Giáo sư quần đùi: Tuổi thanh xuân để đi 'ngược thác'

24/11/2017 15:57 GMT+7

Ngẫm lại, cả tuổi trẻ của tôi gắn liền với những quyết định mà tôi cũng tự nhận thấy là khác với mọi người. Nhưng tôi luôn nghĩ mình chọn đúng vì những quyết định ấy giúp tôi cố gắng với tất cả nhiệt huyết của mình.

GS Trương Nguyện Thành (ĐH Utah, Mỹ và ĐH Hoa Sen) gắn liền với biệt danh “Giáo sư quần đùi” sau một buổi giảng về sáng tạo với quần đùi, áo vest. Ông nói, chuyện đó cũng không khiến ông phải bận tâm quá nhiều. Vì cả tuổi thanh xuân đến nay, ông đã đi “ngược thác”, chọn những ngã rẽ ngược đời và chẳng giống ai.

Tôi chọn đam mê!

Ngẫm lại, cả tuổi trẻ của tôi gắn liền với những quyết định mà tôi cũng tự nhận thấy là khác với mọi người. Nhưng tôi luôn nghĩ mình chọn đúng vì những quyết định ấy giúp tôi cố gắng với tất cả nhiệt huyết của mình.

Nhiều người đã biết lúc nhỏ nhà tôi rất nghèo. Từ năm 11 tuổi, ngày nào tôi cũng dang nắng chang chang ở bến xe lam Sài Gòn để đi bán thuốc lá dạo sau giờ học. Rồi gia đình chuyển về Lái Thiêu, tôi chuyển sang nghề… cày mướn. Năm 19 tuổi, tôi cùng em trai 14 tuổi lên đường… vượt biên. Thời điểm mà phải đến một nửa số lượng người vượt biên bỏ mình trên biển, hai anh em tôi may mắn đến được trại tị nạn ở Thái Lan, sau đó được một cặp vợ chồng nông dân ở Bắc Dakota (Mỹ) nhận làm con nuôi, đưa sang Mỹ. Trong một năm đầu tiên, tôi được cho đi học lại phổ thông để hòa nhập, học tiếng Anh.

Đa phần những người Việt Nam sang Mỹ theo con đường như tôi sẽ chọn cách đi làm việc, kiếm tiền, gửi về phụ giúp gia đình, ổn định cuộc sống… Nhiều người nhanh chóng giàu lên. Nhưng lúc ấy tôi chỉ thèm đi học và muốn chọn con đường này cho mình. Mặc dù với hoàn cảnh một thân một mình, không ai giúp đỡ vì hết được bảo trợ, việc đi học sẽ khó khăn hơn gấp bội.

Cậu bé Trương Nguyện Thành, lúc ở Bình Định, chuẩn bị bước vào nghề bán thuốc lá dạo
Khó khăn tiếp tục đến khi tôi đi nộp đơn. Không trường ĐH nào chịu nhận vì tiếng Anh của tôi lúc này còn yếu, kiến thức cũng không nhiều. May mắn là khi tôi nản lòng nhất, ngồi gục đầu buồn rầu, một giáo viên trong trường phổ thông đã tâm sự, biết hoàn cảnh của tôi và viết một bức thư giới thiệu, kêu gọi giáo viên khác trong trường ký vào. Trường ĐH North Dakota State nhận tôi bởi bức thư ấy và kèm theo quy định là tôi phải chứng minh khả năng trong năm học đầu tiên.

Trong trường ĐH, bạn bè tôi thường đi làm thêm ở quán ăn, nhà hàng, thư viện… Những công việc này có thu nhập không cao nhưng khá ổn để đi học. Còn tôi thì xin phụ việc trong phòng thí nghiệm của một giáo sư với thu nhập chỉ bằng một nửa. Tôi… ngu nhất trong phòng vì là sinh viên năm 1 duy nhất và chưa biết điều gì. Nhưng làm với những người thông minh nhất trường ấy, tôi học được những thứ có ích nhất cho con đường nghiên cứu khoa học. Ra trường, tôi có 4 bài báo khoa học, được nhiều trường khác cấp học bổng nghiên cứu sinh, trong đó có cả ĐH Harvard, Berkely…

Nhưng đây là thời điểm tôi phải đưa ra một chọn lựa khó khăn trong cuộc đời. Tôi được một công ty mời về làm việc với mức lương cao chót vót. Đây cũng là lúc mẹ và các em tôi đang ở quê nhà Việt Nam cần gửi tiền về để có thể xoay xở trong những năm bao cấp quá khó khăn. Nếu đi làm, đồng lương dễ dàng nuôi cả gia đình tôi có cuộc sống sung sướng. Ở Mỹ, tôi có một người chú ruột mà tôi rất thân thiết. Ông cũng mạnh mẽ yêu cầu tôi đi làm để giúp đỡ gia đình.

Nhưng tôi chọn làm nghiên cứu sinh thạc sĩ! Chú tôi giận điên người, đòi từ mặt. Tôi đành phải ngồi viết thư trình bày với chú. Lương nghiên cứu của tôi chỉ bằng 1/4 lương đi làm, chỉ gửi về nhà được 50-100 USD/tháng. Nhưng tôi muốn theo đuổi đam mê. Tôi mong gia đình cho tôi vài năm nữa để có cuộc sống ổn định, ở cùng nhau. 

