Gia đình dấu yêu: Trống đánh xuôi kèn thổi ngược

10/05/2020 10:15 GMT+7

Nhiều lần, tôi bắt gặp những dòng tâm trạng rối bời của các em học sinh trong những nhóm trên mạng xã hội khi đứng trước ngã rẽ quan trọng của đời mình nhưng lại không biết chọn lựa, quyết định thế nào.

 Nên tiếp tục học lên cao hay dừng lại, nên học đại học hay cao đẳng, chọn trường thế nào, chọn ngành theo sở thích hay theo ý bố mẹ…
Nếu cho sự do dự ấy là do “trời sinh tính” khiến các bạn ấy thiếu quyết đoán, không kiên định, bản lĩnh, e chừng chỉ đúng một phần. Phần còn lại, tôi không hoài nghi về khả năng các em sinh sống trong một gia đình mà bố mẹ luôn bất đồng quan điểm, cả trong cuộc sống lẫn trong cách giáo dục, định hướng các con.
Tôi vẫn chưa quên chuyện của một người bạn hồi nhỏ. Bạn thích sau này theo nghề sư phạm, ba của bạn cũng ủng hộ lựa chọn của bạn, nhưng mẹ bạn phản đối vì cho rằng nghề giáo viên thu nhập thấp, khi cần đổi nghề cũng khó. Bà muốn bạn học kế toán, dễ kiếm việc cũng như có cơ hội tiến thân. Đến giờ, khi đã làm công việc kế toán nhiều năm, bạn vẫn cho rằng đó là công việc bất đắc dĩ phải làm để kiếm sống chứ không phải là nghề bạn yêu thích và muốn gắn bó. Bạn vẫn tiếc vì sự áp đặt của người lớn đã tước đi cơ hội được sống với đam mê của mình ngày còn trẻ.
Cô giúp việc theo giờ nhà tôi kể chuyện gia đình nọ mà cô từng làm việc có anh chồng thích ăn thịt. Với suy nghĩ “không có thịt, cơ thể sẽ không được cung cấp chất dinh dưỡng để hoạt động”, bữa cơm nào thiếu rau không sao chứ không có thịt là anh không chịu được. Tuy nhiên, vợ anh lại theo “trường phái” ngược lại: chủ yếu ăn cá, rau củ, trái cây, dầu nấu ăn cũng là dầu thực vật với lý do: thịt, nhất là các loại thịt đỏ, không chỉ không tốt cho sức khỏe mà còn là một trong những nguyên nhân gây ung thư. Thuyết phục chồng tăng rau giảm thịt không được, chị tập trung giáo huấn các con theo phương châm “ăn heo-thì để sống khỏe, sống lâu” dù bữa cơm nào cũng có đủ rau - thịt để cân bằng cả hai phía.
Bữa cơm nào của cả nhà với hai đứa nhỏ cũng như cực hình, lũ trẻ như bị tra tấn khi ba mẹ thi nhau thuyết phục chúng ăn theo cách của mình, lúc nhẹ nhàng, lúc gay gắt, lúc căng thẳng, thậm chí có lúc chỉ trích nhau khi ai cũng cho là mình đúng. Chồng cho rằng bọn trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, bao món ngon vật lạ toàn liên quan đến thịt, sao lại cản con thưởng thức, trong khi vợ khăng khăng bảo vệ chân lý “thần khẩu hại xác phàm”, “bệnh tòng khẩu nhập” nếu ăn nhiều thịt như cách của chồng. Nhìn bọn trẻ bí xị trong không khí bữa ăn nặng nề thấy mà thương.
Chuyện mâu thuẫn trong nhà, chín người mười ý là bình thường. Thế nhưng, khi đã nghiêm trọng đến độ một trong hai (bố hoặc mẹ) nhất định không nhún nhường hoặc khi cả hai không tìm được tiếng nói chung cho một giải pháp hài hòa, hậu quả của một gia đình “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” không chỉ là không khí căng thẳng triền miên do bất đồng ý kiến của những thành viên trụ cột, là sự thất bại trong vai trò làm cha mẹ khi không thể đồng thuận trước mặt con cái mình, mà còn là những đứa trẻ mất phương hướng, luôn cảm thấy chông chênh khi bản thân chúng còn không biết nên tin vào mẹ hoặc cha, và luôn cảm nhận cuộc sống bằng cảm giác bất an, đôi mắt nghi hoặc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.