Gia đình dấu yêu: Giữ lời hứa với con

Thúy Hằng
Thúy Hằng
31/05/2020 00:00 GMT+7

Ngày Tết thiếu nhi 1.6, chỉ mong mỗi người lớn tôn trọng trẻ em bằng việc giữ lời hứa. Giữ lời, giống như đã hứa cho kẹo thì hãy nhớ đưa đúng viên kẹo, như ông chủ tiệm mì kia.

Chúng tôi vào một tiệm mì ở trong khu Chợ Lớn, Q.5, TP.HCM, ông chủ tiệm thấy khách tới thì cười hiền, hỏi hôm nay ăn gì. Hai vợ chồng ăn hủ tiếu mì, còn con gái 3 tuổi muốn ăn bánh mì ốp la hàng kế bên. Ông chủ tiệm chừng hơn 70 tuổi chậm rãi, nói tiếng Việt lơ lớ: “Ăn đi nào, chút ông cho con viên kẹo”. Con gái tôi nhoẻn miệng cười với mẹ, rồi ngồi ăn ngoan ngoãn.
Tiệm ăn cuối tuần đông khách, người vào ra tấp nập. Chúng tôi tính tiền rồi dắt xe, lục tục ra về, cả nhà cũng không để ý tới viên kẹo. Xe chuẩn bị nổ máy, bỗng ông cụ khi nãy vẫy vẫy tay, ra dấu khoan hãy đi. “Ông cho con kẹo nha, ngoan nha con”, cụ ông đưa tận tay con gái tôi 2 viên kẹo. Khỏi nói, bé vui như thế nào, dọc đường cứ nói đủ thứ chuyện. Xe chạy một chặng rồi, tôi cũng thấy vui lây. Dù đang bận bịu trong một cái tiệm đông khách như thế nhưng người ta vẫn cố gắng giữ lời hứa với một cô bé 3 tuổi.
Tôi nhớ đến nhiều câu chuyện mình từng gặp. “Ăn hết chén cơm rồi mẹ mua đồ chơi cho”, mẹ dỗ. Đứa trẻ ăn hết cơm, khóc ngằn ngặt đòi đồ chơi, mẹ nạt nộ: “Suốt ngày đồ chơi, có thích ăn đòn không?”. Nhiều cha mẹ nghĩ rằng trẻ con không biết gì và thoải mái nói dối, đó là sai lầm. Đứa trẻ có thể 3 lần tin cha mẹ, nhưng tới lần thứ 4, cha mẹ tiếp tục nói dối, đứa trẻ sẽ không còn tin nữa. Không chỉ sinh ra hoài nghi, bất an, lớn lên đứa trẻ cũng có thể nhiễm thói quen nói dối, không trung thực từ chính người sinh thành, nuôi dưỡng.
Cũng từng qua tuổi ấu thơ, chắc hẳn mỗi người vẫn nhớ cảm giác hồi hộp mong ngóng như thế nào khi mẹ mình hứa sẽ đón về sớm cho đi công viên, hay sinh nhật sẽ được tặng một con búp bê. Hiểu cảm giác ấy, tôi luôn cố gắng nói chuyện thẳng thắn với con, từ khi con mới sinh ra. Trẻ sơ sinh cũng biết lắng nghe, thấu hiểu, tôi đã đọc nhiều cuốn sách về điều này. Nói với con mẹ yêu con, vì sao con phải đi nhà trẻ, nếu về trễ sẽ nói trước để con không bất an, không hứa hẹn mua quà nếu không thực hiện được. Ngày con mới đi học vài buổi nên khóc rất nhiều, cô giáo dỗ: “Ngoan, mẹ đi chợ mua kẹo cho con, chút mẹ quay lại”. Tôi nói với cô giáo, cô không nên nói dối con như vậy. Sự tổn hại tâm lý với một đứa trẻ khi mất niềm tin ở mẹ kinh khủng hơn nhiều so với việc chưa quen trường lớp.
Ngày thiếu nhi 1.6, chỉ mong mỗi người lớn tôn trọng trẻ em bằng việc giữ lời hứa. Giữ lời, giống như đã hứa cho kẹo thì hãy nhớ đưa đúng viên kẹo, như ông chủ tiệm mì kia. Nếu vì lý do nào đó, không thực hiện được, hãy bình tĩnh giải thích để các con hiểu rằng mình không quên nhưng sẽ mua kẹo vào một dịp khác. Đừng vì để đạt được mục đích của mình mà “dụ” trẻ rồi không giữ lời. Viên kẹo “ảo” một ngày sẽ hóa thành kẹo đắng, khi trẻ mất niềm tin nơi người lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.