Gọi vốn thành công nửa triệu USD

08/02/2021 08:14 GMT+7

Ngay trong thời điểm dịch Covid-19 đang rất phức tạp, nhiều công ty khởi nghiệp điêu đứng thì chàng trai trẻ Phạm Ngọc Anh Tùng (31 tuổi), chủ nhân của FoodMap, đã gọi vốn thành công nửa triệu USD từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Wavemaker Partners.

Bứt phá trong dịch bệnh

Quỹ đầu tư mạo hiểm Wavemaker Partners được đánh giá là một trong những nhà đầu tư giai đoạn đầu năng động nhất khu vực Đông Nam Á và Nam California (Mỹ). Thương vụ đầu tư vào FoodMap cũng đánh dấu lần đầu tiên quỹ này tham gia thị trường Việt Nam.
Để làm được điều không tưởng ở thời điểm khó khăn này, Tùng cho biết tất cả nhờ vào sự chuẩn bị rất kỹ từ trước đó.
Theo Tùng, việc giãn cách trong tình hình dịch Covid-19 dẫn đến nền tảng về mua bán trực tuyến bùng nổ. Nắm bắt được xu hướng này, FoodMap bán những thực phẩm tươi sống thiết yếu hằng ngày. Đây chính là cơ hội để FoodMap có bước đột phá vượt bậc.
“Đó là lý do vì sao mình nói mô hình rất quan trọng, mô hình của FoodMap không bị ảnh hưởng bởi dịch vì làm trực tuyến. Nhưng để làm được như vậy thì mình đã chuẩn bị điều này từ trước”, Tùng chia sẻ.
Cũng theo Tùng, trong thời điểm dịch, nhà đầu tư nhận thấy được mô hình này sẽ là xu hướng trong tương lai. Đó là lý do vì sao nhà đầu tư rót vốn cho FoodMap ngay trong mùa dịch.

Dự án khởi nghiệp của Phạm Ngọc Anh Tùng bứt phá trong thời điểm khó khăn

Mong muốn đưa nông sản Việt đi xa hơn

FoodMap là tập hợp những người trẻ thích nông nghiệp và am hiểu công nghệ. Tùng tin rằng nông nghiệp là một trong những thế mạnh của Việt Nam nhưng trước giờ chỉ mang tính truyền thống nên những người trẻ biết về công nghệ sẽ giúp tối ưu các giá trị và đẩy được giá trị bản địa của nông nghiệp Việt Nam đi xa hơn.
Mô hình của FoodMap là nền tảng thương mại điện tử, kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng thông qua nền tảng công nghệ, giúp người dùng hiểu được sản phẩm đó làm từ đâu, ai trồng và trồng như thế nào?
Để làm được điều này, đội ngũ FoodMap phải lang thang khắp mọi miền đất nước, tiếp cận từng hộ nông dân và thay họ kể các câu chuyện bằng những video trực quan nhất về nông sản Việt.
“Mình làm mô hình này với mong muốn cắt được trung gian giữa nông dân với người tiêu dùng, từ đó giảm chi phí cho hai đầu và tụi mình sẽ thu mua giá cao hơn nhưng bán giá thấp hoặc hợp lý hơn. Bên cạnh đó, mình muốn người tiêu dùng mua sản phẩm sẽ có nhiều thông tin, biết được mình đang ăn sản phẩm gì, trồng ở vùng đất như thế nào, văn hóa vùng đất đó ra sao… Đó là hai vấn đề tụi mình đang giải quyết”, Tùng chia sẻ.
FoodMap cũng là một trong những đơn vị đưa nông sản và thực phẩm tươi lên sàn thương mại điện tử. Trong dịch vừa rồi, thay vì điêu đứng bởi các chỗ thu mua truyền thống bị ảnh hưởng, thì nông dân lại bán ra được nhiều hơn nhờ sàn FoodMap của Tùng.
Mới đây, FoodMap hỗ trợ nông dân đưa nông sản, thực phẩm tươi lần đầu tiên lên sàn thương mại điện tử của Lazada, Tiki. Bên cạnh đó, Tùng cho biết cũng đang xúc tiến đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử quốc tế Amazon.
“Sàn FoodMap là một trong những bước đi đầu tiên để chọn lọc được nguồn cung. Nông sản Việt chỉ có thể đi xa được khi người tiêu dùng Việt tin tưởng vào nông sản của mình trước”, Tùng tâm huyết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.