Học Bác Hồ ở từng việc nhỏ

26/08/2019 21:12 GMT+7

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là hô hào những điều sáo rỗng, mà học từ những điều giản dị trong đời thường.

Đây là tâm sự được nhiều đảng viên trẻ tiêu biểu chia sẻ trong diễn đàn “Đảng viên trẻ rèn luyện tính trách nhiệm, nói đi đôi với làm theo Di chúc của Bác” do T.Ư Đoàn tổ chức sáng 26.8, tại Hà Nội.
“Nghiên cứu trong Di chúc và xuyên suốt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta thấy Người luôn luôn coi trọng về tinh thần trách nhiệm, tính trung thực, nói đi đôi với làm, coi đó là một trong những nguyên tắc cơ bản của đạo đức cách mạng”, anh Đồng Đức Vũ, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Công an, người đồng chủ trì diễn đàn, phát biểu.
Người yêu cầu “bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”; “mọi người đều có trách nhiệm làm cho dân giàu nước mạnh, quốc phòng vững mạnh”, “phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Hơn thế nữa, những đảng viên trẻ, lực lượng tiên phong của thế hệ trẻ - những “người chủ tương lai của đất nước”, càng phải phát huy tốt hơn vai trò của mình.
Thanh niên là lực lượng năng động, sáng tạo, giàu nghị lực, có lý tưởng cao đẹp, có thể đảm đương và hoàn thành tốt các nhiệm vụ khó khăn, nặng nề nhất khi cách mạng giao phó. Do vậy, thanh niên phải là lực lượng đi tiên phong trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là về tinh thần trách nhiệm, tính trung thực, nói đi đôi với làm”, anh Đồng Đức Vũ nói.
Noi theo tinh thần đó, nhiều câu chuyện giản dị cũng được chia sẻ tại diễn đàn. Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, Bí thư Đoàn phường 1 (quận 6, TP.Hồ Chí Minh), nói về việc mình cùng các đoàn viên trong phường phát động tham gia bán vé số, mỗi tấm lãi được 1.500 đồng, để trao học bổng cho học sinh nghèo. Mỗi phần học bổng tuy không nhiều, nhưng đều là những lời động viên kịp thời mỗi đầu năm học mới.
Chị Đinh Vân Hồng, một cán bộ Đoàn đến từ tỉnh Điện Biên thì chia sẻ việc vận động xây nhà vệ sinh cho các hộ đồng bào dân tộc. “Học theo Bác không phải những gì đao to búa lớn. Tôi học Bác từ những điều giản dị - việc gì tốt thì phải gắng sức làm”, chị Đinh Vân Hồng nói.
Khi đến lượt mình phát biểu tại diễn đàn, anh Hoàng Ngọc Thịnh, Bí thư Đoàn xã Tràng Xá (huyện Võ Nhai, Thái Nguyên), thay vì chia sẻ về những thành tích của mình, đã nhường lời cho một bí thư đoàn xã khác, người đã tạo ra mô hình mà anh Thịnh và rất nhiều người khác đã đến học hỏi.
Đó là anh Lường Đình Hùng, Bí thư Đoàn xã, sáng lập viên, cố vấn định hướng hoạt động của Hợp tác xã Nông nghiệp thanh niên Như Cố (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn). Sinh ra và lớn lên tại một địa phương nghèo, nơi Bác Hồ đã để lại lời động viên: “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên” khi Người đến thăm vào năm 1951, anh Hùng tâm niệm rằng học Bác trước hết là học ở ý chí vượt khó, học ở sự nói đi đôi với làm.
“Không như ở thành phố, tư duy của người nông thôn có rất nhiều khác biệt, nhất là người dân tộc thiểu số. Vì vậy, chúng tôi hiểu là để người dân thoát nghèo từ ruộng nương thì phải đưa vào những mô hình phù hợp với năng lực, tư duy, trình độ sản xuất của họ, không thể mang những gì quá lớn lao, mới mẻ”, anh Hùng chia sẻ.
Khi nhận ra điều này, anh Hùng đã sáng lập ra Hợp tác xã nông nghiệp thanh niên Như Cố với sự định hướng hỗ trợ bà con mô hình chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình thanh long ruột đỏ, câu lạc bộ chăn nuôi ong, tổ công tác trồng rau bò khai bản địa… Mới đầu, người dân cũng dè dặt, nhưng sau khi thấy kết quả tốt thì đều hồ hởi làm theo.
“Khi sản xuất sạch, người dân là những người được hưởng lợi trước tiên. Không ngờ nữa là nhờ các mô hình này, chúng tôi cũng giúp ích rất nhiều cho công tác an ninh trật tự, cảm hóa thanh niên chậm tiến. Khi mình làm được những việc có ý nghĩa thì tiếng nói của mình trong cộng đồng rất được lắng nghe”, anh Hùng chia sẻ và cho biết nhờ những nỗ lực này, cá nhân anh đã đạt giải thưởng Lương Định Của, được Uỷ ban Dân tộc tặng bằng khen về câu chuyện khởi nghiệp và quan trọng hơn là “được rất nhiều anh em đến học hỏi, chia sẻ, truyền lửa”…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.