Đột phá xây dựng nhà ở cho sinh viên, công nhân

15/03/2009 01:15 GMT+7

Một loạt cơ chế, chính sách thông thoáng nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, công nhân lao động và cho người có thu nhập thấp đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tháo gỡ tại buổi làm việc với TP.HCM vào chiều 14.3. Cùng dự có Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Nghe đọc bài

Đầu tư 5.250 tỉ để xây ký túc xá, nhà cho công nhân, nhà ở xã hội

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân chính thức công bố kế hoạch xây dựng ký túc xá cho sinh viên, công nhân lao động, nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp trên địa bàn TP.

Cụ thể, toàn TP hiện có 70 trường đại học và cao đẳng (kể cả dân lập), với tổng số 328.475 sinh viên; trong đó có khoảng 70% (230.000 sinh viên) từ các tỉnh đến thành phố học tập có nhu cầu nhà ở. Trong khi đó, TP chỉ đáp ứng được 17% nhu cầu ở (ký túc xá) cho các sinh viên, số còn lại tập trung ở các khu nhà trọ do người dân tự xây dựng.

Riêng khu quy hoạch Đại học Quốc gia TP.HCM đã đầu tư xây dựng 15 khối 5 tầng khu A, đáp ứng khoảng 8.500 chỗ ở cho sinh viên và khu ký túc xá xã hội hóa (nhà cấp 4) cho hơn 1.000 chỗ ở cho sinh viên. Theo ông Quân, TP phấn đấu từ nay đến 2015, xây dựng khoảng 60.000 chỗ ở cho sinh viên các trường

đại học thuộc khu vực phía đông bắc TP (bao gồm các trường thuộc Đại học Quốc gia, như: Bách khoa, Khoa học tự nhiên, Xã hội và nhân văn, Kiến trúc, Công nghệ thông tin, Quốc tế... Tổng vốn đầu tư cho chương trình này lên đến 2.130 tỉ đồng.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã đề nghị TP.HCM tiến hành rà soát, mạnh tay thu hồi những mặt bằng do các cơ quan, tổ chức Trung ương đóng trên địa bàn thành phố đang sử dụng không đúng mục đích, cho thuê lại, gây lãng phí, để quy hoạch xây dựng ký túc xá sinh viên, nhà lưu trú công nhân và nhà ở xã hội.

“Vì thực tế tình hình sử dụng đất của nhiều cơ quan, đơn vị là rất lãng phí, gây bức xúc trong xã hội. Để xử lý không hề đơn giản, phải có quyết tâm rất cao mới giải quyết được vấn đề này”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói.

Về nhu cầu nhà lưu trú cho công nhân lao động, lãnh đạo TP cho biết hiện có khoảng 334.860 công nhân có nhu cầu thuê nhà, chiếm 37,5% tổng số công nhân (khoảng 892.960 công nhân đang làm việc tại 37.165 doanh nghiệp) trên địa bàn TP. Từ nay đến 2010, TP triển khai 9 dự án nhà lưu trú cho công nhân nhằm đáp ứng khoảng 21.900 chỗ ở cho công nhân. 

Tổng mức đầu tư trong giai đoạn 2009-2010 khoảng 1.827 tỉ đồng. Để thực hiện chương trình này, ông Quân nói TP sẽ mời gọi các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh nhà ở, bất động sản hoặc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp có sử dụng nhiều lao động tự huy động các nguồn vốn thực hiện.

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng cho các chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được điều chỉnh mật độ xây dựng; miễn thuế sử dụng đất 3 năm đầu từ khi triển khai dự án; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm... Đối với các doanh nghiệp tự xây dựng nhà ở cho công nhân, UBND TP kiến nghị không thu tiền thuê hoặc có thu tiền thuê nhưng giá thấp hơn hoặc nằm trong khung giá quy định của thành phố được tính chi phí nhà ở cho công nhân vào chi phí khấu hao tài sản cố định khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; trường hợp doanh nghiệp thuê nhà cho công nhân ở (không thu tiền) thì được tính chi phí thuê nhà ở vào chi phí sản xuất.

Đối với các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thuê thì đề nghị cho miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất, miễn thuế kinh doanh cho thuê nhà trong 3 năm...

Đối với nhà ở xã hội, từ nay đến 2010, TP sẽ hoàn thành 8 dự án (2.821 căn), với tổng mức đầu tư khoảng 1.250 tỉ đồng. Để phát triển nhà ở xã hội, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạo quỹ đất sạch bằng cách chuyển mục đích sử dụng đất tại các khu vực kho bãi, nhà xưởng gây ô nhiễm do các cơ quan Trung ương quản lý trong khu vực nội thành và không còn phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị để tạo quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội; đổi quỹ đất công để lấy quỹ nhà ở căn hộ làm nhà ở xã hội và sử dụng quỹ đất dôi dư đã qua xử lý, sắp xếp nhà đất, nhà sở hữu Nhà nước để bán đấu giá tạo nguồn vốn...

