Du học sinh Việt tại Daegu, Hàn Quốc quyết không về: 'Gia đình đừng lo lắng'

Lê Nam
Lê Nam
03/03/2020 09:05 GMT+7

Quay trở lại Hàn Quốc khó khăn, tiền vé máy bay cao, mất công việc làm thêm, về nước làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh… là những lý do khiến nhiều du học sinh Việt Nam tại Daegu, Hàn Quốc quyết định không về!

Phạm Thị Ly, 21 tuổi, quê ở Bắc Giang, sinh viên năm 1 chuyên ngành ngôn ngữ Hàn, Trường ĐH Daegu (Hàn Quốc) gọi điện về cho gia đình từ vài hôm trước để thông báo sẽ ở lại Hàn Quốc thời điểm này chờ dịch Covid-19 đi qua. Mỗi ngày, Hàn Quốc lại phát hiện thêm vài trăm trường hợp nhiễm virus mới, Daegu - nơi Ly sống trở thành ổ dịch nguy hiểm. Trước sự lo lắng của bố mẹ và người thân ở Việt Nam, cô bạn vừa phải cập nhật tình hình cuộc sống mỗi ngày qua zalo, vừa động viên ngược lại bố mẹ.
Nói về lý do ở lại với phóng viên Thanh Niên, Ly chia sẻ: “Bây giờ nếu về mình cũng không biết là trên đường đi ra sân bay, ở sân bay hay trên chuyến bay mình có tiếp xúc phải người nào bị bệnh hay không, lỡ mình không bị bệnh mà qua đó bị nhiễm bệnh rồi về Việt Nam thì chắc chắn là không được. Thứ hai là mình nghĩ nếu không đi làm, không đi học, không đi ra ngoài tiếp xúc chỗ đông người, thì khả năng bị nhiễm bệnh của mình sẽ không cao. Bởi vậy mình chọn phương án ở lại Hàn Quốc để đảm bảo sức khỏe cho bản thân cũng như gia đình ở quê nhà”.

Phạm Thị Ly, 21 tuổi, quê ở Bắc Giang, sinh viên năm 1 chuyên ngành Ngôn ngữ Hàn, thuộc Trường ĐH Daegu (Hàn Quốc)

NVCC

Hiện tại Ly đang được trường cho nghỉ đông, lịch khai giảng cũng được lùi lại. Cô bạn cũng tạm thời nghỉ việc làm thêm và ở nhà tránh dịch.

Giống như Ly, Vũ Phương Nam (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Yeungnam, Hàn Quốc) quyết định ở lại chờ “bão dịch” đi qua.

“Theo lịch thì 16.3 sinh viên bắt buộc phải về trường để làm thủ tục nhập học. Những bạn nào về nước phải bảo lưu đến tháng 6 mới được sang lại. Nếu về rồi đến tháng 6 qua thì phải làm lại hết hồ sơ, rồi xin cấp visa mới sang học được. Đến lúc đó sẽ hơi khó làm vì đông người cùng sang”, Phương Nam nói.

Phương Nam, 20 tuổi, hiện đang học 1 năm tiếng Hàn để chuẩn bị thi chuyên ngành tại Trường ĐH Yeungnam. Với cậu, việc học là quan trọng nhất. Vì vậy, Nam quyết định ở lại để chờ tới kỳ học mới

NVCC

“Hiện có nhiều du học sinh Việt đã về nước, nếu ở lại có thể đi sơ tán ở vùng khác kiếm việc làm thêm. Nếu chăm chỉ, đây cũng là cơ hội để vừa nghỉ ngơi, vừa kiếm được một khoản thu nhập vì nhiều nơi cũng thiếu người làm”, Nam nói.

Nam cũng cho biết tại Daegu, hiện tại người dân vẫn sinh hoạt bình thường. Sinh viên được nhà trường phát khẩu trang và nước rửa tay miễn phí. Trừ khi có việc gấp, còn lại cậu bạn dành nhiều thời gian ở nhà để chủ động tránh dịch.

