Giáo viên và công nhân khốn đốn mùa dịch Covid-19

Lê Thanh
Lê Thanh
21/04/2020 08:26 GMT+7

Dịch Covid-19 đã khiến nhiều người rơi vào tình cảnh éo le. Công nhân, giáo viên là 2 trường hợp khó khăn vô kể...

Hai chị em Dương Thị Thái (34 tuổi) và Dương Thị Diên (24 tuổi), ở trọ tại số 233/14 Tân Thới Hiệp 07, tổ 18, KP.3, P.Tân Thới Hiệp, Q.12 (TP.HCM) cùng là giáo viên của Trường mầm non Sóc Bông (P.Trung Mỹ Tây, Q.12). Cuộc sống của cả hai vốn dĩ bình yên, đủ sống, bỗng dưng dịch Covid-19 đến đã ảnh hưởng trầm trọng, khiến cả hai rơi vào tình cảnh khó khăn.
Như tâm sự của cô Diên, vì là giáo viên của trường tư thục, nên từ tháng 2 đến nay, không được nhận lương như trước đây. Thay vì mỗi tháng trung bình nhận được 5 - 6 triệu đồng, thì tổng cộng cả hai tháng 2 và 3, cô Diên chỉ được nhà trường hỗ trợ 2,5 triệu đồng. Trong khi đó, vật giá leo thang, mua gì cũng đắt đỏ, nên cả hai phải tiết kiệm hết mức có thể, dè sẻn trong chi tiêu mới có thể sống lây lất qua ngày.
“Hiện 2 chị em đang ở trọ nên mỗi tháng mất 2,1 triệu đồng, chưa kể điện nước. Trước đây đi dạy thường xuyên, ở trường nhiều hơn ở nhà nên chẳng tốn nhiều tiền điện, tiền nước. Bây giờ có dịch, phải ở nhà suốt ngày, nên điện nước cứ thế tăng lên gấp nhiều lần. Cuộc sống theo đó mà khó khăn và thiếu thốn hơn rất nhiều”, cô Diên tâm sự.

Chung tay giúp đỡ người khó khăn

Thấu hiểu nỗi vất vả của công nhân, người khó khăn như vậy, nên thời gian qua nhiều tổ chức, Đoàn thanh niên các quận đã có những động thái hỗ trợ bằng các phần quà ý nghĩa. Anh Lê Thành Đạt, Chủ tịch Hội LHTN Q.12, cho biết đã vận động mạnh thường quân, các đơn vị, tổ chức nhằm có kinh phí tặng quà là một ít tiền mặt, gạo, nhu yếu phẩm cần thiết… cho những hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có thể vượt qua thời gian khó khăn vì dịch Covid-19.
Khó khăn đến mức, trong cuộc trò chuyện với PV, không ít lần cô Diên ngậm ngùi, chực khóc. “Có những lúc không đủ tiền để sống, cái ăn còn thiếu thốn, nên phải sống nương nhờ bằng đồng lương của anh rể. Mà anh rể làm công nhân, nên cũng vất vả rất nhiều”, cô Diên tâm sự thêm.
Còn anh Đinh Văn Đẹp (30 tuổi, quê TP.Cần Thơ), hiện ở trọ tại số 30, KP.1, P.Trung Mỹ Tây (Q.12), thất thần cho biết dù biết rằng dịch Covid-19 làm xáo trộn cuộc sống của rất nhiều người, và với những người công nhân mưu sinh kiếm sống như anh thì hệ lụy để lại bởi dịch Covid-19 rất lớn.
Anh Đẹp cho biết trước tết làm công nhân may cho một cơ sở may gia công tư nhân tại nhà ở Q.12. Dù tiền lương không cao, nhưng cũng đủ để anh trang trải cuộc sống, đủ để trả tiền nhà và lo cho cái ăn, cái mặc.
Nhưng rồi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên gần 3 tháng nay, anh Đẹp rơi vào tình cảnh thất nghiệp, để rồi không có tiền ăn. Và ngay cả việc mong muốn được mua các nhu yếu phẩm như kem đánh răng, bột giặt… cũng trở thành những điều quá đỗi xa xỉ.
“Từ hai tháng trước tôi đã phải chạy vạy, năn nỉ mượn tiền người thân và bạn bè để mua thức ăn và đóng tiền phòng trọ. Không biết rồi những ngày sau sẽ như thế nào nếu tiếp tục thất nghiệp vì dịch Covid-19 nữa. Đến tháng vừa rồi, vì không biết phải vay mượn tiền ở đâu nên phải xin chủ nhà trọ cho khất lại. Giờ chỉ mong đi làm có tiền ăn và đóng tiền chỗ trọ chứ nếu kéo dài thêm nữa không biết phải tính sao”, anh Đẹp thở dài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.