Gây 'bão' Facebook với vi khuẩn ăn thịt người: Tung tin giả câu like cho nổi tiếng?

02/10/2019 17:42 GMT+7

Một nữ sinh mới đây bị phạt 12,5 triệu đồng vì tung tin giả vi khuẩn ăn thịt người ở Quảng Bình. Thực tế, đây không phải là cá biệt khi có quá nhiều người sử dụng mạng xã hội đăng tin thất thiệt để câu like.

Bạn đọc chưa quên vài tháng trước, nhiều tài khoản đăng thông tin giả về dịch tả châu Phi gây hoang mang dư luận, có bạn còn tự động nằm dài cạnh một chiếc taxi, chụp ảnh đăng Facebook dàn cảnh một vụ tai nạn thương tâm...

Nhiễu loạn thông tin trong xã hội

Anh Phạm Văn Hậu (còn được biết tới với tên Hau Zozo), Streamer của FacebookGaming, cho rằng nhiều người nghĩ tin giả vô hại, nhưng thực tế “nó vô cùng nguy hiểm khi đang có dấu hiệu gia tăng. Việc tung tin đồn thất thiện nhằm câu like, câu view không phải là vấn đề hiếm gặp hiện nay”.

Cô gái tung tin 'vi khuẩn ăn thịt người' trên Facebook bị phạt 12,5 triệu đồng

CTV

Anh Nguyễn Ngọc Phiên, Trợ lý giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Ứng dụng, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết những tin giả, thất thiệt gây nhiều hệ luỵ, hoang mang dư luận, gây tâm lý bất an cho mọi người trong cuộc sống, cơ hội cho các đối tượng xấu xuyên tạc. “Nguyên nhân phần lớn của việc tung tin giả là do nhiều bạn trẻ chưa ý thức hết được hậu quả và trách nhiệm của mình, thường chỉ vì câu like, câu view, kiếm lượt share nhiều để thỏa mãn cảm xúc cá nhân”, anh Phiên nói.
Bạn Dương Nguyễn Quỳnh Anh, học sinh Trường Phổ thông năng khiếu (ĐHQG TP.HCM), cho hay từ xưa tới nay việc tung "tin vịt", tin giả là thủ đoạn mà kẻ bất lương thường sử dụng để gây nhiễu loạn thông tin trong xã hội, từ đó làm tổn hại uy tín tổ chức, cá nhân mà họ nhắm vào. Ngày nay, có nhiều bạn trẻ tạo thông tin giả nhằm thu hút sự nổi tiếng, để câu like, nhằm bán hàng “online”. “Hệ luỵ của vấn đề này hoàn toàn rõ ràng, các thông tin sai lệch gây hoang mang, phẫn nộ trong lòng người đọc hay xem thông tin...”, Quỳnh Anh nói.

Vì sao nhiều người thích tung tin giả lên mạng xã hội?

Lê Hoàng Lâm, sinh viên năm nhất Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thường sử dụng Instagram để đăng cảm nghĩ, chia sẻ của mình cho rằng có thể những người tung tin giả để câu view, muốn tài khoản của mình được chú ý, hoặc họ cố ý trêu chọc người khác, làm giảm uy tín của đối thủ cạnh tranh.
Lâm nói: “Tôi không khuyến khích việc đăng những tin đồn gây sốc cho người đọc. Tôi luôn tự nhắc bản thân phải có suy nghĩ đúng đắn cho mỗi nội dung mà mình muốn chia sẻ. Đó là lý do tại sao tôi thường dành từ một đến vài tiếng để đăng một bài viết lên mạng xã hội. Tôi nghĩ mạng xã hội có ích cho việc giải trí, cập nhật thông tin, liên lạc... Nhưng chúng ta không nên lạm dụng mạng xã hội để đăng tin giật gân nhằm mục đích tiêu cực. Việc tung tin đồn thất thiệt sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh và con đường nghề nghiệp của một người, khiến họ bị sốc, tổn thất về mặt tinh thần”, Hoàng Lâm nói.
Còn Đinh Thị Kim Oanh, sinh viên năm nhất Trường ĐH Văn Lang TP.HCM, cho rằng có thể những người tung tin đồn thất thiệt qua mạng xã hội chưa có suy nghĩ chín chắn dẫn đến hành động sai trái.

Nam thanh niên giả vờ tai nạn để đăng ảnh câu like

Ảnh chụp màn hình

Cách nào để dẹp loạn tin giả?

Nữ sinh Quỳnh Anh, Trường Phổ thông năng khiếu (ĐHQG TP.HCM) cho hay, “sống ảo” bằng thông tin nguỵ tạo khởi nguồn khi mạng xã hội ra đời và trở nên phổ biến, nhiều người trẻ thích gì nói đó mà chẳng ai biết họ thực sự là ai, họ như thế nào. Như vậy, khi nghe và tiếp nhận thông tin, các bạn trẻ cần xác minh đâu là các “thông tin vịt”, tin giả, đâu là thật để không bị "dắt mũi". Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của người sử dụng mạng xã hội. “Tôi nghĩ rằng, việc kiểm duyệt bài đăng trên Facebook, Luật An ninh mạng cần phải chặt chẽ hơn. Một bài viết không đạt tiêu chuẩn sẽ bị từ chối công khai ngay lập tức”, nữ sinh nêu giải pháp.
Anh Nguyễn Ngọc Phiên cho hay việc quan trọng nhất là giáo dục ý thức sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, hợp lý, các bạn trẻ không like share các vấn đề chưa kiểm chứng, những thông tin “lá cải”. Tiếp theo việc cần là tuyên truyền về Luật An ninh mạng kèm các khung hình phạt, do các bạn còn trẻ cứ nghĩ post, share thì không có tội nên cứ vô tư làm.
Miệt thị trên mạng xã hội
Không chỉ tung tin giả, tin thất thiệt, nhiều bạn trẻ cũng cho biết còn một tình trạng phổ biến khác đó là “bắt nạt”, “bạo lực” trên mạng xã hội. Người ta có thể miệt thị, xúc phạm những người mà mình chưa từng gặp mặt, chỉ vì tin đồn.
Nguyễn Ngọc Bảo Hân, 19 tuổi, mẫu ảnh của Local Brands Viet Nam, tài khoản Instagram có 278.000 người theo dõi thẳng thắn: “Cộng đồng mạng đang giết từng người một, người mà họ không hề quen biết. Bàn phím là những con dao, những lời nói được phóng ra lao thẳng vào đối tượng trước mặt, nhưng họ lại lầm tưởng rằng làm vậy là thẳng thắn, cá tính. Chính tôi cũng từng là nạn nhân của tin đồn, tin giả. Những người có tầm ảnh hưởng, những người nổi tiếng rất hay bị người khác miệt thị, mà 80% là người lạ. Tôi cũng bị miệt thị nhiều cấp độ. Nhẹ thì bị người ta nói là chảnh, ngông..., nặng hơn thì người ta nói tôi là đứa bào tiền, đại gia nuôi... Trong khi sự thật không phải thế. Thông tin không ai kiểm chứng, cứ truyền tai nhau, mỗi người thêm vào một ít, ai muốn tin sao thì tin. Khi tôi giải thích cũng vậy thôi, vì căn bản người ta đã muốn tin cái gì rồi thì khó mà thay đổi. Thay vì nói, tôi tiếp tục làm mọi việc bình thường và phát triển nó theo hướng tích cực”, Hân chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.