Hai mô hình sáng tạo đáng chú ý

01/08/2016 10:15 GMT+7

Không bó hẹp trong bất cứ lĩnh vực nào, hiện nay nhiều người trẻ mạnh dạn với những mô hình sáng tạo khởi nghiệ p .

Xưởng sáng tạo khoa học
Ứng dụng JAMME thông báo tắc đường đã giành giải nhất trong cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp do Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tổ chức.
Xưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật cũng giành được giải ba trong cuộc thi trên.
Vào tháng 8 này, cả 2 mô hình này sẽ đại diện tham dự cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp do Đại sứ quán Mỹ tổ chức.
Nhóm sinh viên đến từ các trường ĐH: Ngoại thương (cơ sở 2), Bách khoa và Công nghiệp TP.HCM đã nghiên cứu sáng lập nên mô hình xưởng sáng tạo - nơi thúc đẩy sáng tạo khoa học cho học sinh, sinh viên.
Mô hình như một sân chơi cộng đồng, vừa như một lớp học, vừa là một xưởng khoa học. Với mong muốn “tạo môi trường để học sinh tiếp xúc, làm quen với khoa học đồng thời phát triển tư duy sáng tạo và những kỹ năng cần thiết để học sinh có thể ứng dụng khoa học vào đời sống”, Nguyễn Huỳnh Việt Đức, thành viên nhóm, chia sẻ.
Đầu tiên, dựa trên những kiến thức học được từ chuyên ngành công nghệ hóa học cộng với việc nghiên cứu từ các nguồn sách khoa học quốc tế, nhóm đã biên soạn cuốn sách ý tưởng khoa học kiến tạo. Bao gồm những kiến thức về khoa học, những thí nghiệm đơn giản phù hợp với học sinh từ 6 - 12 tuổi như cách để tạo màu tự nhiên, để thiết kế núi lửa nhân tạo hay cách để làm ra đất nặn, làm bóng đèn sáng từ quạt gió...
“Cuốn sách như nguồn tư liệu cần thiết để các em đến với xưởng có thể dựa vào đó và tự do sáng tạo theo ý muốn. Tại đây, sẽ có những khóa học về những dự án, mô hình khoa học lớn nhỏ tùy theo lứa tuổi. Thông qua đó, học sinh sẽ tự tay làm những thí nghiệm từ đơn giản đến phức tạp dưới sự hướng dẫn của chuyên gia”, Trần Lê Quang Ngọc, thành viên nhóm, cho hay.
Xưởng sáng tạo còn mong muốn bạn trẻ thuộc nhiều độ tuổi có thể tiếp cận khoa học một cách dễ dàng nhất. “Hiện nay, mỗi tuần một lần, xưởng tổ chức các sân chơi khoa học tại các địa điểm cộng đồng như nhà thiếu nhi, trường học. Tổ chức các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, các buổi trải nghiệm thực tế xã hội, các buổi triển lãm khoa học cho công chúng tại các địa điểm công cộng...”, Việt Đức chia sẻ.
Nhóm tác giả của ứng dụng JAMME thông báo tắc đường nhận giải tại cuộc thi Ảnh: Nữ Vương
Ứng dụng thông báo tắc đường
Là những sinh viên ở quê lên thành phố học, nhìn thấy cảnh kẹt xe tại thành phố, nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đã nghiên cứu và chế tạo thành công ứng dụng JAMME giúp giải quyết các vấn đề giao thông hiện nay của TP.HCM.
“Với ứng dụng này, người dùng chỉ cần tải về máy, khi đi đường cập nhật vị trí hiện tại, từ đấy ứng dụng sẽ dựa trên những thông tin địa điểm kẹt xe để tìm đường theo các tiêu chí mà người dùng đã chọn. Chỉ cần nhiều người cùng sử dụng ứng dụng thì khả năng tắc đường sẽ được giải quyết”, Nguyễn Đức Huy, thành viên nhóm, chia sẻ.
Huy cho biết thêm: “Khi mới xây dựng ứng dụng, đối tượng đầu tiên mà nhóm hướng đến là các tài xế Grab. Bởi họ luôn phải sử dụng bản đồ trước khi đi đến địa điểm mới với tần suất thường xuyên. Bên cạnh đó, khi đi Grab thì khách hàng trả tiền cố định cho tài xế nên dù họ có bị kẹt xe rồi tốn xăng hay đi chậm cũng sẽ bị thiệt thòi. Nên nếu sử dụng ứng dụng này họ sẽ giải quyết cùng một lúc được nhiều vấn đề”.
Hiện nay nhóm còn hướng đến phát triển thành mạng xã hội giao thông, với mong muốn kết nối tất cả mọi người để giao thông VN trở nên an toàn, nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Điều đặc trưng là ứng dụng có thể hướng dẫn, chỉ đường bằng giọng nói. Không những thế, ứng dụng còn có thêm nhiều chức năng khác để đáp ứng tối ưu nhu cầu cho người đi đường như: chia sẻ lộ trình đường đi, xác định vận tốc xe và xác định các quán ăn hay trạm xăng gần người dùng nhất.
Khi được hỏi về nguyên nhân chọn dự án này để khởi nghiệp, Phạm Minh Sang, thành viên nhóm, thành thật: “Đều quan trọng nhất là với ứng dụng này, nhóm có thể giải quyết được bài toán mà đa số mọi người đều quan tâm đó là kẹt xe. Ngoài ra, ứng dụng của nhóm có thể tương tác với rất nhiều ứng dụng khác và có rất nhiều hướng phát triển trong tương lai. Hơn nữa, hiện nay đa phần mọi người đều sử dụng điện thoại thông minh. Đây là một lợi thế để phát triển ứng dụng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.