Đối xử nhân văn hơn với người khuyết tật!: Khó khăn khi đón xe buýt

12/04/2017 14:22 GMT+7

Hiện nay, đa số nhà chờ và trạm xe buýt chưa có lối đi dành cho người khuyết tật, hoặc đã có nhưng không đúng chuẩn.

4 lần đón, không xe nào dừng !
Nằm tại trung tâm TP.HCM và có quy mô nhưng Bến xe buýt công viên 23.9 lại đang thiếu những hạng mục tiếp cận dành cho người khuyết tật. Trong đó, khu nhà chờ với bậc thềm khá cao là một thách thức lớn cho những người vốn di chuyển khó khăn. Chiều 6.4, tại khu vực này, chúng tôi chứng kiến một thanh niên chống nạng chật vật trèo bậc thềm để xuống đường, rồi từ đó mới leo lên xe buýt.

tin liên quan

Đối xử nhân văn hơn với người khuyết tật!
Đã có nhiều văn bản pháp luật cũng như những chương trình của cộng đồng thể hiện sự quan tâm đến người khuyết tật. Tuy nhiên, việc thực hiện ở nhiều nơi còn mang tính cho có, thậm chí cách đối xử thiếu nhân văn đã khiến “người trong cuộc” bị tổn thương.

Làm công nhân lắp ráp két sắt ở Q.9, anh Phương Văn (liệt hai chân, ở trọ tại Q.Thủ Đức) bức xúc phản ánh: “Hầu hết các nhà chờ xe buýt không có chỗ cho xe lăn di chuyển. Do đó, chúng tôi phải đứng dưới lòng đường để đón xe, rất nguy hiểm. Mới đây, tôi đón đến 4 chuyến nhưng không có xe buýt nào chịu dừng lại. Bí quá, tôi đành nhờ một số người dân ra vẫy giùm. Tài xế tưởng những người đó đi, ai ngờ lại là tôi, nên họ cho lên một cách miễn cưỡng”.
Với những người khiếm thị, việc đón xe buýt càng không hề dễ dàng. Trần Phú (sinh viên Khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho hay bên cạnh những bác tài, tiếp viên vui vẻ thì cũng còn một số người khó chịu, thường quên nhắc các điểm xe dừng. “Khi lên xe, em nói địa điểm nơi mình sẽ xuống thì họ im lặng. Nếu như các anh chị ấy phản hồi “nghe rồi” thì em yên tâm, đằng này em không biết họ đã nghe chưa. Em muốn nhắc lại nhưng sợ bị la…”, Trần Phú kể và cho biết nhiều lần bị bỏ xuống không đúng nơi, Phú phải đi ngược lại rất vất vả. Đặc biệt là với những trạm nằm trên đường một chiều, có khi Phú phải bắt thêm một số chuyến xe khác mới quay trở lại được.
Cần đối thoại với người khuyết tật
Đại diện Trung tâm khuyết tật và phát triển VN gửi bản kiến nghị đến các đơn vị liên quan, đề xuất những cải tiến như: trang bị hệ thống thang nâng tự động hoặc sàn thấp có đường dốc phù hợp, đầu tư xe buýt có cửa rộng, lắp đặt ghế ngồi tự động tại khu vực ưu tiên, tổ chức buổi đối thoại hoặc hội thảo lấy ý kiến người khuyết tật trước khi cải tiến... Mặt khác, trung tâm này cũng đã nhiều lần nhấn mạnh thái độ thân thiện, cách hỗ trợ nhiệt tình và an toàn của tài xế, tiếp viên xe buýt là một yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo cho người dân, đặc biệt là người khuyết tật, sử dụng xe buýt an toàn, thân thiện và văn minh.
Một sinh viên khiếm thị khác tâm tư: “Có một số tuyến xe chỉ có bác tài vừa lái xe vừa bán vé. Thay vì vào chỗ ngồi chờ nhân viên soát vé đến thì tụi em phải lên tận chỗ bác tài, trong khi một tay em cầm gậy, còn tay kia phải vịn. Đó là chưa kể các bác tài ấy thường cáu gắt vì áp lực công việc”.
Khổ với... xe buýt cải tiến
Hai năm nay, bà Lê Thị Tâm (quê Thanh Hóa) bỏ quê vào TP.HCM làm nghề rửa chén thuê trong những tiệm ăn ở làng ĐH Thủ Đức. Đó là vì bà muốn kề cận chăm sóc con gái của bà - Lê Thị Liên, liệt hai chân và yếu hai tay, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Bà kể mỗi khi Liên đi xe buýt, bà bế Liên lên rồi quay xuống đẩy xe lăn. Đôi khi những người xung quanh hoặc tiếp viên xe buýt mang giúp xe lăn lên. Bà tâm sự: “Tôi 47 kg, sức khỏe không tốt, nhiều lúc bế con loạng choạng suýt té. Chỉ mong sao xe có thiết bị hạ xuống cho xe lăn lên”.
Hiện đã có một số xe buýt cải tiến với mục đích giúp người khuyết tật dễ tiếp cận hơn. Tuy nhiên, do không lấy ý kiến khảo sát thực tế nên khi đưa vào sử dụng, xe cải tiến dành cho người khuyết tật nhưng bị chính người khuyết tật không hài lòng do công năng sử dụng kém hiệu quả.

