Giới trẻ ASEAN và cuộc chiến chống tin giả

10/10/2019 18:55 GMT+7

Kể từ năm 2016 khi cụm từ 'tin giả' trở nên phổ biến, việc thông hiểu thông tin, truyền thông cũng ngày được quan tâm, đặc biệt là trong giới trẻ Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.

Giữa lớp học Intensive News Literacy 2019 (Thông hiểu thông tin) tại Trung tâm Hoa Kỳ TP.HCM với phần đông là những bạn sinh viên, cô Nguyễn Lang Mộng (49 tuổi) chăm chú lắng nghe từng bài giảng về các cách thẩm định thông tin dù trước đó cô có phần e ngại vì cho rằng mình “đã quá tuổi” và không giỏi tiếng Anh.

Nhà báo Đỗ Hùng chia sẻ về người gây ảnh hưởng (influencer) trên mạng xã hội trong buổi học News Literacy 2019

C.T.V

Cô Lang Mộng nói: “Mình hay chia sẻ những thông tin mình thích, mình quan tâm, và sau này kiểm chứng lại thì thấy đó những thông tin sai. Vì vậy, mình nghĩ rằng nếu đã hoạt động xã hội, quen biết nhiều người, thì nên biết cách nhận biết thông tin sai lệch để không chia sẻ và ảnh hưởng xấu đến cộng đồng”. Cô Mộng là quản trị trang Pflag Sài Gòn, một tổ chức cộng đồng LGBT. Cô từng chia sẻ với ban tổ chức rằng thông tin sai lệch về cộng đồng LGBT tràn lan thúc đẩy cô đăng ký lớp học, điều này khiến các bạn quản lý dự án Thông hiểu thông tin 2019 tại Trung tâm Hoa Kỳ “nhận” học viên ngoại lệ này. 

Thông hiểu thông tin giữa hỗn loạn tin tức

Nỗ lực chống tin giả bằng thông hiểu thông tin

Lớp học thuộc chương trình Intensive News Literacy do Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM tài trợ và được thực hiện từ năm 2017 với nhiều hình thức nhằm phổ biến sự thông hiểu thông tin đến cộng đồng. Trên thế giới, nâng cao năng lực truyền thông được xem là công cụ lâu dài trong “cuộc chiến” chống lại tin thất thiệt hiện nay. Việt Nam không nằm ngoài bức tranh đó và dự án Thông hiểu Thông tin là một trong những nỗ lực này.
Cô Bùi Lê Anh Thư, Trưởng dự án Thông hiểu thông tin 2019 tại Trung tâm Hoa Kỳ, cho biết lớp học kéo dài 12 tuần (3.7-18.9.2019), mỗi tuần một buổi, mỗi buổi 3 giờ đồng hồ, dành cho các bạn trẻ đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, học về các kiến thức cơ bản của báo chí, truyền thông, quan trọng là cách nhận dạng tin thất thiệt, tin giả, và nâng cao năng lực tiếp nhận thông. Giáo án chương trình được các chuyên gia đóng góp như các giảng viên đến từ ĐH Hồng Kông, hay Khoa Báo chí - Truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.
Ông Lương Nguyễn An Điền, Thư ký tòa soạn báo Zing.vn, cũng là diễn giả của lớp học, nhận xét mối lo tin giả là mối lo toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài bức tranh đó. “Trong một phần của nỗ lực chống lại tin giả thì có những chương trình về thông hiểu thông tin, như lớp học Intensive News Literacy 2019, với đa dạng học viên có thái độ cầu thị, cởi mở. Đây là tín hiệu tuy mới ban đầu nhưng cũng rất đáng mừng”. Cùng quan điểm, thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Nguyệt, giảng viên Khoa Báo chí - Truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng thông hiểu thông tin, hay rộng hơn là năng lực hiểu biết truyền thông (media literacy) là một trong những công cụ hữu hiệu chống lại tin giả. 
Cô Nguyệt nói: “Cuộc chiến với tin giả hiện nay còn là cuộc chiến với công nghệ sản xuất tin giả hàng loạt và lan truyền nhanh chóng. Nhiều người lựa chọn việc né tránh, không sử dụng mạng xã hội, nhưng tôi cho rằng, giải pháp căn cơ chính là nâng cao năng lực nhận định thông tin, và các lớp học về thông hiểu thông tin là rất cần thiết”.
Những dự án khắp Đông Nam Á
Tin thất thiệt luôn tồn tại, và hàng loạt công cụ như mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin “hỗ trợ” lan truyền loại thông tin này nhanh hơn. Chính vì thế Đông Nam Á trở thành “vùng đất màu mỡ” cho tin giả khi 63% dân số sử dụng mạng internet và 61% tham gia mạng xã hội, theo báo cáo We are social vào tháng 1.2019. Con số tham gia mạng xã hội ở Việt Nam là 64% dân số. Những năm qua, tin giả ảnh hưởng đến Đông Nam Á, từ những vấn đề lớn, gây tranh cãi như bầu cử, ví dụ tại Philippines năm 2016, Malaysia năm 2017 và Indonesia năm 2019; hay mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, ví dụ khủng hoảng nhân đạo Rakhine tại Myanmar; đến những sự kiện, câu chuyện thường nhật. Ví dụ tại Việt Nam là câu chuyện về sức khỏe.

