Học bổng nghị lực đến trường: Đỗ đại học nhưng không có tiền đến trường

26/09/2020 07:46 GMT+7

Ánh mắt đượm buồn, ngồi tựa cửa nhìn xa xăm, cậu học trò Bùi Xuân Nhất Long (Q.9, TP.HCM) đang lo lắng cho chặng đường phía trước. Long sợ gánh nặng kinh tế sẽ khiến giấc mơ học đại học của em phải khép lại.

Mua gạo trả góp từng ngày nuôi cháu ăn học

Ba bỏ đi khi hai anh em Nhất Long còn nhỏ, sau đó mẹ cũng lập gia đình mới, để lại hai anh em sống cùng ông bà ngoại. Một thời gian sau, ông ngoại lại bị tai biến và từ đó một mình bà ngoại gồng gánh lo cho hai đứa cháu nhỏ ăn học.

Bà ngoại U70 thức đêm làm hàng, 2 ngày được 50.000 đồng nuôi cháu trai ăn học

“Tôi phải vừa làm mẹ, vừa làm cha của anh em Long, nên chặng đường để các cháu học được đến hôm nay là cả một hành trình gian khổ của ba bà cháu”, bà Hà Thị Thanh Hương (bà ngoại Long) trải lòng.
Nhớ lại những ngày phải lấy nước cơm thay sữa cho cháu uống, vừa đi làm công nhân, vừa đi phụ hồ để kiếm tiền lo cho cả gia đình, bà Hương không khỏi chạnh lòng khi lo nghĩ cho tương lai của hai đứa cháu.
“Trước đây khỏe mạnh thì làm gì cũng được, giờ già yếu rồi đâu ai thuê nữa. Vừa rồi dịch bệnh lại hạn chế không cho người già ra đường, nên khó khăn càng chồng khó khăn. Giờ thằng Long mà đậu đại học, nói thật là tôi vừa mừng vừa lo, vì chẳng biết tiền đâu để đi học tiếp”, nhìn dáng người gầy gò ốm yếu của đứa cháu, bà Hương lại lo sợ.
Từ đợt dịch bệnh tới giờ, bà Hương nhận đồ gia công về làm tại nhà. Ngồi cặm cụi từ sáng tới tối, 2 ngày bà Hương mới kiếm được 50.000 đồng cho một thùng 500 mẫu hàng.
“Tối thì có hai cháu phụ giúp mới xong được trong 2 ngày. Cũng nhờ vậy mới có đồng vào đồng ra, lo bữa ăn hằng ngày. Nuôi hai đứa ăn học nên gạo cũng phải đi mua trả góp, rồi nhiều khi không có tiền đóng học phí, đi mượn nhiều quá hàng xóm cũng không dám đưa vì sợ mình nghèo không đủ khả năng trả”, bà Hương kể.
Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 14710000000115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển VN - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Bùi Xuân Nhất Long. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Bùi Xuân Nhất Long trong thời gian sớm nhất.

Từng sắp “đứt gánh giữa đường”

hoàn cảnh khó khăn nhưng Long rất ham học. Trong 12 năm học, Long luôn giữ được thành tích khá, giỏi và đang nuôi ước mơ học đại học.
Thế nhưng năm học lớp 9, vì quá thương ngoại nhiều vất vả, Long đã có ý định nghỉ học. “Thật sự lúc đó em nghĩ mình không thể tiếp tục được nữa, do khi ấy còn nhỏ, chưa thể đi làm thêm được gì, mà thấy ngoại phải gồng gánh nuôi cả hai anh em ăn học nên em mới có ý định xin nghỉ. Nhưng cô giáo chủ nhiệm khuyên em ráng học, đậu lên lớp 10 là có thể vừa đi làm thêm vừa đi học được, chứ đừng bỏ giữa chừng mà phí công sức bao nhiêu năm ngoại tần tảo nuôi ăn học. Thế là em càng quyết tâm để học nhiều hơn”, Long bộc bạch.
Dẫu quyết tâm, nhưng chặng đường theo đuổi sự học của Long chưa bao giờ là dễ dàng. Long kể: “Có hôm học trên trường vừa xong là em tức tốc chạy đi làm thêm ngay, thường thì em sẽ làm theo giờ, cứ làm bao nhiêu giờ là được trả tiền bấy nhiêu, nên tranh thủ được giờ nào hay giờ đó”.
Long bắt đầu làm thêm từ năm lớp 10, ban ngày chạy bàn quán ăn, ban đêm nhận trông coi tiệm internet. Năm lớp 12, bạn bè lo ôn luyện thi cử nhưng Long vẫn phải cày ngày cày đêm để kiếm tiền ăn học và nộp tiền học thêm 2 môn để thi đại học.
“Vì quyết tâm học đại học nên em phải cố gắng làm để kiếm tiền học thêm 2 môn lý và hóa. Nhưng có những tháng phải đóng tiền học phí và không đủ tiền đóng học thêm thì thầy dạy thêm cũng thương nên cho luôn”, Long kể.
Nhắc đến câu chuyện đóng học phí lại là nỗi ám ảnh của bà cháu Long, vì lần nào cũng đến hạn cuối, nhưng có lúc còn không xoay đủ tiền để đóng. “Mới đợt vừa rồi, em cũng đóng muộn tiền ôn tập mà suýt nữa là không được nhận giấy báo dự thi để thi tốt nghiệp”, Long kể.
Với 21,95 điểm khối A trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, Long nuôi ước mơ được học về công nghệ thông tin. Nhưng những ngày này, cậu học trò cứ nơm nớp lo sợ về gánh nặng kinh tế phía trước: “Chắc chắn em sẽ đi làm thêm để tự lo việc học, chứ không để ngoại phải vất vả nữa. Mặc dù em luôn cố gắng vì tương lai, em nghĩ chỉ có học mới giúp gia đình thoát khỏi cảnh nghèo, mới thay đổi được cuộc sống thực tại, nhưng trong lòng vẫn lo sợ, sợ đến một lúc khó khăn quá em lại dừng bước giữa đường”.
Mỗi lần nghe cháu nhắc đến ý định nghỉ học, bà Hương lại quặn lòng: “Cháu nó ham học nên tôi thương. Bao nhiêu năm qua, có khổ mấy tôi cũng ráng nuôi cho cháu ăn học đến nơi đến chốn. Hai anh em nó giờ không cha không mẹ, sau này tôi có chết đi thì cũng để lại cho tụi nó cái chữ để còn tự lo cho tương lai. Nhưng nghe nói học lên đại học nhiều tiền lắm, không lo sao được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.