Gia đình dấu yêu: Dạy con phân loại rác

27/10/2019 11:14 GMT+7

Hôm nọ, vị tổ trưởng nơi tôi ở đến phát cho từng nhà trong xóm tờ thông tin tuyên truyền hướng dẫn cách phân loại rác. Cầm tờ giấy chi chít thông tin và hình vẽ đầy màu sắc, cậu con trai đang học lớp 4 nói như reo: “Ủa, sao giống mấy cái ba mẹ hay nhắc con quá vậy nè?”

Tôi chợt nhận ra những điều cơ bản mà tôi vẫn dạy và nhắc nhở con mỗi ngày về cách phân loại rác, con vẫn còn nhớ.
Có lần, cả nhà sang Mỹ thăm gia đình em gái tôi, thấy con trai của em tôi mới 4 tuổi đã biết vứt vỏ bánh kẹo, trái cây, hộp sữa sau khi uống xong vào những thùng đựng rác riêng, con tôi đã thắc mắc: “Sao Steven (tên cháu tôi) còn nhỏ mà biết bỏ từng loại rác đúng chỗ hay vậy mẹ?”. Tôi được dịp nhắc nhở con rằng “nếu con để ý và nhớ lời ba mẹ dạy về cách phân loại rác thì việc đó đâu có khó gì, đến cả em Steven nhỏ vậy mà còn biết và làm được nữa mà!”.
Có lần, đi trên chuyến phà về quê, đứng cạnh tôi là hai vợ chồng nọ còn khá trẻ và cô con gái trạc mười tuổi. Sau khi ăn xong bịch bánh snack trên tay, cô bé thản nhiên vứt cái bịch xuống sông, trong bịch còn sót lại chút vụn bánh gặp cơn gió thổi làm vụn bánh bay tung tóe vào những người xung quanh khiến có người cau mày khó chịu. Tôi chỉ thùng rác đặt trên phà cách chỗ cô bé đứng chỉ vài bước chân, hỏi: “Sao con không bỏ rác vô thùng đằng kia kìa?”. Cô bé im lặng, còn ba mẹ cô ấy ném cho tôi cái nhìn không mấy thiện cảm, kiểu như “có gì đâu mà quan trọng hóa vấn đề!”.
Nhiều người cho rằng “nhìn con cái biết cha mẹ” quả thực không sai. Muốn dạy con thì cha mẹ phải làm gương, đó là chân lý thiết thực nhất. Cha mẹ bừa bãi, bê bối, không sống chuẩn mực thì con cái vô kỷ luật, cẩu thả là hậu quả tất yếu. Tốt nhất là bắt đầu dạy con cách ứng xử với rác thải càng sớm càng tốt khi ý thức và những thói quen ở trẻ con đang giai đoạn hình thành. Hãy bắt đầu từ việc phân loại những loại rác cơ bản, dễ nhận diện với trẻ con như thức ăn thừa, vỏ chai hộp nhựa hoặc kim loại, bao ni lông, hộp giấy đựng thức ăn, sách tập đã qua sử dụng... Việc nhắc nhở sẽ tăng phần hiệu quả bằng những lời giải thích về tác động tiêu cực của rác thải đối với môi trường sống cũng như sức khỏe của con người qua những ví dụ minh họa cụ thể (như cá chết vì ăn phải các rác thải bằng nhựa, ni lông do khách du lịch xả ra mà không tiêu hóa được) hoặc qua sách báo, tranh ảnh sẽ khiến trẻ ghi nhớ dễ dàng và lâu hơn. Cũng cần lưu ý trẻ đến lợi ích của việc phân loại rác thải nhờ khả năng tái chế của một số vật liệu như nhựa, nhôm, tái chế giấy giúp hạn chế sử dụng tài nguyên rừng, tận dụng rác hữu cơ làm phân bón... Hiện nay người ta có bán các loại thùng rác hai, ba ngăn có in hình minh họa bên ngoài, rất tiện lợi cho những gia đình có trẻ nhỏ sử dụng.
Bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ và cao hơn một bậc là biết cách phân loại rác không chỉ giúp công việc của người thu gom rác đỡ nhọc nhằn hơn mà còn thể hiện nếp sống văn minh của một người có văn hóa, thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với môi trường, xã hội mình đang sống và trên hết là vì một bầu khí quyển trong lành, không ô nhiễm cho thế hệ mai sau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.