Muôn vàn lý do để ở lại

Jand Hongan, tên thật là Trương Công Hồng Ân - một du học sinh Việt đang học tập ở Busan, Hàn Quốc. Hiện Hồng Ân đang sở hữu kênh YouTube với hơn 250.000 lượt đăng ký. Trong Vlog mới nhất, Hồng Ân cũng chia sẻ lý do vì sao bản thân quyết định ở lại mà không về dịp này:
“Nếu tụi mình đi tàu điện ngầm, đi xe buýt ra sân bay thì tỷ lệ mắc dịch bệnh cao hơn so với việc mình ở nhà, tự cách ly. Đặc biệt là khi về Việt Nam tụi mình phải cách ly tối thiểu 14 ngày. Tụi mình cũng không thể biết trong những người đang cách ly có người nào nhiễm bệnh hay không. Hoặc có thể tụi mình vô tình bị nhiễm rồi về sẽ lây cho người thân của mình…”, Ân lý giải.

Trương Công Hồng Ân - một du học sinh Việt đang học tập ở Busan, Hàn Quốc có những chia sẻ chân thành trên kênh YouTube hơn 250.000 người đăng ký

NVCC

“Như trường mình chỉ được nghỉ có 2 tuần thôi và Hàn Quốc vừa cho sinh viên nghỉ thêm 2 tuần nữa. Nếu mình về Việt Nam thì mất 14 ngày cách ly, mình quay trở lại Hàn Quốc lại phải tự cách ly 14 ngày nữa. Vậy là mình sẽ mất không 1 tháng chỉ để cách ly...”, Vũ Thùy Linh, một du học sinh Việt tại Hàn Quốc nói

Vé máy bay quá đắt cũng là một lý do để nhiều du học sinh không về nước

NVCC

“Mình đi làm bên này không kiếm được nhiều tiền lắm nhưng đến khi dịch bùng phát thì mình quyết định hơi muộn. Mình xem vé máy bay thì giá hơi đắt, mình khó có thể mua được”, Vũ Thùy Linh tâm sự. 

"Sợ thì cuộc sống vẫn tiếp diễn thôi”

Dương Hà Linh, một du học sinh Việt tại Hàn Quốc, nói: “Có nhiều người nói rằng giữa tiền và tính mạng cái nào quan trọng hơn? Đối với bản thân em, em suy nghĩ rằng là tính mạng cũng quan trọng và tiền cũng quan trọng không kém. Vì nếu không có tiền thì em không thể nào mà trang trải cuộc sống bên Hàn Quốc này. Em biết việc đi làm thêm trong thời điểm này rất nguy hiểm nhưng em phải cố gắng sống cùng dịch”.

"Mình không thể ngồi đó mà sợ chết được", nữ du học sinh Kej trải lòng

NVCC

“Mình nghĩ quan trọng nhất đó chính là phải biết tự bảo vệ bản thân trong dịp này. Cứ mỗi ngày ngủ dậy thấy khoảng 500-600 người lây nhiễm dịch bệnh, mình cũng hơi lo sợ. Mình còn rất nhiều thứ muốn làm, muốn đi du lịch nè, muốn có người yêu..., nhưng sợ thì cuộc sống vẫn tiếp diễn thôi”, nữ du học sinh Kej trải lòng.
Với Phương Ly, Vũ Nam, Hồng Ân… những du học sinh Việt đang ở giữa tâm bão của dịch Covid-19 tại Hàn Quốc, việc gia đình yên lòng chính là động lực lớn nhất để các bạn trẻ vững tin vượt qua giai đoạn này: “Bố mẹ, bạn bè Việt Nam ơi, đừng lo lắng cho con quá nhiều”… “Bây giờ con đang rất ổn, con đã quyết định ở lại thì con sẽ cố gắng bảo vệ bản thân mình bằng những biện pháp kỹ càng. Mọi người hãy cứ yên tâm đi nhé”, cậu bạn Đặng Hồng Ân gửi gắm đến người thân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.