Giáo sư Việt sở hữu 11 bằng sáng chế của Mỹ

13/09/2017 10:51 GMT+7

Khi chưa tròn 30 tuổi, Vũ Ngọc Tâm (quê Hà Nội) được Trường ĐH Colorado Denver (Mỹ) công nhận là giáo sư. Đến nay, ở tuổi 34, anh sở hữu 11 bằng sáng chế của Mỹ.

Vũ Ngọc Tâm tốt nghiệp ngành khoa học máy tính Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Sau đó, nhận bằng tiến sĩ ngành này tại Trường ĐH Rutgers (Mỹ). Anh cũng là người sáng lập và là giám đốc phòng thí nghiệm các hệ thống di động và kết nối của Trường ĐH Colorado Denver. Hiện anh công tác tại Trường ĐH Colorado Boulder (Mỹ).
Quan tâm đến sức khỏe cộng đồng
Tính đến thời điểm hiện tại, Giáo sư (GS) Vũ Ngọc Tâm đã nhận được 11 bằng sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ Mỹ ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, có thể kể đến sản phẩm chiếc nhẫn bảo mật, do GS Tâm và cộng sự sáng chế, có thể lưu trữ gần như không giới hạn các loại mật khẩu. Khi chạm chiếc nhẫn này vào màn hình cảm ứng, nó có thể trao đổi dữ liệu, xác nhận người dùng. Chiếc nhẫn bảo mật đã được nhận giải “Google Faculty Research Award 2014” của Google, được Google tài trợ 55.000 USD…
Đặc biệt, GS Tâm tập trung vào nghiên cứu các sản phẩm y tế. “Ngày trước tôi không quan tâm đến sức khỏe của bản thân, nhưng dần dần thì nhận ra sức khỏe rất quan trọng. Không chỉ chú ý đến sức khỏe cá nhân, mà phải quan tâm đến sức khỏe của cộng đồng. Đó là động lực để tôi nghiên cứu những sản phẩm y học thật sự hữu ích”, GS Tâm chia sẻ.
Anh cũng nhìn nhận thực tế hiện nay thiếu rất nhiều thiết bị y tế dành cho trẻ em nên đã nghiên cứu và cho ra đời thiết bị theo dõi nhịp thở, lượng thở của trẻ em bằng sóng không dây. Hoặc sử dụng camera và đèn flash của điện thoại di động để cho ra đời sản phẩm đo nồng độ ô xy trong máu. Ngoài ra, GS trẻ tuổi này còn có những sáng chế thông minh giám sát tín hiệu sóng não, theo dõi và ghi lại chuyển động cơ bắp, thiết bị dự đoán tiến trình hồi phục bệnh nhân… Chính những sáng chế ấy đã mang lại cho GS Tâm vô số giải thưởng tại các hội nghị công nghệ quốc tế. Chẳng hạn, thiết bị đo sóng não LIBS được vinh danh ở hội thảo khoa học thế giới về công nghệ cảm ứng ACM SenSys; thiết bị đo nhịp thở WiSpiro giành giải thưởng tại hội nghị về công nghệ di động thế giới ACM MobiCom - S3.
“Hầu hết thời gian tôi dành cho công việc nghiên cứu khoa học, đó là niềm đam mê của tôi. Tôi muốn đem tri thức mình có được để làm điều ý nghĩa cho xã hội, nghiên cứu ra những sản phẩm nhằm thay đổi, cải thiện cuộc sống của con người”, GS Tâm nói.

Nghiên cứu khoa học giống như tận hưởng cuộc sống
GS Tâm là tác giả của hơn 40 bài báo có tầm ảnh hưởng trong giới khoa học, được công bố trên tạp chí và những hội thảo công nghệ di động nổi tiếng thế giới như: ACM WearSys, IEEE Infocom, IEEE Transaction on Mobile Coputing, ACM SenSys, ACM CCS… Trong đó, có 4 lần nhận giải thưởng bài báo tốt nhất.
“Cũng có người thắc mắc nghiên cứu khoa học như thế có mệt không? Tôi cười trả lời là không hề mệt. Ngược lại, rất thoải mái và sảng khoái. Khi mình làm công việc bản thân yêu thích và đam mê thì giống như đang tận hưởng cuộc sống một cách thú vị và ý nghĩa nhất”, GS Tâm tâm sự.
GS Tâm cũng chia sẻ khi có những sáng chế thiết thực, hữu ích, thì sẽ dễ nhận được tài trợ từ các nhà đầu tư, giúp các nhà khoa học dễ dàng theo đuổi đam mê. Kể từ khi bắt đầu nghiên cứu khoa học đến nay, anh đã nhận được hơn 2 triệu USD tài trợ từ chính phủ Mỹ, Quỹ khoa học quốc gia Mỹ, các quỹ đầu tư, tổ chức phi lợi nhuận…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.