Giang 'điên rồ'

12/11/2017 10:24 GMT+7

Nhờ sự 'điên rồ', Mai Trường Giang đã có một sự nghiệp mà nhiều người mơ ước cũng khó làm được.

Năm 2003, Mai Trường Giang (ảnh) 18 tuổi, trở thành sinh viên Học viện Bưu chính viễn thông TP.HCM. Sau một năm rưỡi học tập, Giang cảm thấy nhàm chán với những kiến thức thiên về lý thuyết, tự hỏi nếu cứ học như vậy thì sau này có làm việc được không. Giang bèn quyết định dừng lại bằng cách xin bảo lưu, rồi về nói ba mẹ ở Trà Vinh biết. Phụ huynh nghe xong khóc hết nước mắt, bạn bè thì không hiểu nổi vì sao Giang lại làm như vậy.
Trong thời gian nghỉ, chàng trai có vốn tiếng Anh rất dở này theo học trung tâm ngoại ngữ ở các trường ĐH. Học hoài mà vẫn không nói được, Giang bèn ra phố Tây ở đường Bùi Viện (TP.HCM) tiếp xúc người nước ngoài.
Sau đó, Giang đọc báo thấy các trường ĐH, CĐ ở Singapore cấp học bổng 75% học phí. Giang bèn chọn một trường CĐ và đăng ký. Ba tháng sau có giấy báo trúng tuyển.

tin liên quan

Khổ vì… nổi tiếng
Nhiều bạn trẻ nổi tiếng, được công chúng yêu thích, mến mộ vì tài năng ở nhiều lĩnh vực. Thế nhưng họ thú thật, bên cạnh niềm vui thì sự nổi tiếng đem lại cả phiền toái.
Trong ngày đầu tiên nhập học ở Singapore, lớp có hơn trăm người, thầy hỏi ai muốn làm lớp trưởng, anh chàng liều lĩnh này bèn… đứng lên xung phong vì nghĩ làm lớp trưởng phải giao tiếp nhiều, sẽ giúp tiếng Anh khá lên. Sau một học kỳ, cái chức danh ấy bị “đá văng” vì bạn bè trong lớp bảo “mày nói tao không hiểu gì hết”. Quyết không nhụt chí, Giang đăng ký học thêm, làm thêm đủ công việc để luyện tiếng Anh. Chàng trai này khiến bao người thán phục khi ngay năm học đầu đã nằm trong top 3 của cả khóa.
Sau khi tốt nghiệp, Giang nhận học bổng học tiếp ĐH nhưng lại quyết định đi làm. Nhờ thông minh, nhanh nhẹn và có nhiều trải nghiệm, thu nhập của chàng trai 23 tuổi lên tới 10.000 đô la Sing (tương đương 160 triệu đồng)/tháng nhờ công việc kinh doanh bất động sản.
Một lần ngang qua tiệm bánh, Giang thấy người ta xếp hàng mua đông quá nên tự hỏi điều gì thu hút họ vậy. Giang ăn thử thấy ngon và mua về cho bạn bè ăn, ai cũng khen.
Một ý nghĩ lóe lên trong đầu. Giang bèn viết email cho chủ hiệu bánh, đề nghị gặp “bàn chuyện kinh doanh”. Thật bất ngờ, sau khi nghe chàng trai trẻ thuyết phục, ông chủ này đã quyết định nhượng quyền thương hiệu cho Giang với giá 50.000 đô la Sing.
Thế là bao nhiêu tiền tiết kiệm Giang dốc hết, cộng với mượn cha mẹ một ít và rủ thêm 2 người bạn hùn vốn. Và rồi cửa hàng bánh su xuất xứ Singapore đầu tiên đã có mặt tại TP.HCM năm 2009.
6 tháng đầu, Giang miệt mài với công việc, tự vào bếp làm bánh. Thật kỳ lạ là khách hàng khen ngon mà sau 6 tháng, cửa hàng lỗ to! Lúc đó, Giang mới bắt đầu bình tĩnh nhìn lại. Giang quyết định ra ngoài, gặp gỡ khách hàng, hỏi han nhu cầu của khách, phát hiện sản phẩm của mình không phù hợp với người Việt. Đó là văn hóa chia sẻ, không ăn một mình, trong khi bánh su Giang làm bê nguyên xi kích cỡ lớn từ Singapore, nên khó chia sẻ. Giang quyết định thay đổi mẫu mã, làm bánh nhỏ lại để giảm giá thành. Từ đó, doanh thu tăng vùn vụt.
Hai năm sau, hàng loạt cửa hàng được mở ở nhiều tỉnh thành theo hình thức nhượng quyền. Mỗi cửa hàng được bán với giá hơn 600 triệu đồng. Hiện nay, Giang đã có 10 cửa hàng nhượng quyền trên toàn quốc, và sở hữu riêng 12 cái tại TP.HCM. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ có khoảng 70 cửa hàng.
Giang cho rằng cuộc đời mình là do mình quyết định, nên để thành công phải dám dấn thân, lăn xả vào mọi việc để nuôi dưỡng đam mê, mục tiêu của mình. “Thành công của tôi đến lúc này, nếu có, đó là tạo được cơ hội kinh doanh cho người khác, tạo công ăn việc làm cho nhiều bạn trẻ, nhất là sinh viên vừa học vừa làm để có kinh nghiệm thực tế. Đối với bản thân, tôi đã thực hiện được khát khao làm giàu của mình dù trước đó từng bầm dập với những thất bại. Nhưng từ một người không có gì trong tay, thất bại chính là bài học lớn giúp tôi có được những thứ hiện tại”, Giang chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.