Giờ trưa đi xem phim xanh

Thúy Hằng
Thúy Hằng
26/08/2019 16:04 GMT+7

Vừa cùng ăn những phần cơm trong những chiếc hộp mang đi, chọn một tư thế ngồi thoải mái nhất, vừa có thể cười, bàn luận về bộ phim đang hiển thị trên màn ảnh, chúng tôi cùng xem phim xanh giờ trưa.

Trưa thứ 6 tuần qua, 23.8, trong không gian một quán cà phê ở đường Trương Định, P.6, Q.3, TP.HCM chúng tôi xem phim xanh, đó là phim tài liệu More than honey (tạm dịch Không chỉ là mật ong) của nhà làm phim nổi tiếng người Thụy Sĩ Marcus Imhoof. Hơn 10 người cùng ngồi bên những ly cà phê hay những hộp cơm trưa tự mang đến, cùng thưởng thức những phước phim mãn nhãn và đầy thông tin về những tổ ong ở California - Mỹ, Thụy Sĩ, Trung Quốc và Úc.

Lần đầu đi xem phim xanh

Phan Trần Khánh My, sinh viên năm 2 ngành du lịch Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết lần đầu tiên được xem phim xanh và thấy rất thú vị. “Thường thì khoảng thời gian 12 giờ trưa tới 13 giờ 30, nếu không ngủ trưa thì tôi ngồi lướt Facebook. Nếu giờ trưa, vừa tranh thủ xem phim, đặc biệt là phim tài liệu hay với nhiều thông tin hay mình sẽ cảm thấy ý nghĩa hơn rất nhiều”, Khánh My nói.

Vừa thưởng thức bữa trưa, vừa xem phim xanh

Thúy Hằng

Nguyễn Thị Minh Khuê, sinh viên năm 2 Trường ĐH Quốc tế, ĐH QG TP.HCM, cho hay là sinh viên ngành công nghệ sinh học, việc có thêm những góc nhìn đa chiều về các vấn đề của cuộc sống qua các buổi xem phim xanh như thế này sẽ rất tuyệt vời. “Tôi cũng thường tìm phim tài liệu và tự xem ở nhà. Nhưng nghĩ là các bạn trẻ ở đây có sự tuyển chọn để mang nhiều phim hay mà tôi chưa từng được xem, nên tôi đã cất công đi từ Q.Gò Vấp tới Q.3 để xem phim. Tôi nghĩ các buổi xem phim cùng các bạn trẻ khác, cũng là một cách để kết nối, gặp gỡ được nhiều bạn bè có cùng sở thích hoặc quan điểm sống giống mình”.

Không gian xanh, không đồ nhựa một lần

Trong các buổi cùng xem phim xanh giờ trưa, thú vị hơn khi các bạn trẻ tới xem phim đều tự mang theo cơm từ nhà đi, không ai đựng đồ ăn trong đồ nhựa một lần. Tiệm cà phê cũng chuộng các loại ly sứ, và đặc biệt không dùng ống hút nhựa.
Lê Huỳnh Dịu Hương, 23 tuổi, cựu du học sinh tại Singapore đang dạy học tiếng Anh tại TP.HCM,đồng thời làm dự án tại cộng đồng Saigon Compass, cho biết bạn thích các buổi chiếu phim tại các không gian cà phê, ấm cúng, giản dị để mọi người có thể vừa xem những thước phim hay, có thể trao đổi về những vấn đề cùng quan tâm. “Tôi cũng mong muốn sắp tới sẽ các buổi xem phim xanh sẽ được xem không chỉ phim tài liệu, mà còn nhiều phim mang tính giải trí nhẹ nhàng một chút, hoặc thời gian chiếu phim ngắn hơn, tầm 60 phút, để bắt đầu tiếp tục giờ làm việc buổi chiều không quá gấp gáp và căng thẳng”, Dịu Hương trao đổi.

Lan tỏa điều tử tế

Xem phim xanh giờ trưa là một sáng kiến của Tea Talk Saigon, một mô hình của những bạn trẻ mong muốn mọi người có thể kết hợp việc ăn - nghỉ trưa với hoạt động xem phim tài liệu, và có thể là một xíu thảo luận nếu người tham gia có thời gian với những người đang có cùng mối quan tâm. Nhiều buổi chiếu phim đã diễn ra và được ủng hộ mạnh mẽ của giới trẻ.
Lê My, 24 tuổi, cựu sinh viên khoa báo chí - truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đồng sáng lập Tea Talk Saigon, cho biết định nghĩa "Trái đất" giờ đây đã ngày càng xa với 3 chữ "Hành tinh xanh", mỗi người có thể bắt đầu hành động, từ những việc làm nhỏ nhất, không phải vì ai khác, mà vì "giấc mơ xanh" của chính mình. Phim xanh giờ trưa được tổ chức từ 11 giờ 45 trưa thứ 6 hàng tuần. Để có khoảng 90 phút phim tài liệu mọi người cùng xem, các thành viên trong Tea Talk Saigon đã ngồi cùng nhau nghiên cứu, tìm hiểu, chọn lọc rất kỹ lưỡng, sau đó cùng dịch để có phụ đề tiếng Việt cho mọi người cùng dễ thưởng thức.

Xem phim xanh, mọi người cùng sống xanh

Thúy Hằng

Trường Ngân, 24 tuổi (thường được gọi là Tom), đồng sáng lập Tea Talk Saigon, cho hay để tiết kiệm thời gian, nhiều bạn trẻ hiện đại thường đi tập gym, hay bơi lội trong giờ nghỉ trưa, và bây giờ các bạn có thể cùng đi xem phim xanh. Hoạt động này đang phục vụ bạn trẻ hoàn toàn miễn phí.
Không chỉ là không gian với cà phê, trà, với hoạt động xem phim xanh giờ trưa, Tea Talk Saigon còn có nhiều hoạt động thú vị khác với người trẻ liên quan các lĩnh vực môi trường, nghệ thuật, tâm lý, học thuật, định hướng nghề nghiệp… được dàn trải trong từng tháng. “Chúng tôi không gọi Tea Talk Saigon là start-up, bởi không quá quan tâm đến tiền, lợi nhuận thu được. Triết lý của chúng tôi là sự tử tế, muốn lan tỏa những điều tử tế từ mình tới tất cả mọi người”, Tom bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.