'Gieo chữ' trên dãy Ngọc Linh

Mạnh Cường
Mạnh Cường
06/05/2019 09:00 GMT+7

Suốt 15 năm qua, có một thầy giáo miệt mài từng bước 'gieo chữ' từ miền xuôi lên tận vùng núi cho các em nhỏ đồng bào Xê Đăng trên dãy Ngọc Linh.

Hành trình 'gieo chữ' của thầy giáo Lê Thế Hoàng bắt đầu từ 7 giờ sáng, lớp ghép 1 và 2 của điểm Trường Tak Ta-Mang Liệt (thôn 4, xã Trà Nam, H.Nam Trà My, Quảng Nam) rộn tiếng tập đọc. Lớp ghép này chỉ vỏn vẹn 23 học sinh (10 em lớp 1, 13 em lớp 2), chia thành 2 nhóm ngồi đấu lưng nhau. Thế nhưng, nhóm nào làm việc nấy, bên tập đọc, bên cặm cụi làm các phép tính...
Thầy giáo Lê Thế Hoàng, quê gốc Hà Tĩnh, năm 1995 mới theo anh chị vào Quảng Nam sinh sống. Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Quảng Nam bậc tiểu học vào năm 2000, anh xin lên H.Nam Trà My để làm người 'gieo chữ', trở thành giáo viên của Trường tiểu học Trà Nam.
Những ngày đầu 'gieo chữ', thầy giáo trẻ gặp quá nhiều khó khăn vì thôn bản của người Xê Đăng nằm mãi trong rừng sâu, chỉ cách tỉnh Kon Tum khoảng 10 km. Hồi đó, đường dẫn vào thôn chỉ có sườn dốc, sỏi đá, không điện thoại, không xe máy. Để vào được điểm trường, từ trung tâm xã phải đi bộ băng rừng hơn 1 ngày. “Lúc ấy, đôi chân rướm máu vì không quen đi đường rừng núi, nhưng tôi vẫn gắng sức”, thầy Hoàng tâm sự.
Trong trí nhớ của thầy Hoàng, lần đầu lên tới điểm Trường Tak Ta - Mang Liệt, anh không thấy "điểm trường" đâu, mà chỉ có một túp lều liêu xiêu. Để có chỗ cho các em ngồi học, thầy lại vận động người dân chặt tre nứa đan vách phên, rồi đi xin bạt cũ và vài tấm ván che chắn xung quanh và tạm gọi là "lớp học". Khi lớp đã có, đến lượt... đi tìm học trò. “Cứ vào những ngày mùa, các em lại theo cha mẹ lên rẫy. Đối với họ, cái ăn còn quan trọng hơn cái chữ”, thầy lý giải.
Hành trình 'gieo chữ' rất gian nan, vậy mà thầy giáo Hoàng cuối cùng vẫn "thuyết phục" được các phụ huynh vùng cao. Các cháu bé cũng bắt đầu tin và yêu con chữ. Tất cả chỉ bằng tấm lòng và sự gần gũi của người thầy dưới xuôi lên...
Nhớ lại những ngày đầu đặt chân lên núi Ngọc Linh với độ cao 1.800 m so với mực nước biển, thầy Hoàng kể cơm bữa có bữa không, nhiều lúc phải lội bùn xuống nhà dân "xin" ăn cùng. Rồi sau những giờ học, thầy lại xin nhà dân ngủ nhờ. Thời điểm ấy, những học trò ở đây cơm không đủ ăn, áo quần thiếu thốn, mùa lạnh đến cứ như dao cắt vào thịt, tím tái. Mùa lũ, nhìn cảnh học trò đến lớp với bộ dạng ướt át lại bê bết bùn đất vì té ngã, thầy Hoàng không cầm lòng được.
Quá trình đi  'gieo chữ', thầy giáo Hoàng cũng chịu khó học tiếng nói của đồng bào Xê Đăng, để hiểu được họ hơn, trò chuyện nhiều hơn. Cũng từ đó, đồng bào thương thầy giáo miền xuôi như chính người của bản làng. Họ chịu "nghe" thầy tỉ tê khuyên nhủ. Cứ thế, con chữ cũng dần len lỏi giữa những nhọc nhằn mưu sinh của dân bản suốt hơn 15 năm qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.