GS.Ngô Bảo Châu trả lời sinh viên chuyện 12/13 thí sinh đăng quang Olympia không về nước

09/09/2017 19:44 GMT+7

GS.Ngô Bảo Châu đã có buổi giao lưu, trò chuyện với sinh viên Đại học Huế tại trường Đại học Sư phạm Huế sáng ngày 9.9. Sinh viên Nguyễn Quốc Thắng, khoa Ngữ văn băn khoăn tình trạng “chảy máu” chất xám, nổi bật là câu chuyện 12/13 thí sinh chiến thắng Olympia không về nước.

Với chủ đề: “Sống trong thế giới hiện đại cùng với những con số tàng hình”, GS.Ngô Bảo Châu đã truyền cảm hứng, chia sẻ cách tiếp cận toán học, giúp các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về ứng dụng của toán học ở cuộc sống và vai trò của nó trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

GS.NGô Bảo Châu tại buổi giao lưu ảnh Lê Toàn

Trước câu hỏi của một bạn sinh viên, hiện nay ở VN đang đẩy mạnh phát triển cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0, thay đổi phương pháp hình thức sản xuất trong xã hội, Giáo sư Ngô Bảo Châu, cho biết: “Cái để thúc đẩy, nâng cao sản xuất và giải phóng con người, trước mắt là trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo mang nhiều nội hàm khác nhau, phát triển ra nhiều giai đoạn, trong đó bam hàm cả nội dung toán”.

“Thời gian học ở trường rất cao quý, học để hoàn thiện bản thân mình rồi làm điều có ích cho mọi người, đặc biệt là dựa trên khả năng và chuyên môn để cùng chia sẻ với xã hội”.- Giáo sư nhấn mạnh:

Sinh viên Trần Hồng Quân (ngành Toán Ứng dụng) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên được gặp giáo sư, qua buổi này mình có thể tự trau dồi thêm khả năng và tìm được đam mê về nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu Toán. Mình hy vọng sẽ có cơ hội gặp lại giáo sư và nghe chia sẻ nhiều hơn về quá trình nghiên cứu của thầy.”

Sinh viên Nguyễn Quốc Thắng, khoa Ngữ văn băn khoăn tình trạng “chảy máu” chất xám, nổi bật là câu chuyện 12/13 thí sinh Olympia không về nước sau khi chiến thắng cuộc thi.

Rất nhiều bạn sinh viên thích thú đặt câu hỏi với GS Ngô Bảo Châu ảnh Lê Toàn

Trả lời vấn đề này, GS Ngô Bảo Châu cho biết: “Xu hướng của thế giới ngày nay là xu hướng mở. Bản thân Việt Nam cũng ngày càng phát triển tiếp nhận những nguồn đầu tư ở nước ngoài về tài chính lẫn giáo dục. Chúng ta phát triển và khi chúng ta mở, chúng ta phải chấp nhận chúng ta mất tiền ở chỗ khác, mất người ở chỗ khác, đó là cái giá phải trả, tuy vậy xã hội vẫn thay đổi tốt đẹp. Ai cũng mong muốn bản thân có cơ hội phát triển cũng như tiếp cận với nhiều môi trường khác nhau, các em cũng vậy”.

Sinh viên Trương Thị Thuần Hạnh khoa Giáo dục Mầm Non, ĐH Sư phạm Huế đặt câu hỏi: “Em sẽ là giáo viên mầm non tương lai, sẽ dạy cho các trẻ em những phép toán đơn giản, nhưng trong chương trình đào tạo lại phải học những phép toán rất phức tạp, điều này nhằm mục đích gì?”.

GS.Ngô Bảo Châu, cho biết:“Ngoài chuyên môn, thì các bạn sinh viên cần năng lực xã hội. Các bạn phải tự chuẩn bị năng lực xã hội, phải hiểu được nhiều vấn đề, khía cạnh trong cuộc sống thông qua các môn học, các chương trình đào tạo, bởi điều này giúp ích rất nhiều trong cuộc sống.”

Cô Nguyễn Minh Thuận, giáo viên mầm non chia sẻ: “ Sự thành công của GS Ngô Bảo Châu giống như một tấm gương để mình noi theo. Khi giáo sư về Huế tôi cảm tưởng như đang được gặp thần tượng của mình, sau khi nghe những chia sẻ, tôi có cơ hội biết hơn về quá trình đi lên của ông, để đến được thành công không điều gì là dễ dàng, do vậy mình cần cố gắng hơn nữa.”                  


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.