Học chữ để xài điện thoại, ATM

10/09/2012 09:25 GMT+7

“Cô ơi, chữ này đọc sao? Còn chữ này viết sao hả cô?...”. Lớp học chữ này không phải của học trò nhỏ bi bô mà đó là lớp dạy chữ cho thanh niên công nhân ở khu trọ 34/10, phường Lái Thiêu (thị xã Thuận An, Bình Dương).

 Học chữ để xài điện thoại, ATM
Cô giáo Nguyễn Thị Vân (Thanh Hóa) - giáo viên tình nguyện đứng lớp - và các học trò công nhân - Ảnh Trần Hưng

Chuyện biết chữ, đọc được chữ ngỡ rằng ai cũng biết là điều hiển nhiên. Vậy mà ở lớp học này, nhiều bạn công nhân ráng theo học để biết... nhắn tin điện thoại và rút tiền từ máy ATM. Lớp học mở được hơn một tháng, nhiều công nhân đã có thể tự đánh vần và đọc được chữ.

Không biết chữ khổ trăm bề

 

Mình vừa xin vào làm ở một công ty may với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng. Thay vì những lần trước phải lấy ngón tay điểm chỉ làm hợp đồng thì lần này mình đã tự biết ký tên

Công nhân Thạch Thị Phơ La  (34 tuổi, quê Sóc Trăng)

“Lúc còn nhỏ gia đình khó khăn nên không có tiền đi học, lớn lên đi làm không biết chữ muốn làm việc gì cũng khó, hôm nay được các anh chị đoàn viên đến dạy chữ tôi mừng lắm” - chị Trần Thị Thu Hòa (22 tuổi, quê Cà Mau), công nhân KCN VN - Singapore, một “học sinh” của lớp, tâm sự.

Theo lớp được mấy tuần, giờ Hòa đã mê mặt chữ. Bất kể ở công ty hay phòng trọ, hễ có thời gian rảnh rỗi là Hòa lại lấy sách ra học. “Không biết chữ khổ lắm, đi đâu cũng cảm thấy xấu hổ với mọi người. Thậm chí dùng điện thoại cũng chỉ để nghe chứ chẳng biết lưu số vào danh bạ. Không biết đọc, biết viết nên đến ngày nhận lương tụi mình đều phải nhờ người đi rút tiền giùm (từ thẻ ATM), bất tiện lắm”, Hòa khổ sở. Ở công ty còn có nhiều bạn như Hòa.

Cũng vậy, bạn Tăng Kha (23 tuổi, Sóc Trăng) chỉ mong biết chữ để có thể sử dụng được thẻ ATM và điện thoại. Anh nói: “Ở quê không biết chữ thì có thể đi làm ruộng, làm mướn. Lên thành phố không biết chữ, muốn xin vào KCN-KCX làm công nhân cũng rất khó, thậm chí đi ra đường không khéo còn bị lạc, dễ bị kẻ gian lừa”.

Bạn Nguyễn Minh Toàn (25 tuổi, quê Cần Thơ) làm nghề thợ hồ, dù công việc mỗi ngày cực nhọc nhưng chưa bỏ học buổi nào. Bạn tâm sự: “Học chữ thích lắm. Bây giờ mình đã học thuộc được bảng chữ cái, biết cách đánh vần từng mặt chữ. Chỉ viết là còn kém và chưa được đẹp thôi. Nhưng mình sẽ cố gắng”.

Giàu nghị lực

Khu trọ có gần 40 phòng với hơn 100 công nhân, đa số đến từ các tỉnh miền Tây. Ông Lê Văn Hanh, chủ nhà trọ, cho biết thấy nhiều công nhân trong khu trọ không đọc được chữ, không biết tên đường nên đi lạc hoài, rồi đi xin việc cũng gặp khó khăn, chỉ xin vào được những công ty nhỏ, lương thấp, không được hưởng đầy đủ chế độ lao động... nên ông đề nghị Đoàn phường Lái Thiêu dạy chữ cho các bạn. Ông bày tỏ: “Họ cũng muốn biết đọc biết viết như bao người khác nhưng vì gia đình nghèo không có điều kiện được đến trường. Vì vậy, việc mở lớp xóa mù chữ cho các bạn trẻ này rất cần thiết”.

Lớp học còn có cả các em nhỏ. Em Tăng Thị Pou (12 tuổi, Sóc Trăng) vui mừng khi được các anh chị đoàn viên trong phường đến tặng sách vở và dụng cụ học tập. Tối nào em cũng là người ra lớp sớm nhất. Pou bị dị tật bẩm sinh ở tay nên cầm bút khó khăn, lóng nga lóng ngóng mãi mới viết được một chữ. “Nghe cô giáo kể chuyện về thầy Nguyễn Ngọc Ký viết bằng chân, em cảm thấy mình như được tiếp thêm nghị lực phấn đấu. Vì thế em sẽ cố gắng học để biết chữ”.

Cô giáo Nguyễn Thị Vân, người đứng lớp, tâm sự: “Mình cũng nghĩ vẫn còn có người chưa biết chữ nhưng các bạn đi làm công nhân mà không biết chữ mình thật bất ngờ. Giúp các bạn trẻ học chữ và mình cũng nhìn thấy từ các bạn ấy nghị lực và sự ham học”.

Anh Huỳnh Minh Trí, chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên phường, cho biết: “Từ đây đến cuối năm, Đoàn phường sẽ phối hợp với CLB chủ nhà trọ mở thêm nhiều lớp học như thế này để giúp công nhân học chữ. Mọi chi phí sách vở và dụng cụ học tập sẽ được phường hỗ trợ”.

Lớp học có 20 người

Tối nào cũng vậy, đúng 19g30 các công nhân lại lấy sách vở ra khuôn viên chính của khu trọ ngồi học. Ai cũng chăm chú và nhiều khi... căng thẳng. Song trên hết vẫn là sự vui tươi, hào hứng và rộn rã khi phát âm theo các thầy cô hướng dẫn. Thỉnh thoảng, xen kẽ vào buổi học là những câu chuyện vui về tình yêu hôn nhân, đạo đức lối sống. Dần dà lớp học thu hút ngày càng đông thanh niên công nhân từ xóm trọ khác đến học.

Cô giáo Nguyễn Thị Vân (Nông Cống, Thanh Hóa) - giáo viên tình nguyện đứng lớp và cũng là giáo viên tiểu học ở Lái Thiêu - cho biết: “Những ngày lớp mới vừa thành lập, nhiều công nhân vì xấu hổ nên nhất quyết không chịu đi học. Tụi mình phải đến từng phòng trọ để động viên. Đến giờ lớp học đã có gần 20 người”.

Theo Trần Hưng / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.