Hoàng Lê Giang: Dành cả thanh xuân để tìm hiểu bản thân mình

23/11/2017 14:22 GMT+7

Với tôi, cuộc sống vốn vô thường, mọi thứ tài sản, công việc, những người bên cạnh rồi sẽ thay đổi chỉ còn ta. Vì vậy, việc xác định được mình, hiểu về bản thân là quan trọng nhất.

Dành cả tuổi trẻ để chinh phục những giới hạn, trèo lên “nóc nhà châu Âu” - đỉnh Elbrus cao 5.600 m ở Nga, là người Việt Nam đầu tiên vượt qua hành trình 300 km khắc nghiệt để chinh phục Bắc cực, 8 lần leo núi trong dãy Himalaya, từng trải qua trận động đất khủng khiếp ở Nepal... Tất cả những điều đã làm, Hoàng Lê Giang, một trong những nhà du lịch mạo hiểm nổi tiếng nhất Việt Nam hiện tại, cho rằng đó là hành trình tìm hiểu bản thân mình.
Hoàng Lê Giang ở chân đèo Larke La ở Nepal Ảnh: Hoàng Lê Giang
Trải nghiệm để hiểu bản thân
Trong những năm tháng học đại học, tôi nhận ra khi giới thiệu về bản thân, mọi người thường nói mình học ở trường A, chức danh này nọ ở công ty B, bạn của anh C. Hoặc người ta xác định phong cách hay bản thân qua nhãn hiệu quần áo, điện thoại, xe gì, nhà khu nào. Tất cả những điều đó tôi nhận thấy đều không phải là con người của tôi. Tôi luôn nghĩ nếu không có công ty, không có trường học, không có những thương hiệu thì tôi là ai, tôi thật sự mong muốn gì trong cuộc sống này? Với tôi, cuộc sống vốn vô thường, mọi thứ tài sản, công việc, những người bên cạnh rồi sẽ thay đổi chỉ còn ta. Vì vậy, việc xác định được mình, hiểu về bản thân là quan trọng nhất.
Tôi đã trải nghiệm nhiều công việc khác nhau ở nhiều nơi, từ phát tờ rơi đến phục vụ bàn, từ trợ lý giám đốc ở công ty dầu khí đến quản lý bộ phận marketing ở công ty thời trang. Tôi dành thời gian chơi các môn thể thao khác nhau, khởi nghiệp, rồi đi đến những vùng đất mới, trải nghiệm cuộc sống từ núi cao đến đảo xa. Qua những chuyến đi, qua những sai lầm và thất bại, tôi hiểu rõ giới hạn và khả năng của bản thân mình, hiểu mình sẽ xử lý thế nào khi gặp khủng hoảng từ đó tự tin và yêu cuộc sống muôn màu hơn. Có qua trải nghiệm con người sẽ nhìn mọi thứ với ánh mắt cảm thông hơn và luôn sẵn sàng giúp đỡ động viên những người xung quanh.

tin liên quan

Thanh xuân của tôi là chữ nghĩa
Trong cuộc sống, chúng ta thường không tránh khỏi hoàn cảnh phải đứng trước những lựa chọn. Dù là những câu chuyện giản đơn hay những vấn đề hệ trọng phức tạp, sự lựa chọn luôn gắn liền theo nó là tinh thần dấn thân và ý thức trách nhiệm.
Có những trải nghiệm, tôi hiểu rõ bản thân mình nhiều hơn. Từ đó, tôi đặt ra mục tiêu vượt qua được chính mình, khám phá thế giới bên ngoài. Hồi nhỏ, tôi bị béo phì. Đến giờ tôi vẫn chưa chia tay được căn bệnh hen suyễn. Thỉnh thoảng tôi vẫn còn lên cơn hen. Thế nhưng tôi nghĩ có thể lắng nghe được cơ thể của chính mình. Tại sao một người mắc chứng hen suyễn lại không thể leo núi? Trong mỗi chuyến đi, tôi đều muốn tìm câu trả lời thật ra giới hạn của mình ở đâu và có thể vượt qua giới hạn đó hay không. Nếu muốn, sẽ tìm được cách.
Nhiều người nói tôi liều lĩnh trong những cuộc chinh phục tốn kém và nguy hiểm. Nhưng không! Tôi không chắc mỗi chuyến đi sẽ thành công. Nhưng tôi chuẩn bị kỹ lưỡng tất cả mọi thứ, làm sao phù hợp với bản thân mình nhất. Phải quan sát, trang bị kỹ năng và lắng nghe được cơ thể của mình. Tôi thường lên mạng, tìm hiểu rất kỹ về địa hình và điều kiện những nơi mình sẽ đến, trang bị trang phục, thuốc men và tìm hiểu từ những người đi trước. Tôi tập luyện thể lực thường xuyên, tập bơi, chạy bộ… liên tục khi có thời gian rảnh.
Trong chuyến leo núi Himalaya lần thứ 8 Ảnh: Hoàng Lê Giang
Bước ra khỏi giới hạn
Tôi nghĩ, mỗi người có thể vô tình mặc định một giới hạn cho mình. Phần nhiều các giới hạn đó là ở tâm lý. Bước ra khỏi giới hạn đó, bạn sẽ thấy ngạc nhiên về khả năng của mình và thêm động lực vươt qua các khó khăn trong cuộc sống. Bước qua biên giới quốc gia để đến với thế giới, bước ra khỏi sự e dè, sợ hãi của bản thân… đều là bước ra khỏi giới hạn của mình.
Tôi đi nhiều, có những lúc thật sự nguy hiểm. Nhưng tôi không bao giờ nghĩ đi để chết mà là đi để sống tốt hơn, cảm thấy cuộc sống quý giá hơn và để trở về. Đi để yêu quý những điều gần gũi ở bên mình hơn, và đi để trở về làm việc tốt hơn. Khi đi leo núi mới cảm nhận bữa cơm ở nhà rất ngon, cái giường ở nhà mình ngủ mỗi ngày rất là thoải mái. Nhiều khi đi rồi thấy rất yêu quý gia đình. Những lúc gặp bão tuyết nguy hiểm, lúc đó tôi chỉ nghĩ đến gia đình.
Ban đầu, tôi dự định nói là mình dùng cả thanh xuân để du lịch mà nghĩ lại thì không phải. Tôi cũng dành hết nửa thanh xuân để kiếm tiền đi du lịch rồi. À mà cũng không đúng, tôi chưa 30 thì chưa hết thanh xuân mà...
Tôi ước mình mãi mãi thanh xuân, mãi mãi một cuộc sống nhiệt huyết và sức trẻ.
Hãy chia sẻ cùng Thanh Niên những năm tháng tuổi trẻ của bạn cùng chuyên mục: “Dành tuổi thanh xuân để làm gì?” tại email: tngd@thanhnien.com.vn. Chúng tôi sẽ biên tập và đăng tải trên Báo Thanh Niên. Bài viết được đăng sẽ có nhuận bút. Xin trân trọng cảm ơn!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.