Gia đình dấu yêu: Những tấm ảnh gia đình

14/07/2019 11:32 GMT+7

Có lần, cậu con trai nhỏ xem cuốn album cưới của chúng tôi và reo lên thích thú: “Ảnh cưới của ba mẹ đẹp quá, đông vui vậy mà sao không có con?”.

Thắc mắc ngây thơ của con khiến chúng tôi không nhịn được cười nhưng lại nảy ra một ý định: đợi một dịp đặc biệt nào đó, kỷ niệm ngày cưới chẳng hạn, cả nhà chụp lại bộ ảnh cưới nhưng lần này có mặt đủ cả ba mẹ và hai cu con? Nghe nói vậy, con trai nhỏ reo hò tán thưởng kịch liệt.
Nhưng rồi tôi nhận ra rằng, bọn trẻ con chỉ “hợp tác” trong cái khoản chụp choẹt này lúc chúng còn nhỏ, khi lớn lên (chỉ cần bắt đầu tuổi “teen” thôi), chúng sẽ phản ứng khi bố mẹ yêu cầu chụp ảnh. Nếu không từ chối được thì bọn trẻ vẫn miễn cưỡng chụp chung nhưng mặt mũi không vui, có đứa còn tạo dáng nghịch ngợm để lần sau bố mẹ không yêu cầu chụp nữa nếu không muốn bị chúng phá hỏng bức ảnh. Các bà mẹ thường bảo nhau, muốn chụp ảnh cả nhà để lưu giữ kỷ niệm thì tranh thủ lúc con còn nhỏ. Khi chúng lớn rồi chẳng dễ có được những bức ảnh gia đình hoàn hảo với lũ con, ai có con đang tuổi ẩm ương, “dở ông dở thằng” sẽ hiểu. Chưa kể đăng ảnh con lên mạng mà chưa được sự đồng ý của chúng không khéo bố mẹ lại phạm luật.
Tôi vẫn nhớ một câu chuyện trên mạng, đại ý: một ông bố được cô giáo của con mời đến họp và đưa anh xem bức tranh do con gái anh vẽ nhưng không có anh trong ấy. Anh thắc mắc thì cô giáo bảo, đó chính là lý do cô mời anh đến đây: vì anh luôn vắng mặt ở nhà nên con gái đã bỏ anh ra khỏi bức tranh. Hiểu ra sự việc, người bố đã thay đổi và dành nhiều thời gian cho gia đình hơn, đặc biệt là cho đứa con gái bé bỏng.
Trong cuộc sống, không biết có bao nhiêu nhà chỉ vì một bức ảnh gia đình như câu chuyện kể trên mà trở nên hạnh phúc hơn, nhưng tôi tin tất cả những bức ảnh gia đình được lưu giữ đều mang một ý nghĩa nào đó. Cô bạn tôi trước quyết định ly hôn đã lôi hết những bức ảnh chụp cả nhà ra, tấm nào chụp chung với chồng là cô cắt đôi, một bên có anh, nửa bức ảnh bị cắt bên kia có cô. May mắn là cuối cùng họ đã không ly hôn. Những bức ảnh bị cắt đôi hôm nào cô vẫn giữ như một kỷ niệm không vui, nhắc cô gìn giữ để các con có được mái ấm vẹn toàn.
Không chỉ lưu lại hình ảnh sum họp với cảm xúc vui tươi, hạnh phúc vào những thời khắc đáng nhớ bên những người thân yêu, một bức ảnh đầy đủ thành viên trong nhà còn dạy những đứa trẻ quý trọng các giềng mối tình thân, nhờ đó cũng biết trân trọng gia đình nhỏ của mình sau này.
Khoảnh khắc tươi đẹp mấy rồi cũng qua đi, cảm xúc đậm sâu mấy rồi cũng chẳng đọng lại mãi, những bức ảnh rồi cũng úa vàng theo năm tháng nhưng cái hồn của những bức ảnh khó phôi phai theo thời gian, dẫu mai này ta vẫn có thể cùng nhau tề tựu để chụp chung trong những bức ảnh khác. Có điều, vẫn những gương mặt ấy, tư thế chụp ấy nhưng nét cười có còn tươi, mái tóc có còn xanh hay đã lốm đốm bạc, hay thậm chí người còn, người mất.
Thế nên, hãy lưu lại những bức ảnh gia đình, không nhất thiết bối cảnh bức ảnh chụp ở đâu, chúng ta đang giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, chỉ cần được bên nhau đầm ấm đã là hạnh phúc rồi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.