Đổi mới theo kỳ thi

27/05/2015 07:22 GMT+7

Làm thế nào để hỗ trợ hiệu quả nhất cho thí sinh và phụ huynh trong mùa thi 2015 với nhiều đổi mới? Ngoài sự nhiệt tình, tình nguyện viên cần có thêm những kỹ năng nào khác?

Làm thế nào để hỗ trợ hiệu quả nhất cho thí sinh và phụ huynh trong mùa thi 2015 với nhiều đổi mới? Ngoài sự nhiệt tình, tình nguyện viên cần có thêm những kỹ năng nào khác?

Tình nguyện viên chương trình Tiếp sức mùa thi năm nay cũng phải đổi mới theo kỳ thi - Ảnh: Thanh LịchTình nguyện viên chương trình Tiếp sức mùa thi năm nay cũng phải đổi mới theo kỳ thi
- Ảnh: Thanh Lịch
Chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu tham dự hội nghị tập huấn, triển khai chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2015 khu vực phía nam, do T.Ư Hội Sinh viên VN, Bộ GD-ĐT, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức tại TP.HCM vào ngày 26.5.
Tốc độ giới thiệu nhà trọ phải nhanh
Anh Quách Hải Đạt, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM, Trưởng ban tổ chức chương trình Tiếp sức mùa thi tại TP.HCM, khẳng định: “Do đặc thù tình hình tuyển sinh năm nay khác biệt so với các năm trước, nên chương trình cũng sẽ thay đổi phương thức sao cho phù hợp”.
Anh Đạt cho biết hằng năm chương trình nhằm hỗ trợ thí sinh kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Các kỳ thi này chia thành 3 đợt, trong khoảng thời gian từ ngày 3 - 17.7. Trong khi đó, năm nay chương trình sẽ hỗ trợ thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh chỉ tham dự 1 đợt kéo dài từ ngày 1 - 4.7. Song song đó, nguồn thí sinh về các địa điểm thi cũng có sự thay đổi, do sẽ phải thi theo cụm do Bộ GD-ĐT quy định (toàn quốc có 38 cụm thi ở 23 tỉnh, thành phố)…
Từ bối cảnh trên, theo anh Đạt, chương trình năm nay có những thuận lợi trong việc xác định đối tượng và nhu cầu hỗ trợ cụ thể và chính xác hơn, có sự phối hợp với các tỉnh thuộc cụm thi. Tuy nhiên, dự báo năm nay đa phần các thí sinh sẽ đi theo dạng tập trung, nên sẽ có khó khăn trong công tác đáp ứng chỗ ăn, ở cho thí sinh, phụ huynh, giới thiệu nhà trọ… cũng gặp những thử thách.
“Với số lượng thí sinh và phụ huynh tập trung đồng loạt trước kỳ thi khoảng 3 - 4 ngày đòi hỏi khả năng giải quyết, tốc độ giới thiệu nhà trọ cho thí sinh và phụ huynh phải rất nhanh chóng”, anh Đạt lưu ý.
Linh hoạt xử lý tình huống
Theo anh Đoàn Chí Nghĩa, Phó bí thư thường trực Thành đoàn Cần Thơ, năm nay có khoảng 500 tình nguyện viên tham gia. Lực lượng này sẽ tư vấn, hỗ trợ cho khoảng 60% trên tổng số gần 24.000 thí sinh đến TP.Cần Thơ.
Anh Nghĩa nói: “Trước hết tình nguyện viên phải được cập nhật đầy đủ thông tin về chương trình cũng như những điểm mới của kỳ thi. Từ đó, các bạn mới có thể tư vấn và chia sẻ một cách chính xác đến thí sinh và phụ huynh. Sự nhiệt tình và kỹ năng làm việc nhóm cũng rất cần thiết”.
