Giấc mơ tranh gạo

30/11/2014 04:10 GMT+7

Bị thương nặng do tai nạn bom mìn lúc còn nhỏ, có những thời điểm Lê Trường Giang (34 tuổi) ở xã Vĩnh Tuy, H.Quảng Ninh, Quảng Bình gần như liệt toàn thân, nhưng anh đã gồng mình “đứng dậy” để bây giờ làm được những bức tranh gạo đẹp mê mẩn.

 Anh Giang miệt mài làm tranh gạo - Ảnh: N.M
Anh Giang miệt mài làm tranh gạo - Ảnh: N.M

Buổi chăn bò oan nghiệt

Tay vân vê bút vẽ, miệng Giang đưa chúng tôi về quãng thời gian khó khăn nhất của mình. Lúc đó 9 tuổi, Giang đi chăn bò trên đồi thì dính phải quả bom thời chiến tranh sót lại phát nổ. Ai cũng nghĩ Giang không qua khỏi nhưng may mắn đã đến, Giang trở về nhà sau những ngày tháng điều trị khắp các bệnh viện. Giang lại đi học với cơ thể đầy vết sẹo.

Được vài năm yên ổn, các vết thương bắt đầu hành hạ anh; những mảnh bom còn sót lại, găm trên thân thể khiến anh đau đớn tột cùng. 21 tuổi, Giang gần như bị liệt toàn thân, chỉ còn hai tay có thể cử động. Mỗi lần di chuyển, anh phải tựa vào tường, tay chống gậy nặng nhọc lê từng bước. Giang muốn tìm đến cái chết để quên đi nỗi đau tột cùng trong sự tuyệt vọng.

Rồi Giang được cứu chữa lần nữa, sau lần sống lại này, anh bắt đầu quyết tâm vươn lên. Nghị lực sống đã thôi thúc anh đi tiếp cuộc đời để làm việc gì có ích và báo hiếu cha mẹ già. Anh miệt mài tập luyện và kết quả là đôi chân có thể đi lại.

Từ tượng đá đến tranh gạo

Thân hình bất động đã ám ảnh Giang một thời gian dài, nó in hằn trong tâm trí anh và cũng từ đó anh bắt đầu liên tưởng, nghĩ về những bức tượng. Thế là Giang nhờ mấy người em lên núi lấy đá về để lúc khỏe, tĩnh tâm, anh tự sáng tạo thành nhiều bức tượng với đủ hình dáng, kích cỡ. Dần dần tay nghề của anh khéo hơn, làm nên nhiều chân dung đẹp được bạn bè, người thân đón nhận, khen ngợi.

Tuy nhiên, chạm khắc đá mất nhiều công sức và bụi đá đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của Giang; đặc biệt nhiều động tác anh rất chật vật mới làm được vì cơ thể cứng đơ, khó ngồi, khó cúi xuống. Vậy là sau một thời gian vật lộn, anh đành gác ý tưởng với tượng đá để tìm một hướng đi khác phù hợp hơn. Qua sách báo, thông tin trên internet, Giang thấy tranh gạo mới lạ, độc đáo nên rất hứng thú. Anh dốc hết sức làm một chuyến đi, vào tận Kon Tum theo học một khóa ngắn hạn về loại tranh này.

Trở về quê cùng vốn liếng học được, Giang tiếp tục mày mò thêm với hy vọng tranh sẽ nuôi sống được chính bản thân mình. Giang bảo nghề làm tranh gạo khá kỳ công, đòi hỏi phải mất thời gian và công sức, nhất là với một người di chuyển khó khăn như anh. Nhưng khi sản phẩm đầu tiên hoàn thành, nó cứ như một ma lực cuốn hút và đam mê đến lạ. Anh đã làm thành công tranh phong cảnh, tranh thư pháp…

Giang cho biết làm một bức tranh gạo bắt đầu từ việc chọn hình ưng ý, sau đó canh tỷ lệ và vẽ lại trên giấy cứng hoặc ván ép; chọn màu gạo và gắp từng hạt gạo bỏ lên bức vẽ đã được phết keo sữa, cuối cùng là phun sơn để bảo quản tranh tốt hơn. Nghe qua khá đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ và mất nhiều thời gian.

Nói về tranh gạo như bắt đúng sóng nên đôi mắt của Giang sáng lên hứng khởi, bao khổ ải trong phút chốc dường như tan biến. Giang và tranh gạo, nó như hai mảng đối chọi nhau chan chát; nhìn cả hai, khó ai nghĩ đó là sản phẩm của một con người tật nguyền. Anh làm tranh trong tư thế đứng vì không ngồi được, cũng không xoay đầu, làm đến lúc mỏi nhừ, không trụ vững nữa thì nghỉ. “Ngày làm, đêm đau, cả cơ thể cứng đờ, nhức mỏi. Nhưng phải làm, mình phải sống, hơn nữa nhìn thấy tranh đẹp quá, càng nhìn càng muốn làm tiếp”, Giang chia sẻ.

Điều Giang mong muốn nhất bây giờ là tranh của mình được nhiều người biết, thích, tiêu thụ được để có kinh phí làm tiếp và sau đó anh sẽ truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho những người khuyết tật xa gần, để họ tìm thấy niềm vui, lý tưởng sống mới trên cuộc đời đầy gian nan.

T.Q.Nam - Nhật Minh

>> Nghị lực của chàng trai khiếm thị
>> Nghị lực của cô gái cử tạ bằng một tay
>> Nghị lực phi thường của cô bé 13 tuổi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.