Giới trẻ Singapore sử dụng điện thoại thông minh

Diệp Uyên

Nỗ lực nâng cao kiến thức hiểu biết truyền thông, cụ thể là các khóa học thông hiểu thông tin, cũng phát triển ở các nước Đông Nam Á. Trong đó có thể kể đến Philippines với nhiều dự án kiểm tra sự thật từ rất sớm, năm 2008, như VERA Files hay Tsek.ph, cũng như các dự án thông hiểu truyền thông, do các đại học và những người trẻ thực hiện, ví dụ như tổ chức Out of The Box với nhiều chương trình khác nhau.
Anh Marlon Nombrado, nhà đồng sáng lập và vận hành tổ chức Out of The Box (OOTB), chia sẻ với PV Báo Thanh Niên, tổ chức hoạt động từ năm 2014 nhằm nâng cao năng lực hiểu biết truyền thông của sinh viên và giáo viên, thông qua các chương trình giáo dục như diễn đàn, workshop, hay thiết kế các tài liệu học trong các lớp hiểu biết truyền thông. Đến nay, OOTB đã tiếp cận được hơn 2.500 học sinh, sinh viên ở 150 trường. “Chúng tôi rất vui khi hiểu biết truyền thông được đưa vào giáo án chính thức của Philippines, vì thế mà hiện nay chúng tôi hướng đến việc đào tạo giáo viên, thiết kế giáo án sáng tạo, nhằm đạt hiệu quả dạy và học cao”, Marlon nói thêm. 
Tại Campuchia, hiểu biết truyền thông được đưa vào giáo án dạy chính thức từ năm 2016. Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao nước này cùng với tổ chức DW Akademie đã phát triển nội dung Thông hiểu thông tin và truyền thông cho sách giáo khoa Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho học sinh khối 12, ước tính có khoảng 94.500 học sinh học ICT toàn quốc. Singapore và Thái Lan cũng có những hình thức truyền đạt thông hiểu truyền thông qua nghệ thuật hay các trò chơi quen thuộc với giới trẻ - những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội - như Digital Arts for All, hay Media literacy game card.

Đoàn tàu MRT (Singapore) trang trí bằng hình ảnh nâng cao nhận thức về tin giả

Diệp Uyên

Phát triển kỹ năng, thay đổi tư duy

Sau khi tham gia khóa học Intensive News Literacy tại Trung tâm Hoa Kỳ, cô Nguyễn Lang Mộng chia sẻ sau khi kiểm tra lại những bài đăng cũ, cô nhận thấy “mình sai quá trời sai” và sẽ áp dụng các kiến thức đã học để kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ trên mạng xã hội.
Các chuyên gia đều đồng ý rằng cần có thái độ bình tĩnh khi tiếp nhận thông tin, để có đánh giá đúng đắn. Đây cũng là một trong những phần cốt lõi của năng lực thông hiểu thông tin, rộng hơn là hiểu biết truyền thông.
Thạc sĩ Minh Nguyệt cho rằng: “Theo tôi, thông hiểu thông tin không chỉ là kỹ năng thẩm định thông tin, mà còn là thúc đẩy, thay đổi tư duy bên trong, để vượt qua khỏi định kiến của bản thân, kiểm soát cảm xúc và giữ thái độ bình tĩnh, cân nhắc, không vội vàng, khi tiếp nhận thông tin”.

ThS. Nguyễn Thị Minh Nguyệt giảng dạy tại dự án Thông hiểu thông tin

BTC

Còn dưới góc độ báo chí, ông An Điền đưa ra lời khuyên: “Không chỉ người đọc mà người làm báo chúng tôi cũng cần, là tránh tâm lý đám đông trước khi đánh giá thông tin, chúng ta nên dành một phút tĩnh lặng để đánh giá khách quan, chính xác hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.