Hãy vượt ra giới hạn

Làm nghiên cứu sinh, tôi bỏ qua lời mời của tất cả các trường danh tiếng để chọn ĐH Minessota, một trường nhỏ bé nếu so với những “ông lớn” khác. Lý do là tôi bị thuyết phục bởi một vị giáo sư trong trường này. Mỗi giây, mỗi phút, trong đầu ông ấy có hàng tá đề tài nghiên cứu muốn được triển khai. Ngày đầu tiên gặp tôi, ông ấy vẽ ra hàng chục đề tài ngay trên bàn ăn sáng. Tôi bị sốc ngay lập tức! Và tôi quyết định mình cần học được khả năng này.

Tôi nghiên cứu đến tiến sĩ, kết thúc chặng đường này với 16 bài báo khoa học, trong khi lúc này một tiến sĩ thường chỉ có 4 - 5 bài báo. Tôi được nhận giải thưởng cho tiến sĩ trẻ tiềm năng nhất nước, được chọn bất kỳ nơi nào ở Mỹ để tiếp tục học sau tiến sĩ (postdoc). Nhưng đây đã là thời điểm tôi đón gia đình qua Mỹ, cần phải lo lắng. Khủng hoảng kinh tế thế giới đang ngày càng trầm trọng. Các trường ĐH cũng rất khó khăn, không thể trả lương cao. Trùng hợp là lúc này, lại có một công ty chuyên sản xuất phần mềm cho nghiên cứu khoa học mời tôi về làm với mức lương rất cao lúc này, lên đến 6 con số. Tôi run lên, thức trắng cả tuần liền để lựa chọn con đường cho mình. Đi làm thì sẽ không được nghiên cứu điều mình muốn mà phải theo ý người khác. Nhưng cuộc sống giàu sang đầy mơ ước thì đã ở ngay trước mắt. Trong khi đó, nghiên cứu postdoc xong, có trường nào nhận tôi không vì các trường ĐH đang hạn chế đến mức thấp nhất nhân sự giáo sư của mình.

Tôi lại chọn nghiên cứu. Một quyết định đưa ra gần như ngay lập tức dù chỉ vài giây trước đó, tôi còn mông lung không biết lựa chọn thế nào. Đó là khi tôi bước vào phòng giáo sư hướng dẫn tiến sĩ trước đó tâm sự với ông sự phân vân của mình. Ông nói tự tôi hãy lựa chọn. Nhưng khi tôi ra đến cửa, ông nói với theo: “Nếu cậu đi làm công ty thì đó là mất mát lớn cho khoa học!”. Tôi run lên, quay lại hỏi: “Thầy tin tưởng tôi vậy sao?”. Ông ấy nói: “Tôi tin tưởng cậu!”. Thế là tôi bước về phòng mình, hít sâu một hơi, bốc điện thoại lên gọi cho công ty mời mình: “Tôi không có lời giải thích chính đáng nào về quyết định từ chối công việc này cả. Tôi chỉ biết xin lỗi vì đã khiến bạn đã chờ đợi!”. Tôi thấy mình thanh thản, dù rất nhiều thời gian sau đó tôi vẫn luôn tự hỏi mình chọn đúng hay sai.

GS Trương Nguyện Thành lúc làm ở Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP.HCM
Ông mặc quần đùi, áo vest giảng về sáng tạo, gắn liền với biệt danh "giáo sư quần đùi"
Sau đó, tôi chọn lựa ĐH Utah để giảng dạy, thăng chức giáo sư, bước lên đỉnh cao của nghề nghiệp, được mời đóng góp sức mình vào việc xây dựng Viện nghiên cứu khoa học quốc gia của nước Mỹ. Mọi thứ đã có sẵn và vị thế khoa học của tôi sẽ tiếp tục được nâng cao. Nhưng như một định mệnh, tôi quay về Việt Nam xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP.HCM theo lời mời của ông Nguyễn Thiện Nhân (lúc này là Phó chủ tịch UBND TP.HCM). Rồi sau đó, tôi về làm Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen trong khi những bất ổn của trường này vẫn chưa kết thúc. 
Những chọn lựa của tôi, đã có nhiều người nói là… khùng điên. Mà thực tế, sau khi lựa chọn về nước, vị thế khoa học của tôi có lẽ không còn được như trước nữa. Nhưng đâu có sao! Tôi đã bước ra khỏi giới hạn để chọn lựa những thử thách mà bản thân tôi thấy đầy hấp dẫn.

Vài năm nữa thôi, tôi sẽ về hưu, ở nhà với gia đình, rảnh rỗi thì xách cần đi câu cá. Nhưng tôi biết chắc bản thân sẽ không có gì phải hối hận với những lựa chọn cho tuổi thanh xuân của chính mình.

Hãy chia sẻ cùng Thanh Niên những năm tháng tuổi trẻ của bạn cùng chuyên mục: “Dành tuổi thanh xuân để làm gì?” tại email: tngd@thanhnien.com.vn. Chúng tôi sẽ biên tập và đăng tải trên Báo Thanh Niên. Bài viết được đăng sẽ có nhuận bút. Xin trân trọng cảm ơn!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.