pháp lý, chuyên viên, chuyên viên bậc cao, trưởng bộ phận pháp lý…

Tiến sĩ Phạm Hoài Huấn trả lời thắc mắc của các bạn trẻ

Ảnh Ngọc Thắng Ulaw

Tuy nhiên, theo anh Lâm Vũ Thao, không chỉ về lương, làm nghề pháp chế cho các công ty có tầm vóc nhất định giúp cho người trẻ có nhiều cơ hội được học hỏi, đào tạo, được đi học hay làm việc ở nước ngoài, phát triển nghề nghiệp. Bên cạnh đó, nó phụ thuộc vào sự kiên trì, cầu tiến, trau dồi kỹ năng… ai có trình độ cao sẽ được thị trường đãi ngộ xứng đáng. Anh Lâm Vũ Thao khuyên người trẻ, khi mới ra trường, bạn có thể tìm kiếm công việc phù hợp năng lực, có thể làm ở các công ty vừa và nhỏ cũng có thể học hỏi được rất nhiều. “Nghề nghiệp là một con đường dài, quan trọng là bạn muốn thấy điều gì ở cuối con đường và học hỏi để có được nó”, anh Thao khuyên.

Mới ra trường có làm nghề pháp chế trong doanh nghiệp được ngay không?

Anh Thao trả lời, 90% ở các tập đoàn lớn, người làm pháp chế cần có kiến thức pháp lý vững chắc, có kiến thức về kinh doanh, có kinh nghiệm làm việc, nhận được tín nhiệm của mọi người. 10% còn lại là một số tập đoàn có bộ phận pháp chế đông, người ta có thể nhận sinh viên mới ra trường về để dìu dắt, hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo anh Thao, khi nghe thông tin này xong các bạn sinh viên đừng nản chí. Còn rất nhiều cơ hội cho sinh viên mới ra trường, các bạn có thể bắt đầu từ các văn phòng luật để học từ từ, được đào tạo để nâng cao kiến thức của mình. Sinh viên năm cuối có thể xin làm thực tập sinh…

Các chuyên gia tham gia buổi tọa đàm trực tuyến

Chia sẻ thắc mắc của một sinh viên, muốn làm nghề pháp chế có bắt buộc cần chứng chỉ luật sư không? Tiến sĩ Phạm Hoài Huấn cho biết là không cần. Song, các bạn trẻ cần trang bị khối kiến thức, kỹ năng, tư duy pháp lý, nắm kiến thức về pháp lý, luật dân sự, lao động, thuế…

Để làm nghề pháp chế, cần kiến thức, kỹ năng gì?

Theo anh Lâm Vũ Thao, nhà tuyển dụng trông đợi người làm nghề pháp chế có tư duy pháp lý tốt, tiếp đến biết giao tiếp. Giao tiếp bao gồm khả năng nói và viết, nói với ai, nói cái gì, lúc nào, ra sao cho thuyết phục. Viết cũng vậy, từ văn bản email cần nhã nhặn, lịch thiệp, dễ hiểu. Và quan trọng không kém là thái độ. Thái độ bạn trẻ có tinh thần cầu tiến hay không, có làm việc được với người khác trong bộ phận không…
Theo giám đốc pháp lý của Unilever Việt Nam, ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng mở ra cánh cửa, bước ra thế giới với các bạn trẻ với mọi ngành nghề, trong đó có nghề pháp chế. Anh nói: “Tôi nhớ mãi lời khuyên của cha tôi khi tôi từ quê lên Sài Gòn học đại học, đó là nhớ phải dành thời gian để học ngoại ngữ nha. Lúc đó tôi ở quê, gần như không biết gì tiếng Anh. Vào Sài Gòn là học tại từ đầu. Tiếng Anh cho tôi lợi thế lớn, khi đi ra trường, đi làm. Thôi thúc làm sao phải nói chuyện, trao đổi, tranh luận với khách hàng là người nước ngoài cho tôi động lực để học tiếng Anh thật tốt”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.