Hổ vồ nát tay nhân viên khu du lịch: Dừng tương tác với động vật hoang dã?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
06/06/2019 09:37 GMT+7

Vụ hổ vồ nát 2 tay nhân viên trong khu du lịch Thanh Cảnh, Bình Dương khiến nhiều người rùng mình. Nhiều người trẻ cho rằng, nên hạn chế tương tác với động vật hoang dã.

“Hổ vồ nát 2 tay của nhân viên trong khu du lịch, tôi đọc báo và thấy quá sợ hãi. Có thể con hổ, đáng lẽ thuộc về tự nhiên, rừng xanh bị nuôi nhốt trong chuồng trại, quá ức chế thần kinh, bị stress nặng đã dẫn tới hành động vồ, cắn nát tay người nhân viên trêu đùa nó. Đó cũng là một lý do tôi không ủng hộ nuôi nhốt động vật hoang dã...”, Nguyễn Thu Ngân, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM bày tỏ. Đó là một trong nhiều ý kiến tranh luận của người trẻ tại tọa đàm, tranh biện chủ đề “Bạn có nên tương tác với động vật hoang dã”, do Tổ chức động vật châu Á (Animals Asia) tổ chức, diễn ra chiều 5.6, tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.
[VIDEO] Cận cảnh nơi nuôi con hổ vồ nát 2 tay người đàn ông ở Bình Dương

Quan tâm phúc lợi động vật


Nguyễn Thu Ngân, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM ủng hộ tương tác với động vật hoang dã ở mức độ cho phép, như là có thể khai thác cá để phục vụ làm thực phẩm, phục vụ trong y học nhưng cần khai thác đúng luật, con cá được khai thác cần đúng kích cỡ, không khai thác cá quá nhỏ, cần có một khoảng thời gian ngưng giữa các mùa đánh bắt…
Thu Ngân cho rằng, tương tác với động vật hoang dã phải bảo vệ được động vật hoang dã, đặt lợi ích của động vật hoang dã lên trước, chứ không phải lợi ích của con người. Đảm bảo phúc lợi cho động vật, để chúng được sống tốt, không sợ hãi, không căng thẳng, không có quá nhiều người đến thăm, làm phiền…
Trong khi đó, Huỳnh Tuấn Bình, sinh viên Khoa sinh học - công nghệ sinh học, Trường ĐH khoa học tự nhiên TP.HCM, phản đối tương tác với động vật hoang dã, có thể gây nguy hiểm cho cả động vật và con người, câu chuyện hổ vồ nhân viên khu du lịch vừa qua là một minh chứng…  
Voi trong Thảo Cầm Viên Thúy Hằng
Bình cũng phản đối, việc quan sát các con thú trong vườn thú là chỉ tốt cho con người: “Tâm tính của động vật hoang dã bị ảnh hưởng rất nhiều nếu ngày ngày có quá nhiều người tới vườn thú, quan sát, tò mò nhìn chúng hiếu kỳ. Nếu như nói cho trẻ em vào vườn thú nhìn động vật để tốt cho trẻ em, thì tôi sẽ kể ra câu chuyện, trong một khu bảo tồn rộng lớn, khi chiếc xe chở mọi du khách thăm quan chạy khắp nơi, một con hổ đang săn mồi đã lập tức bị mất con mồi, chỉ vì chiếc xe đó, vậy có tốt cho động vật hoang dã không?”, Bình đặt câu hỏi.
[VIDEO] Người bị hổ cắn nát 2 tay tại Bình Dương kể lại khoảnh khắc kinh hoàng

Phản đối dùng động vật hoang dã để giải trí

Anh Vũ Long, giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và loài nguy cấp, lắng nghe câu chuyện hổ vồ nát tay người mà phóng viên đưa ra, anh bày tỏ quan điểm cá nhân, không ủng hộ nuôi nhốt động vật hoang dã vì mục đích để giải trí cho con người, bởi tách con vật ra môi trường tự nhiên sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hại cho cả con người và động vật, mà trường hợp này là một ví dụ điển hình.
“Vấn đề nuôi nhốt động vật hoang dã dưới danh nghĩa bảo tồn là một vấn đề gây nhiều quan điểm trái chiều. Với điều kiện ở Việt Nam, chúng ta cần chú trọng quy hoạch phát triển và quản lý các sinh cảnh tự nhiên của các loài động vật hoang dã như các khu vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng... để giúp các loài động vật hoang dã có môi trường sống tách biệt và không làm ảnh hưởng đến con người”, anh Vũ Long nói.
Các bạn trẻ thảo luận và tranh biện trong sự kiện chiều nay tại Trường ĐH khoa học tự nhiên TP.HCM Thúy Hằng
Chị Nguyễn Thảo Linh, trợ lý phúc lợi động vật, tổ chức động vật châu Á (Animals Asia), cho rằng câu chuyện con hổ vồ nhân viên trong khu du lịch ở Bình Dương đến nát 2 tay là một câu chuyện đáng tiếc.
Chị Linh nêu quan điểm, nên hạn chế tối đa việc tương tác với động vật hoang dã. Chị Linh phản đối các mô hình giải trí có sử dụng động vật hoang dã, nuôi nhốt thú để làm xiếc thú, xiếc cá heo, cho du chụp ảnh với động vật hoang dã, bán đồ ăn cho động vật hoang dã…
“Ví dụ trong Thảo Cầm Viên, bên cạnh biển báo không được cho thú ăn, tôi vẫn thấy người bán cỏ cho dê, cừu ăn, người ta vô tư cho voi ăn mía, đến mức voi bị béo phì. Tôi nhìn thấy những con hổ thay vì sống trong rừng xanh, có nhiều bụi cây để ẩn nấp rình mồi, thì bị sống trong bịt kín dây thép, kính, vừa nắng nóng, oi bức, ngày ngày bị bao nhiêu cặp mắt hiếu kỳ nhìn, chụp ảnh, nó sẽ bị stress vô cùng”, chị Linh bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.