Đùa vui hay miệt thị?

05/06/2018 18:48 GMT+7

Những câu nói đùa hằng ngày như 'dạo này ăn gì mà như con heo thế', 'mày là gái hai lưng à', 'ôi, cô gái 1 m bẻ đôi',… có thể khiến cho đối phương cảm thấy tự ti vào bản thân...

“Đùa thôi, đừng đùa quá”

Tôi có đứa bạn tên là N.H.T, từ nhỏ đã bị ngọng nên đi học rất ít khi đưa tay phát biểu. Năm học lớp 8, cô giáo mới chuyển về, chưa biết T. tự ti vào giọng nói của mình. Hôm đó, trong giờ văn, cô chỉ đích danh T. đứng lên đọc bài văn. Thế là bắt buộc phải đứng lên đọc, mới đọc được vài câu thì cả lớp ồ lên cười. Ra chơi, mấy đứa còn xúm lại chọc ghẹo. Nhiều đứa thậm chí nói những câu nặng lời như: “Lâu lâu mới nghe giọng mày đọc bài, ôi ta biết “dồi” (tức “rồi”), mà sao vẫn không nhịn được cười”.

Từ lần đó, tôi để ý thấy T. chẳng bao giờ đi học sớm, cứ đúng giờ mới vào lớp, ra về thì lủi về thật nhanh, chẳng giao du với ai. Một thời gian sau T. nghỉ học. Tôi tìm đến nhà hỏi thăm thì mới biết là bạn ấy bỏ vào Bình Dương đi làm thuê cùng chị của mình. Chỉ nghe mẹ của T. kể: “Cô không biết tại sao nhưng nó chỉ nói là học không vào chữ nào trong đầu nữa nên muốn nghỉ đi làm. Nhưng cô để ý thấy thái độ của T. rất lạ, có hôm đang ngủ cô nghe tiếng khóc, chạy ra hỏi thì T. nổi nóng với cô và nói 'sao trong nhà không ai bị ngọng mà tại sao con thế này'. Cô biết từ nhỏ đến giờ nó đã rất tự ti với giọng nói của mình, nhưng cô không nghĩ sự việc lại đến nông nổi này”.


Thế là từ đó tôi không còn gặp T. nữa. Vì gia đình T. chỉ có 2 chị em nên vào Bình Dương làm được vài năm thì T. và chị gái đưa luôn mẹ vào trong đó sống.

Cũng từng bị mọi người trêu đùa và thậm chí miệt thị, xa lánh nhưng L.N.H, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đã vượt qua tất cả để có được như ngày hôm nay. H. được mọi người gọi là cô bé nấm lùn vì H. chỉ cao 1,25 m. Từ nhỏ đến lớn, H. đã sống trong sự tủi thân khi nghĩ đến thân hình không bình thường như bao nhiêu người khác, lại bị nhiều người chọc ghẹo, thế nhưng với H.: “Thời còn nhỏ em khóc suốt, nhưng bây giờ thì em quên rồi. Ở nhà ba mẹ cũng nghèo khổ nên em phải bỏ ngoài tai tất cả mọi điều để mà cố gắng học hành”.

H. cũng tâm tư: “Nhiều khi các bạn chỉ nghĩ là đùa cho vui, nhưng đùa thôi chứ đừng đùa quá. Những người như em, khi mang trong mình một khiếm khuyết nào đó thì rất tự ti và đã rất buồn rồi, chỉ cần các bạn đùa quá trớn là rất dễ làm tụi mình tổn thương. Nên em mong mỗi bạn trẻ, khi nhận xét hay đùa giỡn về một ai đó thì hãy đặt mình vào vị trí của đối phương để hiểu được cảm giác lúc đó là như thế nào”.

Dễ rơi vào bế tắc

Chị Nguyễn Thị Hồng Nga, 30 tuổi, từng là sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, hiện là giáo viên dạy Yoga tại đường Trường Sa, Q.3, TP.HCM, cho biết cơ duyên chị đến với Yoga cũng vì bản thân đã từng bị bạn bè trêu ghẹo là mập như heo.

