Giải thưởng sáng tạo cho sinh viên lên tới 100 triệu đồng

Vũ Thơ
Vũ Thơ
08/11/2019 18:34 GMT+7

Đánh giá các công trình, sản phẩm tham gia vòng chung khảo Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2019, PGS - TS Phạm Kim Chung vui mừng cho biết: "Đây là thế hệ tương lai sẽ phát triển công nghệ cho đất nước".

Ngày 8.11, Ban tổ chức Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2019 đã tổ chức chấm vòng chung khảo để chọn các công trình, sản phẩm sáng tạo có tính khả thi cao để trao tối đa 5 giải thưởng với 100 triệu đồng/giải.
Ban giám khảo gồm các nhà khoa học, nhà giáo có uy tín trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ như: TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ; PGS -TS Trần Quang Quý, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo; PGS - TS Phạm Kim Chung, Phó chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS -TS Nguyễn Văn Biên, Phó chủ nhiệm khoa Vật lý, Trường đại học sư phạm Hà Nội.
Tham gia vòng chung khảo là 13 công trình, sản phẩm sáng tạo của các trí thức trẻ được chọn lọc từ hơn 500 sản phẩm gửi về chương trình.

Hội đồng giám khảo Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2019

Ảnh Nhật Nam

Cần cho sinh viên đến tham dự

Tại buổi chấm chung khảo, PGS - TS Phạm Kim Chung, Phó chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá đây là sân chơi bổ ích cho sinh viên, học sinh, giúp cho các em có sự sáng tạo, thấy được ý nghĩa của việc học và vận dụng vào thực tiễn.
“Năm nay, các công trình tham gia được thể hiện ở 3 mảng chính: ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ mới như thực tại ảo, thực tại tăng cường; sự quan tâm đến đối tượng yếu thế trong xã hội như trẻ khuyết tật, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của thế hệ trẻ”, ông Chung nói.
Ông Chung cũng đánh giá cao sự tham gia của các trí thức trẻ vào việc đổi mới giáo dục. Ông Chung nói: “Về công nghệ, chúng ta đã có hiệu ứng, đôi khi thế hệ trẻ nhạy bén hơn, đây là điều rất vui mừng vì đây là thế hệ tương lai sẽ phát triển công nghệ cho đất nước. Một điều nữa là tăng sự sáng tạo của các em, thay vì ngồi học ở sách vở không thôi, các em đã sẵn sàng có những sáng tạo ứng dụng trong thực tiễn”, ông Chung nói.
Ông Chung cũng đề xuất: “Tôi thấy những buổi trình bày của thí sinh dự thi cần có thông báo rộng rãi hơn để học sinh, sinh viên đến tham dự, học tập, khơi nguồn ý tưởng mới cho các em trong những năm sau, như vậy chính những người được trình bày thấy được động viên hơn”.

Bám sát thực tiễn giáo dục

PGS -TS Nguyễn Văn Biên, Phó chủ nhiệm khoa Vật lý, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, cũng đánh giá đối với công trình trong năm nay, bám sát thực tiễn giáo dục Việt Nam, tập trung giải quyết một số vấn đề cụ thể, từ việc bồi dưỡng giáo viên, giáo dục nghề, nâng cao hoạt động cho các em khuyết tật có tính nhân văn rất cao.
Chất lượng các công trình đảm bảo tiêu chí cuộc thi đặt ra. Tuy nhiên, ông Biên cho rằng, nếu công trình được thí sinh bám sát vào những phương pháp nghiên cứu của khoa học giáo dục sẽ làm rõ hơn tính mới, tính sáng tạo, những giải pháp có tính thực tiễn đối với khoa học, giáo dục hơn.
“Tôi cho rằng sự tham gia tương đối đa dạng, có cả học sinh, giáo viên, giảng viên nghề, giảng viên ở các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên nếu cuộc thi được tuyên truyền rộng rãi hơn, đặc biệt đến các giảng viên ở trường sư phạm, tôi tin sẽ có nhiều sản phẩm có tính giáo dục cao hơn nữa”, ông Biên nói.
Theo TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, ngoài hội đồng chuyên môn, ban tổ chức cần mời các nhà đầu tư quan tâm đến giới trẻ, công nghệ, nếu thấy sản phẩm tốt họ sẵn sàng đầu tư để phát triển công nghệ của mình.
“Nếu các nhà đầu tư nghe thấy sản phẩm hay, họ tiếp xúc sẽ sẵn sàng đầu tư, sản xuất hàng loạt được. Thiếu vắng đầu tư, trí thức trẻ không biết làm thế nào để tiếp tục. Ban tổ chức nên mời doanh nghiệp với tư cách nhà đầu tư, ngồi với hội đồng để đánh giá mức độ khả thi của sản phẩm để đầu tư”, ông Quân nói.
Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2019 do T.Ư Đoàn, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Báo Tuổi trẻ, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức, nhằm phát huy sáng kiến của tuổi trẻ góp phần đổi mới giáo dục. Ban tổ chức cho biết, năm nay chương trình nhận được 539 hồ sơ công trình, sáng kiến gửi về tham dự. Các tác giả tham gia cuộc thi cũng bao gồm nhiều đối tượng và độ tuổi khác nhau, trong đó có cả những học sinh lớp 10.
Vòng chung khảo sẽ chọn tối đa cho 5 công trình, sáng kiến xuất sắc, tiêu biểu để trao giải thưởng trị giá 100 triệu đồng/công trình; các công trình còn lại sẽ nhận giải Cống hiến trị giá 10 triệu đồng.
Ngoài ra, chương trình còn trao nhiều giải thưởng phụ với giá trị 2 - 5 triệu đồng. Lễ tuyên dương và trao giải diễn ra tối 9.11 tại Hà Nội.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.