Anh Trương Trần Phương, Thường vụ Đoàn Trường ĐH Tiền Giang, đơn vị chủ trì cụm thi số 36, thông tin: Tính đến thời điểm này, Đoàn trường đã có danh sách 500 tình nguyện viên. Hiện tại, lực lượng tình nguyện viên đã khảo sát được 4.000 chỗ trọ (trong đó có khoảng 1.000 chỗ trọ miễn phí) và hàng trăm điểm ăn uống giá rẻ để phục vụ thí sinh. Từ nay đến ngày 10.6, tất cả những thông tin liên quan đến hỗ trợ, tiếp sức thí sinh sẽ đưa lên trang web của trường để thí sinh và phụ huynh tiện theo dõi. Đoàn trường cũng có kế hoạch tập huấn cho các sinh viên tình nguyện về nghiệp vụ, cách thức tư vấn cho thí sinh và phụ huynh.
Theo anh Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp, đơn vị chủ trì cụm thi số 34, hiện nay đã có hơn 300 tình nguyện viên tham gia vào đội tư vấn, khảo sát nhà trọ, xe ôm tình nguyện.
Dự kiến năm nay TP.HCM sẽ có 5.000 - 7.000 sinh viên tình nguyện cấp thành tham gia hỗ trợ cho khoảng 140.000 thí sinh. Trong đó có 8 đội hình: đón và hướng dẫn thí sinh; khảo sát nhà trọ, tư vấn giới thiệu nhà trọ, xe chở thí sinh, tình nguyện trên xe buýt, quản lý nhà trọ, điều phối giao thông và đội hình truyền thông.
Anh Nguyễn Trọng Hoàng, Thường trực chương trình tại TP.HCM, chia sẻ: “Tùy theo từng đội hình, tình nguyện viên có những kỹ năng phù hợp. Nhìn chung, các bạn phải nắm vững những điểm mới của kỳ thi năm nay đồng thời phải có kỹ năng giao tiếp tốt, thông thuộc đường sá, có kỹ năng tư vấn, thuyết phục... Đặc biệt, các bạn phải có kỹ năng xử lý tình huống vì có những trường hợp cần sự giải quyết linh hoạt, để không làm mất thời gian quý báu của thí sinh và phụ huynh”. 
Không nên để cận ngày thi mới có hoạt động
Tuyệt đối không để bất kỳ một thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không có điều kiện đến với trường thi.
Chúng ta vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ thí sinh. Tuy nhiên, trước khi tiếp nhận hỗ trợ, phải có xác minh và kiên quyết không tiếp nhận các chỗ trọ cảm thấy không an toàn. Đặc biệt, không được chủ quan với bất kỳ nội dung hay thông tin nào liên quan đến việc hỗ trợ, tiếp sức thí sinh.
Nếu cụm nào có hoạt động đường dây nóng để hỗ trợ thí sinh thì phải cử tình nguyện viên túc trực 24/24 để hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc của thí sinh và phụ huynh.
Ở các cụm thi, các tỉnh phải tận dụng tối đa lực lượng tình nguyện. Không nên giới hạn trong sinh viên mà cần mở rộng ra những đối tượng thanh niên tình nguyện. Sau đó, có những buổi tập huấn để phân công công việc phù hợp, làm sao phục vụ tốt nhất cho thí sinh.
Lê Quốc Phong
(Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên VN)
Bến Tre triển khai 7 điểm thi cụm tỉnh và 5 điểm thi cụm liên tỉnh
Tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia tại địa phương là 12.152 (trong đó có 2.942 thi cụm tỉnh và 9.210 thi cụm liên tỉnh). Sở đã có kế hoạch phân bố số điểm thi thích ứng với số thí sinh đăng ký. Theo đó, 7 điểm thi cho cụm tỉnh gồm các điểm Trường THPT: Mạc Đĩnh Chi, H.Châu Thành (418); Trương Vĩnh Ký, H.Chợ Lách (375); Chê Ghêvara, H.Mỏ Cày Nam (330); Đoàn Thị Điểm, H.Thạnh Phú (270); Nguyễn Thị Định, H.Giồng Trôm (517); Phan Thanh Giản, H.Ba Tri (649) và THCS TP.Bến Tre (383).
Cụm thi liên tỉnh, 5 điểm thi đặt tại các Trường THPT: Trần Văn Ơn (H.Châu Thành), Nguyễn Đình Chiểu, Chuyên Bến Tre, Võ Trường Toản (TP.Bến Tre) và Trường THCS Mỹ Hóa (TP.Bến Tre).
Khoa Chiến
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.