Giết khỉ ăn óc, khoe ảnh man rợ trên Facebook: Hành động bản năng thời nguyên thủy

Thúy Hằng
Thúy Hằng
27/11/2018 11:48 GMT+7

Giết khỉ , ăn óc sống, livestream trên Facebook; giết mèo rừng khoe ảnh với cộng đồng mạng; làm thịt chim quý rồi khoe chiến tích để câu like..., những hành động man rợ của một số người đang khiến dư luận phẫn nộ.

Rùng mình với sự tàn nhẫn
“Trời ơi, tôi đang nhìn thấy gì thế này? Tại sao con người ta lại có thể nhẫn tâm như thế? Họ không sợ nghiệp chướng hay sao”, anh Trần Vũ Kim, 27 tuổi, kỹ sư ô tô, trú ở huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai thốt lên khi mở một trang báo điện tử, nhìn thấy những hình ảnh con khỉ bị những người đàn ông ở xóm 2, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh làm thịt, bên cạnh là một thanh niên miệng như đang ngậm máu khi đang ăn thứ gì đó từ con vật đáng thương.
“Họ quá man rợ, tôi không dám xem tất cả những hình ảnh con khỉ bị giết, làm thịt và người ta ăn óc nó được lan truyền trên mạng xã hội”, Nguyễn Thị Phương Anh, 21 tuổi, sinh viên ngành sinh học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, rùng mình.
Giết mèo và khoe trên Facebook Ảnh chụp màn hình
Hành động giết khỉ hay các động vật khác tàn nhẫn và phát livestream trên Facebook hay khoe ảnh trên các trang của mạng xã hội không phải là lần đầu tiên xuất hiện. Chi cục kiểm lâm Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) đang điều tra vụ một người đàn ông khoe giết thịt chim quý trên mạng xã hội, sau đó mời mọi người tới nhậu, nghi là chim hồng hoàng, được cho là xảy ra trên địa bàn.
Trước đó, tháng 9.2017, một tài khoản trên Facebook có tên P.Đ.B khoe ảnh giết thịt hàng loạt con mèo và bị cộng đồng lên án dữ dội. Tháng 11.2016, Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cũng vào cuộc điều tra hành động vừa giết mèo rừng quý hiếm, vừa khoe ảnh trên Facebook của một thanh niên…
Lệch lạc đạo đức, có vấn đề tâm lý
Chị Nguyễn Thị Tuyết Ngân, 22 tuổi, sinh viên ngành sinh học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, từng tham gia nhiều chiến dịch giải cứu rùa biển ở Ninh Thuận, bảo vệ các sinh vật biển khỏi rác thải, cho hay: “Tất cả các vấn đề trong xã hội đều là hệ quả của giáo dục, do giáo dục mà ra, từ ý thức mà thành. Do đó, chúng ta sẽ không ngạc nhiên, vì sao họ làm như vậy với động vật, mà là chúng ta phải đặt câu hỏi, vì sao họ có thể làm tàn nhẫn như thế. Việc giết hại động vật tàn nhẫn là kết quả của việc không được giáo dục, yếu kém nhận thức. Song, khi không ý thức được việc mình làm là sai trái, còn khoe ảnh và video trên mạng xã hội đang phản ánh tâm lý họ đang có vấn đề”.
Theo chị Ngân: “Hiện có những người lợi dụng mạng xã hội để muốn mình được nổi tiếng, thích được chú ý, nghĩ là mình làm như vậy sẽ được nhiều người quan tâm. Đặc biệt, nguy hại nhất hiện nay có những người có vấn đề về tâm lý, một kiểu bệnh hoạn, thích cảm giác được giết hại thứ gì đó, nhìn thấy máu, nghe tiếng con vật kêu la và cảm thấy hả hê”.
Giết hàng loạt con mèo và khoe trên Facebook Ảnh chụp màn hình
Bản năng sống của con người từ thời nguyên thủy
Trao đổi với phóng viên báo Thanh Niên, nhà nghiên cứu truyền thông, Phó giáo sư - tiến sĩ Hà Huy Phượng, công tác tại Học viện Báo chí - Tuyên truyền, nhận định: “Những hành động tàn nhẫn của con người với động vật, sau đó cố tình lan truyền trên mạng xã hội phản ánh những khía cạnh sau. Thứ nhất, nó đang thể hiện bản năng sống của con người từ thời nguyên thủy. Thứ hai, tri thức, văn hóa và sự nhận thức của một bộ phận người dân còn thấp nên phần bản năng sống trỗi dậy, họ sẵn sàng khoe như khoe chiến tích, nhất là trong điều kiện phương tiện truyền thông xã hội bùng nổ như hiện nay. Thứ ba, điều này do giáo dục từ gia đình mà nên. Nếu bố mẹ làm được những điều man rợ thì con cái sẽ làm được. Xã hội sẽ bất an khi nhận thức của nhiều người mang tính bản năng, thiếu đạo đức, nhân văn. Hiện nay, nhiều nhà thích nuôi thú cưng. Nếu con người biết yêu động vật thì họ không đối xử, bạo hành với động vật. Xã hội có nhiều người yêu động vật thì môi trường sống sẽ tốt và bớt những bất an”.
Anh Nguyễn Trần Tùng, Giám đốc truyền thông tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã quốc tế WildAid tại Việt Nam, khẳng định: “Giết hại động vật hoang dã, khoe hình ảnh tràn lan trên mạng xã hội là những hành động man rợ, không thể chấp nhận được. Một phần của hành động này là do hệ thống giáo dục chưa chú trọng đến giáo dục việc bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã dẫn đến thiếu ý thức”.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy dấu hiệu tích cực khi những vụ việc này được đăng tải trên mạng xã hội đã vấp phải một làn sóng phản đối mạnh mẽ của công chúng. Đây chỉ là một trong số ít trường hợp cá biệt. Để chấm dứt vấn nạn này cần có những chế tài xử phạt thật nghiêm minh, đồng thời dư luận cần tiếp tục lên án, tẩy chay mạnh mẽ những hành động tương tự”, anh Tùng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.