Nhớ lại những ngày còn đi học, nhất là quãng thời gian học cấp 3, chị Nga còn chẳng mặc được áo dài vì cứ vài tuần lại bức nút do cân nặng cứ tăng liên tục. Đỉnh điểm của chị Nga là gần 90 kg, lúc đó chị học lớp 12.

“Bạn bè thì không xa lánh nhưng cứ chọc mình là mập như heo. Hay 'nói như heo sợ xúc phạm con heo', 'đi xe chắc người ta bắt mi phải mua hai vé nhỉ, vì chiếm hết chỗ dành cho 2 người ngồi',… đại loại như thế đó. Nhưng biết là tụi nó chỉ đùa vui thôi, nhưng mình thấy tủi thân lắm. Mình đâu có muốn sinh ra mà mập quá cỡ như thế này. Nhìn thấy mấy đứa con gái dáng đẹp, thích mặc đồ gì cũng được, còn mình chỉ toàn phải đi may, chứ đồ mua đâu có mặc vừa. Buồn lắm, đau khổ lắm mà chẳng có ai hiểu...”, chị Nga tâm sự.


Chị Nga chia sẻ thêm: “Mình nhớ năm đó học năm 2 đại học, có tương tư một anh khóa trên. Về kể cho con bạn thân nghe, thế mà nó phản ứng lại là 'thôi tỉnh lại giúp ta với. Hôm nay mày đứng lên cân chưa', thật sự câu nói khiến mình tổn thương nhất từ trước đến giờ, mà đó lại là đứa bạn thân nhất của mình. Thế là từ đó mình quyết tâm giảm cân và đến hôm nay mình dạy yoga là cũng vì thế đó”.

Chị Nga cũng cho biết có nhiều lúc chị rơi vào bế tắc và thấy cuộc đời quá bất công với mình. “Có giai đoạn mình giảm cân nhưng chẳng giảm được cân nào, mà ngược lại cân nặng cứ tăng. Ra đường thì bạn bè cứ lấy thân hình của mình ra trêu đùa. Đêm về cứ ôm gối khóc một mình, tủi lắm. Lúc đó mình thấy bế tắc, vì thấy thân thể mình bây giờ to gấp đôi thậm chí gấp 3 nhiều đứa con gái khác, thì làm sao dám mơ đến ngày có thể bằng tụi nó”, chị Nga bộc bạch.

Nhìn nhận xung quanh về vấn đề này, chuyên gia tham vấn tâm lý Chế Dạ Thảo (giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho rằng đầu tiên khi đưa ra lời nhận xét về một đối tượng khác, điều đó đồng nghĩa với việc bạn thể hiện trình độ hiểu biết, tính cách và nhân cách của bản thân mình. Dựa vào cách thức và nội dung bạn đưa ra đánh giá với người khác thì cộng đồng bao gồm người thân quen, người lạ, sếp hay cả người bạn đang yêu quý sẽ có cái nhìn khác về bạn

Thứ hai, chúng ta phải luôn hiểu rằng, thứ chúng ta không thích hay bị khó chịu thì người khác cũng sẽ có thể như thế, và những điều bạn cho là vui đùa không chắc chắn rằng đối phương cảm thấy vui vẻ như bạn. Hãy đặt mình vào vị trí của người khác và hơn nữa luôn nhớ rằng mỗi người có cảm nhận và giới hạn khác nhau về sự đùa vui hay miệt thị.

“Hậu quả trực tiếp là người bị miệt thị mang nhiều cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến tâm trạng. Một số cảm thấy tự ti khi bị phân biệt đối xử hoặc cho rằng lời miệt thị là đúng dẫn đến việc tự ti về cá nhân mình bao gồm cả ngoại hình lẫn năng lực”, chị Thảo nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.