Giúp dân thoát nghèo

29/08/2017 10:35 GMT+7

Chung ý chí và khát vọng cống hiến, các đội viên thuộc Dự án 600 phó chủ tịch xã đã có những đóng góp tiêu biểu giúp người dân vươn lên thoát nghèo, thay đổi diện mạo những vùng đất khó.

Chăn nuôi tập trung, phá thế độc canh
Sau 5 năm tham gia Dự án 600 phó chủ tịch xã, anh Lò Văn Khởi (30 tuổi), Phó chủ tịch UBND xã Làng Nhì (H.Trạm Tấu, Yên Bái) để lại dấu ấn với những mô hình chăn nuôi, trồng trọt, giúp bà con dân tộc thiểu số có thêm thu nhập từ những mảnh vườn, nương ruộng.
Thời điểm anh Khởi về xã công tác, Làng Nhì có tỷ lệ hộ nghèo lên tới 67%. Anh Khởi đã vận động người dân nuôi dê thả rông ở 2 thôn Nhì Trên và Nhì Dưới lập thành các nhóm chăn nuôi dê tập trung. Đến nay, toàn xã Làng Nhì có gần 40 hộ dân nuôi dê tập trung theo nhóm, đưa nuôi dê trở thành nghề mang lại thu nhập cao. Hiện 70% hộ dân xã Làng Nhì có chuồng trại chăn nuôi tập trung.

tin liên quan

Thoát nghèo nhờ làng Lùng Vai
Làng thanh niên lập nghiệp Lùng Vai ra đời khiến vùng biên giới VN - Trung Quốc không còn trộm cắp. Những hộ gia đình thanh niên chuyển đến đây đang có đời sống khá hơn, thoát khỏi đói nghèo và từng bước có của ăn của để.
Anh Khởi kiên trì vận động các hộ dân chuyển sang trồng thảo quả, sơn tra (táo mèo). “Giá trái sơn tra hiện trung bình 10.000 - 15.000 đồng/kg, loại ngon nhất lên tới 40.000 - 50.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa”, anh Khởi nói. Bằng cách làm này, anh Khởi đã đóng góp vào thành công chung của UBND xã Làng Nhì khi mỗi năm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 6 - 7%.
Thoát nghèo bền vững
Khi được phân đảm nhiệm chức danh Phó chủ tịch UBND xã Trà Don (H.Nam Trà My, Quảng Nam), chị La Thị Thanh Thủy (28 tuổi) nhận thấy địa phương có nhiều tiềm năng về rừng, đất sản xuất và chăn nuôi. Thế nhưng toàn xã có 574 hộ dân thì đến 423 là hộ nghèo, trong khi công tác đầu tư giảm nghèo không phát huy hiệu quả. Mỗi năm, xã được hỗ trợ khoảng một tỉ đồng vốn từ các chương trình, dự án nhưng đầu tư phân tán, rải rác. Chị Thủy đề xuất với Ban Thường vụ Đảng ủy xã Trà Don thí điểm triển khai phương án xóa đói giảm nghèo theo từng nhóm hộ. “Nghĩa là hộ nghèo do thiếu đất sản xuất thì được cấp thêm đất; nghèo do thiếu vốn đầu tư cây trồng, con giống, nông cụ lao động sẽ hỗ trợ bằng con giống, cây trồng, nông cụ lao động. Còn nhóm hộ neo đơn, có người khuyết tật... không có điều kiện thoát nghèo thì đưa vào diện chính sách để hưởng các chương trình, chính sách hỗ trợ”, chị Thủy cho hay. Nguồn vốn hỗ trợ thay vì phân tán thì nay ưu tiên cho các hộ tự nguyện đăng ký thoát nghèo.
Bằng giải pháp này, xã Trà Don mỗi năm có 20 - 30 hộ thoát nghèo bền vững. Giải pháp này được Huyện ủy Nam Trà My chọn làm mô hình điểm để nhân rộng ra toàn huyện.
Cải cách hành chính bằng công nghệ thông tin
Tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế quốc dân, anh Đoàn Vũ Toàn (29 tuổi), người dân tộc Tày, quê gốc Bắc Kạn đã chọn Sơn La làm địa bàn ứng tuyển tham gia Dự án 600 phó chủ tịch xã, rồi được điều động làm Phó chủ tịch UBND xã Chiềng Ân (H.Mường La). Tháng 6 vừa qua, dự án kết thúc, anh Toàn được điều động làm Phó bí thư Huyện đoàn Mường La.
Năm đầu tiên trên cương vị phó chủ tịch xã, anh Toàn đảm đương thêm vị trí trưởng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa”. “Phải mất gần một năm vừa đào tạo, hướng dẫn cán bộ, công chức sử dụng máy tính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc như sử dụng hòm thư điện tử, trang thông tin điện tử của huyện. Nhưng đây chính là đòn bẩy giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện công việc”, anh Toàn nói.
Sáng kiến của anh Toàn gần như phát huy hiệu quả tức thì, sử dụng công nghệ thông tin đã giúp lãnh đạo xã dễ dàng hệ thống, theo dõi tiến độ các đầu việc, thuận tiện trong chỉ đạo. Đội ngũ cán bộ công chức làm việc trách nhiệm hơn, mức độ hài lòng của người dân gia tăng. Nhiều quy trình, thủ tục không cần thiết đã được loại bỏ, rút ngắn thời gian xử lý và số lần đi lại của công dân trong giải quyết các thủ tục hành chính. Theo UBND xã Chiềng Ân, mỗi năm bộ phận “một cửa” tiếp nhận, xử lý và trả kết quả thủ tục hành chính cho trên 2.000 hồ sơ, không có tình trạng trễ hẹn, chậm tiến độ.

tin liên quan

Kỹ sư điện tử làm giàu nhờ... rau
Từng có thời gian làm việc tại Nhật Bản với mức lương tương đương 40 triệu đồng/tháng, một kỹ sư điện tử ở Quảng Nam lại trở về quê lập nghiệp và thành công từ giống rau của xứ sở mặt trời mọc.

Tối 28.8, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức lễ tuyên dương đội viên tiêu biểu Dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch xã (gọi tắt là Dự án 600 phó chủ tịch xã) tại 64 huyện nghèo trên cả nước. Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong; Phó trưởng ban Dân vận T.Ư Nguyễn Văn Hùng tới dự.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong trao bằng khen của T.Ư Đoàn tuyên dương đội viên Dự án 600 phó chủ tịch xã tiêu biểu Ảnh: Phan Hậu

Các đội viên Dự án 600 phó chủ tịch xã được tuyên dương là cá nhân tiêu biểu được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ 3 năm trở lên; có nhiều sáng kiến, ý tưởng ứng dụng vào thực tiễn và phát triển địa phương nơi công tác. Trong số 72 hồ sơ đề xuất của 20 tỉnh triển khai dự án, T.Ư Đoàn lựa chọn 60 đội viên tiêu biểu để tuyên dương, trong số đó có 32 đội viên là người dân tộc thiểu số.
Phát biểu tại lễ tuyên dương, Bí thư T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy khẳng định 5 năm qua, các đội viên dự án tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền xã triển khai nhiều mô hình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội đạt hiệu quả cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho đồng bào các xã thuộc 64 huyện nghèo. Anh Bùi Quang Huy khẳng định rất nhiều mô hình, dự án thành công của đội viên đã thể hiện sự tâm huyết, sáng tạo, dám nghĩ dám làm để đi đến thành công là những mảnh ghép quan trọng góp phần vào thành công chung của Dự án 600 phó chủ tịch xã.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.