Gia đình dấu yêu: Cùng con kiên nhẫn

Thúy Hằng
Thúy Hằng
06/10/2019 14:11 GMT+7

Nhìn con vui vẻ đi vào lớp và vẫy tay chào mẹ, tôi lâng lâng hạnh phúc. Mới cách đây mấy tuần, tôi đã từng gặp cô giáo để xin cho con nghỉ học vì lo sợ con bị rối loạn tâm lý .

Con gái 18 tháng tuổi, tôi nghĩ con đã sẵn sàng để tới trường nên đã xin cho con vào một trường mầm non công lập có tiếng ở gần nhà. Nhưng vốn được ở nhà với bà từ nhỏ, con chưa quen nên cả hai tuần đến trường đều khóc ra rả đến sụt ký, viêm họng, đau mắt. Mỗi khi chở con đi đâu ngang, chỉ cần nhìn thấy bức tường rào trường học, con đã gào khóc trong sợ hãi.
Tôi xin cho con nghỉ thêm… 8 tháng nữa rồi thử tiếp việc đi học. Lần này tôi chọn một trường khác, nhỏ hơn, nhiều tháng trước khi nhập học chính thức tôi thường xuyên đưa con tới sân trường để con cùng chơi, cùng tô màu, nhìn những bạn nhỏ khác vui vẻ ca hát, nhảy múa. Nhưng con vẫn khóc ra rả suốt gần một tháng trời tới lớp, ngày nào đi học cũng là một cuộc chiến và trở về nhà trong tình trạng mệt nhoài, khóc lóc nỉ non: “Mẹ ơi, con xin mẹ, con không muốn đi học”.
Tôi lại đi xin cho con nghỉ tiếp, vì sợ hãi con bị vấn đề về tâm lý. Nhưng cô giáo đã thuyết phục, tôi phải kiên nhẫn hơn, đừng bị yếu lòng, bởi lúc này cần mạnh mẽ. Môi trường lớp học mầm non sẽ tốt hơn rất nhiều lần con ở nhà với người già, xem ti vi nhiều và ít tương tác với bạn bè đồng trang lứa. Cô đã đúng. Giây phút ngày khai trường, nhìn con vui vẻ theo cô giáo và các bạn đi vào lớp, còn cười thật tươi vẫy tay chào mẹ, tôi xúc động vô cùng. Mấy ngày hôm nay, con ôm tôi mỗi sáng và nói “mẹ ơi con thích được đi học lắm mẹ ạ”, tôi nghẹn ngào hôn lên má con. Con đã lớn khôn thật rồi.
Dạy con kiên nhẫn là một điều tôi và nhiều cha mẹ khác đều đang nỗ lực, đơn giản là để con không quăng ngay bộ màu vẽ khi không biết cách mở, để con nhẫn nại tự xúc cơm ăn mà không ném hết chén đĩa vì việc đó quá khó… Nhưng, tôi và nhiều cha mẹ khác đôi khi thật bất công với con. Chúng tôi luôn đòi hỏi con phải thật sự kiên nhẫn, không được cáu gắt và hất tung mọi thứ khi không đạt như ý muốn, nhưng chính chúng ta lại mất kiên nhẫn với chính mình.
Trẻ em không cần một ngôi trường hay mái nhà thật lớn, đầy đủ tiện nghi, thừa mứa món ăn để hạnh phúc. Trẻ sẽ thật sự hạnh phúc khi thầy cô và cha mẹ là những người hạnh phúc. Tôi từng nghe thông điệp ấy từ Giáo sư Hà Vĩnh Thọ, nguyên Giám đốc chương trình - Trung tâm tổng mức hạnh phúc quốc gia Bhutan, trong một diễn đàn. Rõ ràng, chẳng có cha mẹ nào có thể dạy cho con sự kiên nhẫn, bình an trong tâm hồn nếu như chính họ còn đang căng thẳng và sẵn sàng hất tung mọi thứ vì stress của công việc bộn bề. Bao dung với bản thân, chấp nhận là những người không hoàn hảo, tôi nghĩ đó là một chìa khóa để mỗi cha mẹ có thể kiên nhẫn hơn với chính mình. Và khi đó, mỗi đứa trẻ có cơ hội để được yêu thương hơn, biết cách kiên nhẫn hơn, từ tấm gương cha mẹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.