Hành trình đến với bóng đá chuyên nghiệp của chàng trai quê lúa

08/10/2018 19:33 GMT+7

Bước vào nghiệp cầu thủ khi không được gia đình ủng hộ, con đường đến với bóng đá chuyên nghiệp của Trần Nhật Trung gặp không ít trở ngại.

Nhờ tình yêu mãnh liệt dành cho môn thể thao vua, chàng trai trẻ đã vươn lên trở thành cầu thủ sáng giá của đội tuyển Futsal Việt Nam.
Ước mơ thành người hùng trên sân bóng
Sinh ra ở vùng quê lúa Phú Yên, những cánh đồng trống sau mùa gặt trở thành "sân cỏ" nuôi dưỡng tình yêu của Trung với quả bóng tròn. Cậu nhớ như in cảm giác mừng rỡ khi được ba mẹ sắm cho những quả bóng nhựa đầy màu sắc để đấu cùng đám bạn trong xóm. Đặt hai chiếc dép làm khung thành, bọn trẻ quê ngày ấy tranh nhau giành lấy bóng, cứ đứa nào ghi bàn thì oai phong dữ lắm.
Vì vậy, cậu nhóc ngày ấy chăm chỉ "luyện chân sút" bằng cách đá những quả bóng nhựa "bộp bộp" vào tường rồi tập đón bóng. Mỗi lần đến kỳ gặt lúa, cậu nghịch ngợm tưởng tượng các bao lúa là các chướng ngại vật. Sau đó Trung tập luồn lách, dẫn bóng một cách điệu nghệ như một cầu thủ chuyên nghiệp.