Mua nhà giá thấp không được bán lại

Nhằm có nguồn nhà cung ứng cho các đối tượng có thu nhập thấp (TP hiện có khoảng 30.000 gia đình đang gặp khó khăn về nhà ở), UBND TP kiến nghị Thủ tướng cho phép từ nay đến 2010 thực hiện thí điểm 6 dự án nhà ở giá thấp kèm một số cơ chế, chính sách, từ đó rút ra kinh nghiệm để triển khai rộng rãi.

Các dự án nhà ở giá thấp này tập trung ở Q.12, H.Bình Chánh và Nhà Bè, quy mô 18.775 căn hộ, tổng mức đầu tư 10.949 tỉ đồng. Nhà ở giá thấp là loại nhà căn hộ chung cư, có diện tích vừa và nhỏ phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng thu nhập thấp (có diện tích nhỏ hơn 70m2/căn hộ) do các thành phần kinh tế tham gia đầu tư thông qua hình thức xã hội hóa.

Theo Chủ tịch Lê Hoàng Quân, TP sẽ xây dựng quy chế quản lý nhà ở giá thấp, theo hướng người mua nhà phải làm đơn, có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi làm việc và UBND cấp phường nơi cư trú về đối tượng và điều kiện nhà ở hiện có. Người mua nhà được cấp giấy chứng nhận ghi rõ chủ sở hữu không được giao dịch, bán lại cho người khác trong thời gian 10 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận.

 

Nhà ở là nhu cầu bức thiết hiện nay của công nhân lao động. Ảnh: Khu nhà ở công nhân của Công ty giày da Huê Phong (Q.Gò Vấp) - Ảnh: Minh Nam

Người gặp khó khăn về nhà ở chỉ được hỗ trợ 1 lần về nhà ở thông qua phương thức được thuê, thuê mua nhà ở xã hội hoặc mua nhà ở giá thấp. TP sẽ nghiêm cấm trường hợp người được mua nhà ở giá thấp chuyển nhượng hợp đồng cho người khác. Nếu bị phát hiện sẽ hủy hợp đồng mua bán, thu hồi toàn bộ các khoản tiền chênh lệch khi thực hiện chuyển nhượng.

Trường hợp chủ đầu tư thực hiện việc bán nhà ở giá thấp không đúng quy định, TP sẽ thu hồi văn bản cho phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư để giao cho chủ đầu tư khác tiếp tục thực hiện dự án và buộc chủ đầu tư dự án đó phải hoàn trả các khoản chi phí đã được ưu đãi...

Chọn TP.HCM làm thí điểm xây nhà ở

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận những kiến nghị về cơ chế, chính sách giải quyết nhà ở cho sinh viên, công nhân lao động và người có thu nhập thấp của lãnh đạo TP.HCM; đồng thời khẳng định quan điểm của Chính phủ là nhà ở cho sinh viên sẽ do Nhà nước lo, còn nhà ở cho công nhân lao động, nhà ở xã hội Nhà nước sẽ tạo cơ chế, chính sách ưu đãi tối đa nhằm huy động các nguồn lực xã hội thực hiện.

Trước những bức xúc và nhu cầu chính đáng về nhà ở hiện nay của nhân dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau khi nhìn nhận chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác này, đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo TP.HCM nhanh chóng tạo sự đột phá, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án về nhà ở cho sinh viên, công nhân lao động và người có thu nhập thấp.

“Khi nào chúng ta chưa tạo được chỗ ở cho sinh viên, công nhân lao động và người có thu nhập thấp thì ngày đó chúng ta vẫn còn trách nhiệm rất lớn với nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói. Để tạo đột phá trong chương trình trọng điểm này, Thủ tướng giao TP.HCM từ nay đến 2010 thí điểm đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, công nhân lao động, người có thu nhập thấp, sau đó nhân rộng ra các địa phương khác. Trước mắt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư ưu tiên bố trí nguồn vốn 4.000 tỉ đồng huy động từ trái phiếu Chính phủ tập trung đầu tư xây dựng 12.000 căn hộ để tạo 100.000 chỗ ở cho sinh viên; đồng thời chấp thuận cho TP áp dụng hình thức chỉ định thầu các dự án xây dựng nhà ở cho sinh viên. 

 Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.