tin liên quan

Giúp người khuyết tật hòa nhập
Từ nay đến ngày 31.12, những người khuyết tật vận động có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều tỉnh, thành sẽ có cơ hội được hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình, giúp việc đi lại và hòa nhập tốt hơn.

Cụ thể, ngày 19.3 vừa qua, các thành viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực khuyết tật bao gồm người sử dụng xe lăn, chống nạng, khiếm thị thuộc Trung tâm khuyết tật và phát triển VN (DRD) đã có chuyến đi thực địa bằng phương tiện xe buýt số 71 vừa được cải tiến. Xe buýt có khu vực ưu tiên cho người khuyết tật, trang bị đường dốc hỗ trợ người sử dụng xe lăn và hệ thống âm thanh báo trạm dừng hỗ trợ người khiếm thị. Thế nhưng, họ cũng nhận thấy vẫn còn nhiều điểm cần góp ý cho các đơn vị liên quan tiếp tục cải tiến để đáp ứng nhu cầu thực tế, đồng thời tránh sự lãng phí lớn.
Theo những người khuyết tật, đường dốc hỗ trợ người sử dụng xe lăn (lắp đặt ở cửa lên xuống xe) được tài xế điều khiển bằng tay khá vất vả mỗi khi đưa nó ra khỏi gầm xe và hạ xuống nơi xe dừng trạm. Trong khi đó, khoảng cách từ mặt đường đến vỉa hè còn khá cao, nên việc lên xuống xe buýt rất bất tiện, có thể gây nguy hiểm cho người khuyết tật và cả người hỗ trợ. Bên cạnh đó, khu vực có ghế ưu tiên cho người khuyết tật không được sử dụng hiệu quả vì không đủ chỗ cho xe lăn. Cửa lên xuống hẹp và bậc cấp khá cao gây khó khăn và rủi ro với người đi nạng, nẹp và gậy…
Có mặt trên chuyến thực địa trên, chị Dương Đình Thảo Phương (ngụ Q.11, TP.HCM) nhìn nhận: “Tôi đi chuyến xe 71 thấy ú tim luôn. Cải tiến kiểu gì mà người khuyết tật không tự lăn xe lên được phải nhờ đến 2 - 3 người trợ giúp bởi đường dốc rất cao. Nực cười là sau cùng thấy vất vả quá, mọi người bế người khuyết tật lên xe, coi như việc cải tiến chẳng giúp ích được gì…”.

tin liên quan

Con trai thợ sửa xe máy chế tay robot giúp người khuyết tật
Đó là cậu học trò Phạm Huy (học lớp 11A3, trường THPT TX.Quảng Trị, Quảng Trị). Bằng tài năng, cần cù cùng sự hỗ trợ của các thầy cô giáo, giấc mơ giúp người khuyết tật dùng tay robot của Huy đang thành hiện thực…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.