Hai cô gái dẫn đường về tuổi thơ những năm 199 mấy

22/08/2020 10:19 GMT+7

Tuổi thơ những năm 199 mấy, ấy là khu tập thể cũ với nhộn nhịp người lớn san sẻ nhau món ăn, trẻ con túm tụm chơi đồ hàng, đến tết Trung thu thì sung sướng gặm những chiếc bánh nướng hình con lợn cứng như đá…

Bằng lời văn mộc mạc của Nguyễn Quỳnh Trang (Trang Neko), nét vẽ dễ thương của X.Lan (Nguyễn Vũ Xuân Lan) trong cuốn sách 199 mấy - Hồi ấy làm gì (NXB Kim Đồng) hai cô gái đã dẫn người ta về cả một thế giới tuổi thơ tuyệt diệu những năm 199 mấy.

Năm tháng khó quên với bất cứ ai

Những năm 199 mấy, những khu tập thể thân thương kéo mọi người lại gần nhau hơn. Không gian nhiều kỷ niệm đó, người lớn san sẻ đồ ăn, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, trẻ con thì cùng nhau chơi đùa những trò chơi quen thuộc với bất cứ ai như ném lon, “bòn bon sô cô la”...

Khu tập thể Văn Chương của Hà Nội

Ảnh Phạm Đức Long

Đó là những ngày tết Trung thu không còn gì vui hơn với chiếc đèn làm từ lon sữa bò, ăn bánh nướng bánh dẻo thỏa thích. Đó là những đứa em nhỏ luôn lẽo đẽo đi sau các anh chị lớn để được chơi chung. Hay là ký ức về lũ trẻ thi nhau ăn những lát chanh, lát sấu ngậm đầy muối, rồi cảnh khóc dở mếu dở khi chiếc vợt cầu lông bỗng dưng cháy xém vì bị bạn hàng xóm mượn làm… lưới nướng thịt.
Nguyễn Quỳnh Trang và Nguyễn Vũ Xuân Lan đều là những người trẻ thuộc thế hệ cuối 8X. Hai cô gái cho hay, mình chọn kể câu chuyện của mình vào những năm 1990 - 1999 bởi lẽ quãng thời gian này đất nước bắt đầu xây dựng đời sống kinh tế sau thời kỳ đổi mới. Trẻ con được chơi suốt cả 3 tháng hè, hay không có những khái niệm như điện thoại di động, ipad, game để níu kéo, thế nhưng chúng luôn vui suốt cả bốn mùa.

Tuổi thơ ùa về qua trang sách

Quỳnh Trang tốt nghiệp cử nhân Đạo diễn truyền hình, Trường đại học Sân khấu Điện ảnh. Viết sách tuy không phải công việc chính của Trang nhưng cô luôn đầu tư thời gian bởi đam mê. “Là người trẻ thế hệ 8X đời cuối, tôi lớn lên trong một khu tập thể của Hà Nội, 70% những gì tôi kể bằng con chữ là những trải nghiệm của chính mình”, Quỳnh Trang chia sẻ với phóng viên.
“Khi chúng ta thực sự là người lớn thì chắc chắn mọi thứ sẽ không vô tư, vui vẻ như ngày bé được nữa và có lẽ đó là một phần lý do tôi muốn làm cuốn sách này, như lời đề tựa tôi viết là dành cho những người lớn đã từng là trẻ con. Và trẻ con bây giờ cũng có cơ hội để biết bố mẹ mình khi bé đã từng có những niềm vui đơn giản mà khó quên đến như thế nào”, cô bày tỏ.

Những khu nhà cũ luôn chứa nhiều kỷ niệm ấu thơ với chúng ta - những người không còn thơ bé nữa

Ảnh Thúy Hằng

Trong khi đó, Nguyễn Vũ Xuân Lan, cựu giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội, coi vẽ là niềm vui tuyệt vời chia sẻ được vẽ về chính những ký ức tuổi thơ, những món đồ chơi, quà ăn vặt của chính thế hệ mình khiến cô đồng cảm.
“Chính tôi cũng từng trải qua những kỷ niệm giông giống như vậy, chơi những món đồ, ăn những món quà vặt đó. Từng đồ chơi, món ăn, tôi vẽ theo ảnh tham khảo và theo cả trí nhớ nữa. Vì đó là những thứ rất thân thương nên khi vẽ từng tranh mình đều có cảm giác đưa được một chút câu chuyện cá nhân của mình vào”, cô gái chia sẻ.

