Hạnh mồ côi cha sắp trở thành điều dưỡng

Thúy Hằng
Thúy Hằng
03/01/2020 08:02 GMT+7

Cô học trò Trường THPT Lê Minh Xuân ngày nào ngồi khóc nức nở một góc sân trường nay đã khoác áo điều dưỡng thực tập ở các bệnh viện. Nữ sinh mồ côi cha đã vượt qua những khó khăn để viết tiếp giấc mơ.

Đó là Hồ Thị Hoàng Hạnh, nhân vật của Báo Thanh Niên trong loạt bài Nghị lực mùa thi 2 năm về trước. Cha bị bệnh nặng rồi sau đó mất đột ngột trong một tai nạn giao thông trước ngày Hạnh thi vào đại học (ĐH) đúng 7 tháng, mẹ là công nhân một xưởng sơn ở xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh, TP.HCM quanh năm cơ cực, Hạnh tưởng có lúc gục ngã. Nhưng từ những bất hạnh, Hạnh hiểu rằng học là con đường duy nhất giúp cô có thể thay đổi vận mệnh của mình và giúp cho những người xung quanh. Nỗ lực ôn tập, kỳ thi năm đó, Hạnh trúng tuyển ngành điều dưỡng, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đúng như ước mơ của em.
Gặp lại sau 2 năm, Hạnh chững chạc hơn, khuôn mặt đã tươi vui hơn. Cô gái 20 tuổi bộc bạch: “Em luôn đau đáu trong tâm trí, rằng mình phải trở thành điều dưỡng, để có thể giúp đỡ cho những bệnh nhân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Ngày trước, cha em bệnh nặng, và sau đó cũng đột ngột rời khỏi vòng tay của gia đình ở trong phòng cấp cứu, chắc chắn cha đã rất đau đớn. Khi em trở thành một điều dưỡng giỏi, em có thể xoa dịu những nỗi đau của bệnh nhân và người nhà của họ, trong những khoảnh khắc không ai mong chờ như thế”.
Nhà ở ngoại thành, ngày nào Hạnh cũng ngồi nhiều giờ trên xe buýt để đến trường, nhưng đó không phải là bất tiện, việc được đến trường với nữ sinh vẫn mãi là niềm hạnh phúc. “Đối với em, học ĐH như mở ra một khung trời mới, môi trường tuyệt vời để em rèn luyện bản thân. Em học rất nhiều điều từ những người bạn mới, thầy cô - những người lúc nào cũng nhiệt tình giúp đỡ chúng em”, Hạnh chia sẻ.
Năm thứ 2 ĐH, Hạnh đã bắt đầu những buổi thực tập điều dưỡng tại nhiều bệnh viện và đi tình nguyện tại các trung tâm hỗ trợ trẻ em nghèo. Tháng 10.2019, cô đi thực tập ở Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trưng Vương, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, với những tính cách khác nhau, do đó buộc mỗi sinh viên điều dưỡng phải có cách ứng xử linh hoạt trước nhiều tình huống. Dịp tết trung thu vừa qua, cô cùng những người bạn tổ chức vui tết cho những em nhỏ ở làng Thủ Đức, chuyến đi này cho Hạnh nhận ra, dù mình gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống nhưng so với nhiều em nhỏ nơi này, Hạnh còn may mắn hơn rất nhiều. “Suy nghĩ đó càng thôi thúc trong em, rằng mình phải làm sao để sống tốt hơn với những gì mình đang có”, Hạnh trầm ngâm.
Những ngày đầu năm mới 2020 với tôi tràn đầy xúc động khi nhìn thấy Hạnh bước vào cánh cổng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nở nụ cười với những người bạn rồi chuẩn bị cho những bài thi học kỳ. Hạnh vẫy tay, chúc mừng năm mới tôi, không quên nhắn một cái tin khiến tôi rưng rưng: “Em luôn cảm ơn chị và Báo Thanh Niên. Học bổng Nghị lực mùa thi và học bổng Nguyễn Thái Bình đã giúp em rất nhiều, mua sắm dụng cụ học tập đầu năm, đóng tiền học phí, và hơn hết, cho em những niềm tin rằng, chỉ cần mình nỗ lực và không bỏ cuộc, mình sẽ không đơn độc. Kỷ niệm em còn nhớ mãi đó là lần đầu tiên em gặp chị ở sân Trường THPT Lê Minh Xuân, chị cho em cảm giác rất gần gũi, thân thiện, em thấy mình dễ mở lòng hơn để chia sẻ câu chuyện của mình...”.
Chọn nghề báo và nhiều năm qua gắn bó với tờ báo yêu thương, bao nhiêu nhân vật đã gặp, bao câu chuyện cuộc đời được kể, nhưng trước sự trưởng thành của mỗi người trẻ sau trang viết, hạnh phúc với tôi chưa bao giờ là cũ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.