Đường đến thành công...

Vũ Thơ
Vũ Thơ
23/11/2018 07:07 GMT+7

Để trở thành những kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp đại học xuất sắc, các sinh viên là người dân tộc thiểu số đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, nhưng đó cũng là chặng đường đầy tự hào của sự vươn lên làm chủ cuộc sống.

Xa nhà đi học từ năm 11 tuổi
Triệu Hoàng Anh, cô sinh viên (SV) dân tộc Dao sinh ra và lớn lên ở xã Canh Tân, H.Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Từ năm 11 tuổi, Anh đã phải đi học ở xa nhà cách 60 km. “Do là học sinh gương mẫu và có thành tích tốt nên ở cấp THCS, em đã được chọn đi học trường nội trú của H.Thạch Anh, cách nhà khoảng 60 km. Cả huyện chỉ 1 - 2 bạn được chọn thôi”, Hoàng Anh nhớ lại.
Triệu Hoàng Anh trong ngày nhận bằng tốt nghiệp Ảnh: NVCC
Triệu Hoàng Anh trong ngày nhận bằng tốt nghiệp Ảnh: NVCC
Rồi lên THPT, với nỗ lực học tập của mình, Hoàng Anh được chọn đi học ở Trường Hữu nghị T78 ở xã Thọ Lộc, H.Phúc Thọ, Hà Nội (trường giảng dạy chương trình THPT cho học sinh các dân tộc thiểu số VN theo mô hình trường dân tộc nội trú - PV). Vậy là lại thêm một chặng đường học xa nhà hàng trăm cây số. “Trong thời gian đi học mỗi năm, em chỉ được về quê 2 lần vào dịp nghỉ hè và nghỉ tết”, Hoàng Anh kể.
Tốt nghiệp THPT, Hoàng Anh thi đỗ vào Trường ĐH Mỏ - Địa chất, chuyên ngành lọc hóa dầu. Sau 4 năm, Hoàng Anh đã đạt kết quả học tập loại giỏi với 3,8/4 điểm và trở thành 1 trong 42 SV dân tộc thiểu số tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc năm học 2017 - 2018. Không chỉ có kết quả học tập tốt, Hoàng Anh còn thành thạo 2 ngoại ngữ, tiếng Anh và tiếng Trung. Vì thế, ngay sau khi tốt nghiệp, em đã được nhận vào làm ở một ty nước ngoài.
Hoàng Anh cũng cho biết bố mẹ em đều là người dân tộc Dao. Bố làm ruộng, còn mẹ làm giáo viên tiểu học, lại nuôi 2 chị em ăn học nên hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, mẹ em phải đi dạy học xa nhà, vài tuần mới được về một lần, nên em phải tự chăm sóc bản thân và tự học tập. Có được kết quả ngày hôm nay, Hoàng Anh cho biết: “Cũng do đi học xa nhà từ bé nên em có ý thức tự lập sớm, trưởng thành và độc lập hơn; biết nghĩ cho bố mẹ nhiều hơn”.
Thương bố mẹ vất vả nên vào ĐH, Hoàng Anh đã đi làm thêm đủ nghề, từ bán quần áo, thu ngân, chăm sóc khách hàng… để có được 2 triệu đồng/tháng, trang trải cho cuộc sống mà không cần sự chu cấp của gia đình. Không chỉ lo cho bản thân, Hoàng Anh còn muốn có điều kiện để chăm lo cho các em nhỏ đồng bào dân tộc quê mình. “Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, còn đi chân đất đến trường, mùa đông phải mặc 5 - 6 cái áo mỏng vì không đủ ấm… nên em chỉ mong khi đi làm, có điều kiện sẽ giúp đỡ các em một phần vật chất”, Hoàng Anh nói.
Cô gái trẻ cũng cho biết, thương các học sinh miền núi quê mình chưa được học ngoại ngữ nên dịp hè vừa qua, Hoàng Anh đã về mở lớp dạy miễn phí cho các em gần 1 tháng. Mong ước của Hoàng Anh khi có điều kiện là sẽ mở một trung tâm dạy tiếng Anh cho các em dân tộc thiểu số, đóng góp sức trẻ của mình cho quê hương.
Từ bản xuống phố làm “sao tháng giêng”
SV Hoàng Duy Mạnh, dân tộc Tày, vừa tốt nghiệp xuất sắc Học viện Tài chính với kết quả điểm học tập 3,7/4. Kể về chặng đường từ bản xuống phố của mình, Mạnh không khỏi xúc động. Em sinh ra và lớn lên ở xã Thượng Bằng La, H.Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, bố mẹ đều là người dân tộc Tày. Do hoàn cảnh gia đình nên vào cấp 3, em và chị gái phải theo mẹ xuống Hà Nội sinh sống. Mạnh theo học ở Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Q.Cầu Giấy, Hà Nội).
Hoàng Duy Mạnh Ảnh: V.T
Hoàng Duy Mạnh Ảnh: V.T
“Đó là thời gian khó khăn nhất với em, vì thấy cái gì cũng lạ lẫm, nhất là bạn bè đều sống ở thủ đô, còn mình là người nhà quê. Do em thích chơi thể thao nên dần dần cũng làm quen được với các bạn, nhưng cũng phải mất 1,5 năm mới thích nghi với môi trường mới”, Mạnh chia sẻ.
Dù bỡ ngỡ với một môi trường mới nhưng kết quả học tập của Mạnh suốt 3 năm THPT đều là học sinh giỏi. Vào ĐH, Mạnh có bước trưởng thành nhanh chóng khi tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện của trường. Đặc biệt, không ngừng cố gắng học tập và rèn luyện nên năm học 2017 - 2018, Mạnh được giải thưởng Sao tháng giêng của T.Ư Hội SV VN. Mạnh cũng đồng thời được là SV 5 tốt cấp T.Ư, một danh hiệu danh giá của Hội SV VN dành cho những gương mặt đạt cả 5 tiêu chí: đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt, tình nguyện tốt, hội nhập tốt. Hiện Mạnh đã đi làm cho một công ty công nghệ có uy tín tại Hà Nội.
Ngày 24 - 25.11, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp cùng Bộ GD-ĐT, T.Ư Đoàn tổ chức lễ tuyên dương học sinh, SV dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu. Năm 2018 là năm thứ 6 chương trình được tổ chức, nhằm biểu dương, khích lệ tinh thần nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đạt được những thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội của học sinh, SV dân tộc thiểu số năm học 2017 - 2018. Ban tổ chức cho biết, tổng số học sinh, SV được tuyên dương năm 2018 là 166 em, thuộc 20 dân tộc thiểu số của 30 tỉnh, thành phố. Trong số đó có 42 em là SV tốt nghiệp xuất sắc các trường ĐH, CĐ, học viện trên toàn quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.