Gia đình dấu yêu: Bài học về cuộc sống

09/06/2019 14:02 GMT+7

Thật không dễ để dạy con trở thành một đứa trẻ biết quý trọng những gì chúng đang có, biết yêu thương, chia sẻ. Nhưng tôi nghĩ chỉ cần cha mẹ đừng nói những điều quá to tát, mà cho con ra ngoài cuộc sống kia, lắng nghe, chứng kiến, cảm nhận...

Con tôi cũng giống với những đứa trẻ thành phố thời nay, được sinh ra trong một gia đình có ba mẹ đi làm với mức lương đủ để lo một cuộc sống tạm cho là đầy đủ, chứ không cực khổ như thời ông bà cha mẹ ngày xưa. Quần áo đẹp, đồ chơi tốt, cơm ăn nước uống không thiếu… Có lẽ vì vậy mà những đứa trẻ ấy không biết trân trọng những gì mình đang được “thụ hưởng” chăng?

Nhiều lần, con tôi đi học về, hỏi: “Mẹ ơi, hôm nay mẹ nấu món gì thế?”. Nếu là đậu hũ chiên xốt cà, hay thịt bò xào củ hành, hay canh mồng tơi nấu tôm… là con lại xị mặt: “Con ghét mấy món đó”. Cuối tuần đi ra ngoài ăn tối, tôi nói con ăn tôm nướng, ghẹ đi, con bảo con không muốn ăn. Ban đầu, tôi không biết làm thế nào, đành “thỏa hiệp”, chỉ để con ăn những món con thích, món nào không thích thì không ép con.
Một lần chở con đi học về, chúng tôi nhìn thấy một con chó gầy trơ xương, có lẽ bị bỏ đói lâu ngày, đang yếu ớt dùng chân bới đống rác tìm thức ăn. Con tôi thấy thế bèn nói: “Mẹ ơi, con chó nhìn tội quá, chắc nó đói lắm, không biết trong đống rác có gì cho nó ăn không”.
Ngay lúc đó, cách con chó gầy trơ xương vài mét, là một con chó mập mạp đang ngửi ngửi đồ ăn chủ nó để trong một cái tô bên vỉa hè. Ngửi xong nó bỏ vào nhà, không thèm đụng tới. Trong đầu tôi chợt lập tức liên hệ ngay với việc chê bai đồ ăn của con mình.
Tôi hỏi lại: “Con có nhìn thấy con chó mập kia không? Nó không thèm ăn trong khi chú chó kia thì đói như sắp kiệt sức đến nơi! Nếu con chó mập biết ở đống rác có con chó ốm đang tìm đồ ăn, hẳn là nó sẽ không bỏ phí như thế, hoặc nó sẽ rủ con chó ốm tới ăn cùng”. Con trai tôi dường như hiểu được điều gì đó, im lặng rất lâu…
Vì là con nít nên con tôi không tránh khỏi có lúc vẫn “quên” bài học về con chó mà tôi từng gián tiếp nhắc nhở. Thi thoảng, khi con có dấu hiệu ăn rề rà tỏ ý không muốn ăn, tôi giả vờ kể: “Hôm nay mẹ bắt gặp một bạn đi bán vé số cỡ tuổi con. Bạn ấy bán mãi không hết vé số nên không có tiền để mua đồ ăn. Mẹ thấy bạn ấy ăn mỗi một chén cơm chan với canh rau muống, vậy mà bạn ấy ăn hết sạch và ăn rất ngon miệng”. Thế là con tôi lẳng lặng ăn hết tô cơm. Ăn xong, hét to: “Mẹ ơi, con ăn hết sạch rồi nè”…
Thật không dễ để dạy con trở thành một đứa trẻ biết quý trọng những gì chúng đang có, biết yêu thương, chia sẻ. Nhưng tôi nghĩ chỉ cần cha mẹ đừng nói những điều quá to tát, mà cho con ra ngoài cuộc sống kia, lắng nghe, chứng kiến, cảm nhận. Và bằng sự dẫn dắt đầy yêu thương, bằng những hành động “làm gương”, không lẽ lũ trẻ lại không lĩnh hội được chút nào?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.