Lớn hơn một chút, Trung bắt đầu mon men lên mạng xem clip của các cầu thủ nổi tiếng như Messi, Ronaldo, Ronaldinho để thỏa trí tò mò. Vừa xem, Trung vừa ghi nhớ cách đá của họ rồi tự tập ở nhà. Sau đó cậu đem đi áp dụng trong mỗi lần chơi với các bạn.
Cậu tâm sự mình thường ghen tị với người đá bóng giỏi. "Hễ ai đá hay hơn là mình tìm cách học lỏm liền, học hết rồi làm theo và đặt mục tiêu phải vượt qua người đó cho bằng được", Trung nhớ lại.
Tình yêu bóng đá được nuôi dưỡng dần dần trong cậu từ những lần đá cho trường ở tiểu học và trung học. Nhờ vậy, bên cạnh việc nổi tiếng vì là một học sinh thông minh, thành tích học tập đáng nể, Trung còn gây ấn tượng với thầy cô và bạn bè nhờ khả năng đá bóng giỏi.
Niềm đam mê với môn thể thao vua ngày càng mãnh liệt. Lúc ngồi xem các chương trình tường thuật bóng đá, Trung thường nói với gia đình "thế nào mọi người cũng sẽ thấy Nhật Trung trên ti vi" và mơ về một ngày được bình luận viên đọc tên "Nhật Trung" mỗi lần chạm bóng.
Gia đình phản đối kịch liệt 
Theo học THPT ở thành phố Tuy Hòa, vì quá mê đá bóng mà cậu học trò giỏi ngày nào nhiều lần bỏ bê việc học. "Trong khi các bạn cùng trang lứa đi học thêm theo lịch từ 17 - 21 giờ thì mình đã đi đá bóng từ 16 đến 21 giờ rồi", Trung cười.
Dù mới chập chững xuống thành phố nhưng ai cũng biết đến tài đá bóng của Trung. "Học sinh với nhau thì chẳng đứa nào chịu cho mình đá chung nên toàn phải đá với các anh lớn trong các đội bóng phong trào của tỉnh", Trung kể mỗi lần đá chung với bạn, cậu thường chấp nhận đá chân trái.
Hiểu được năng khiếu và niềm đam mê của mình với môn thể thao vua, Trung nhiều lần bày tỏ nguyện vọng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp nhưng vấp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình. Không ai trong gia đình Trung dám nghĩ tới chuyện đá bóng kiếm tiền và đều có cái nhìn tiêu cực về nghề đá bóng. "Gia đình mình quan ngại việc lương bổng không ổn định và việc cầu thủ dễ bị chấn thương, tuổi nghề không cao, sau này sẽ vất vả", Trung nhớ lại.
Ba mẹ Trung chỉ có một mong ước giản dị là con có được một công việc ổn định nên họ định hướng con trai tiếp tục học để kiếm một cái nghề. "Ba mẹ không tin đá bóng có thể kiếm tiền để sống và cũng không tin mình có thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp", cậu tâm sự.
Thực hiện ý muốn của ba mẹ, Trung thi đỗ vào Trường cao đẳng Cao Thắng để học nghề. Tuy nhiên, khát khao trở thành người hùng trên sân bóng chưa bao giờ nguôi trong anh.
"Cố gắng đến cùng cực"
Vừa vào Sài Gòn nhập học, Trung đã nhanh chóng tìm cơ hội thử việc trong các câu lạc bộ bóng đá. Được một người quen giới thiệu tham gia một cuộc thi tuyển, Trung lập tức chớp lấy cơ hội. Ban đầu chàng trai chỉ nghĩ đi thi để kiểm tra trình độ nhưng niềm vui vỡ òa khi cậu bất ngờ được chọn vào câu lạc bộ Tân Hiệp Hưng của TP.HCM.
Vừa học ở trường, vừa tham gia luyện tập tại câu lạc bộ khiến Trung gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian và quá trình di chuyển. Thuê trọ ở quận 9, học ở quận 1 nhưng đi tập đá bóng ở tận quận 8, cậu phải chạy đi chạy về rất vất vả. 
Khoảnh khắc ăn mừng chiến thắng của Nhật Trung tại giải Futsal châu Á 2017 Ảnh: NVCC
Thời gian học dần không cho phép Trung đi tập đầy đủ. Điều này khiến cơ hội được tuyển đi đá giải của Trung rất thấp. Trong khi đó, cầu thủ chỉ chứng tỏ được năng lực của mình thông qua các giải đấu. "Các huấn luyện viên không thích cầu thủ lười tập, chỉ cần vắng một hoặc hai buổi sẽ không có cơ hội đá giải", Trung kể. Vì vậy, cậu trộm nghĩ đến ý định nghỉ học để theo con đường trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.
"Không nghỉ học thì không có thời gian tập, chắc chắn không được đá giải trong khi mình muốn đá giải vô cùng", nghĩ vậy nên Trung đành đánh liều tự nghỉ học. Đây là quyết định bước ngoặt của cậu ở tuổi 18.
Lúc đó, Trung suy nghĩ rất nhiều vì sợ làm ba mẹ phiền lòng nhưng "sống để làm điều mình thích, không thể ép buộc bản thân" nên cậu đã quyết định đi theo khát khao của mình.
Trung đã cố giữ kín với gia đình chuyện tự ý nghỉ học cho đến khi đạt được thành công nhưng cậu không giấu được lâu. Trung nhớ như in đó là thời điểm sắp diễn ra giải Futsal U.20 châu Á, xem đây là một cơ hội may mắn dành cho mình, Trung đánh liều hứa với ba mẹ sẽ có mặt trong đội hình đá chính thức để họ yên tâm.
Ba mẹ đã không tin và la mắng rất nhiều nên Trung càng hạ quyết tâm ghi danh vào đội hình thi đấu tại giải bóng đá châu lục này. "Mình đã cố gắng đến cùng cực để được triệu tập, tạo lòng tin với gia đình", Trung bày tỏ.
Lúc nhỏ hay bị bệnh, cơ địa yếu nên Trung gặp nhiều khó khăn khi tập luyện nặng, dễ bị chấn thương. Trung nhớ lại giai đoạn thi đấu vào đội tuyển U20, cậu phải cố tập nặng gấp đôi "vì sợ bị loại ", dẫn đến bị rách cơ. Trung phải nghỉ một tháng dưỡng thương trong khi đã cận ngày chốt danh sách, điều này làm cậu vô cùng lo lắng. "Ngỡ đã không được triệu tập nên mình buồn mấy ngày, không ngờ cuối cùng được chọn, mình vui không tả nổi vì thực hiện được lới hứa với ba mẹ", Trung hồ hởi kể.
Tại giải Futsal châu Á, Trần Nhật Trung mang số 8 đã lập công lớn khi ghi 2 bàn giúp Việt Nam đảo ngược tình thế thắng đội tuyển U.20 Đài Bắc Trung Hoa với tỷ số 5 - 4. "Có thể lập công ở lần đầu tiên tham gia giải bóng lớn, đối với mình là điều may mắn. Đó là kỷ niệm không bao giờ quên", Trung nói.
Được biết Trung cùng những người bạn thân có nhiệt huyết với bóng đá đang mở lớp dạy bóng đá nhằm giúp các bạn trẻ tiệm cận với bóng đá chuyên nghiệp. "Đã trải qua nhiều khó khăn mới chạm đến đam mê nên mình muốn làm gì đó để những người theo sau đỡ vất vả hơn mình ngày trước", Trung giãi bày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.