Nguyễn Vũ Xuân Lan, bạn trẻ mê vẽ

Ảnh NVCC

Cha mẹ ơi, cho con tuổi thơ

Nguyễn Quỳnh Trang cho rằng xã hội phát triển là tất yếu, nhưng sự thay đổi trong thời đại ngày nay diễn ra quá nhanh chóng, cuộc sống đẩy mọi thứ đi một cách gấp gáp, đôi lúc cô cảm thấy sợ điều đó.
Người kể chuyện tuổi thơ những năm 199 mấy bộc bạch: “Vì sự gấp gáp đó nên con trẻ cũng bị cuốn theo guồng sống của bố mẹ, đó là nhanh và tiện và nó rất khác so với khi chúng ta còn nhỏ. Vì vậy tôi nghĩ bố mẹ cũng cần tự làm chậm mình lại, tạo cho con mình những khoảng thời gian vui chơi không máy tính, không điện thoại, những thói quen thời chưa công nghệ như đọc sách, chạy chơi, khám phá không gian xung quanh chính là điều mà bố mẹ nên làm để giúp con có được tuổi thơ”.

Cô gái Nguyễn Quỳnh Trang

Ảnh NVCC

Bí ẩn tại quán cà phê của Biệt động Sài Gòn

Tuổi thơ 199 mấy của bạn là gì?

Chị Trần Thị Thanh Thanh, 8X đời đầu, 39 tuổi, trú khu chung cư Topaz City, Q.8, TP.HCM, chưa bao giờ muốn quên tuổi thơ những năm 199 mấy, dù lúc đó còn nhiều khó khăn. "Tôi ở một xã của tỉnh Hải Hưng cũ, bây giờ là Hải Dương. Trẻ con ngày đó không có đồ chơi nhưng chính ruộng lúa, vườn khoai, ngô... có thể bày ra đủ thứ vui chơi không bao giờ biết chán. Buổi tối thứ 7 cả bọn kéo nhau sang một nhà nào đó có ti vi xem, hiếm hoi có tiền lẻ thì góp chung nhau để mua chè ăn. Các trò như ô ăn quan, chuyền chắt bây giờ trẻ con xa lạ chứ ngày đó ai ai cũng biết", chị Thanh kể.
Anh Phạm Văn Tiến, 32 tuổi, quê Cai Lậy, Tiền Giang, hiện làm việc tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM thì nhớ mãi những trò chơi con nít thời 199 mấy: "Lúc nhỏ chúng tôi chờ đến mùa trung thu cả xóm xúm lại làm lồng đèn lon sữa bò rồi đẩy đi khắp xóm. Những lon sữa bò thường đi xin ở các quán cà phê. Sau đó về nhà tự tay đục lỗ thoát khí, gắn bánh xe để đẩy đi. Đến đêm trung thu, ai nấy cũng đều có một cái xe để đẩy đi lon ton khắp xóm. Hoặc tới đêm đó cả đám ngồi chụm lại, cùng nhau hùn tiền mua đèn cầy (nến), mang bánh trung thu từ nhà ra và ngồi chơi đến khuya mới về. Tôi không quên, khoảng tháng cuối tháng 3, 4 sau khi mùa gió chướng bắt đầu thổi ngược ở sông Tiền là lúc chúng tôi bắt đầu làm những con diều bằng giấy để thả. Vật liệu thì rất dễ kiếm, chỉ cần vài thanh tre, giấy tập đi học hoặc giấy báo kèm theo hồ là có thể làm được. Ở xóm, đứa nhỏ nào cũng có thể làm được. Nếu đứa nào không biết làm thì những đứa lớn hơn sẽ chỉ cách. Nơi thả diều là bãi đất rộng sát bờ sông cũng là nơi tụ tập vui chơi của cả đám. Ngẫm lại, bao nhiêu mùa gió chướng đã đi qua rồi...".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.