Đội bóng 4 em 'mồ côi' được mời tham dự World Cup 2018

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
19/06/2018 16:17 GMT+7

Mất cha, mất mẹ, hoàn cảnh gia đình hết sức éo le, các em được đưa vào sống ở Trung tâm bảo trợ trẻ em Xuân Phú, và với nỗ lực bản thân, các em đã được mời tham dự World Cup 2018.

[VIDEO] 4 bạn nhỏ xứ Huế có hoàn cảnh đặc biệt dự khán World Cup 2018

Chiều 19.6, tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Xuân Phú, TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) đã diễn ra lễ xuất quân của Dự án bóng đá cộng đồng tại Việt Nam (FFAV) đưa 4 cầu thủ nhí của Việt Nam lên đường tham dự sự kiện Festival "Bóng đá hy vọng" tại World Cup 2018.

Vì sao các em được mời?

Bà Châu Hồng Tịnh, Phụ trách truyền thông của FFAV, cho biết mặc dù có hoàn cảnh rất đáng thương, nhưng sau khi được đưa vào trung tâm, các em đã được tiếp cận với hoạt động của bóng đá cộng đồng. Chính tình yêu bóng đã đã giúp các em lấy lại được nụ cười trên môi, các em đã vượt qua nghịch cảnh để vươn lên, sống có trách nhiệm và khát khao được cống hiến. Đó chính là lý do mà FFAV đã tuyển chọn 4 em làm đại sứ của Việt Nam có mặt trong ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Hoàng và Dự miệt mài tập luyện để lên đường tham dự sự kiện Bóng đá hy vọng tại Nga Ảnh: Quang Hiếu

Festival "Bóng đá hy vọng" là sự kiện trong khuôn khổ các hoạt động chính thức của World Cup nhằm tôn vinh giá trị thể thao trong việc tạo ra những chuyển biến cộng đồng, được FIFA khởi xướng tổ chức từ World Cup 2006.  

FFAV là dự án bóng đá cộng đồng tại Việt Nam, do Liên đoàn bóng đá Na Uy (NFF) và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) khởi xướng. Dự án này đã được FIFA ghi nhận vì những đóng góp và sáng kiến phát triển bóng đá hướng đến cộng đồng dành cho trẻ em.

Festival "Bóng đá hy vọng", dành cho các em từ độ tuổi 15-18, được FIFA tổ chức, từ ngày 25.6 đến 5.7, tại Nga, với sự tham gia của 48 đoàn trên thế giới, trong đó Việt Nam vinh dự có 4 em nhỏ được FIFA mời tham dự thông qua tuyển chọn của FFAV.

Trước đó, tại World Cup 2014 tổ chức ở Brazil, FFAV cũng đã vinh dự đưa các em nhỏ của Việt Nam đến với đấu trường bóng đá lớn nhất hành tinh này. Tại đây, các em Việt Nam đã có những hoạt động giới thiệu bóng đá cộng đồng cùng văn hóa Việt Nam ra toàn thế giới.

Lần này, đến với Festival "Bóng đá hy vọng" đại diện Việt Nam sẽ tham gia giao lưu bóng đá và "trình diễn" các tiết mục múa Âm sắc Việt Nam dựa trên sự kết hợp của hai ca khúc mang âm hưởng hiện đại và dân gian là Hello Vietnam và bài chầu văn Cảnh đẹp Huế đô

Bóng đá mang lại nụ cười
Từ trái qua phải: Hà Danh Dự, Lê Thị Ngọc Ánh, Đoàn Thị Hường và Trương Đình Hoàng Ảnh Quang Hiếu
Bốn cầu thủ nhí có hoàn cảnh đặc biệt (mồ côi cha hoặc mẹ) gồm: Hà Danh Dự (18 tuổi), Lê Thị Ngọc Ánh (17 tuổi), Đoàn Thị Hường (18 tuổi) và Trương Đình Hoàng (17 tuổi). Bốn em đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ trẻ em Xuân Phú (TP.Huế).

Trong ký ức của Dự chỉ nhớ trước đây gia đình em ở trong một túp lều tạm gần Đại Nội (Huế) nhưng cuộc sống của em từ nhỏ đã phải theo cha đi khắp mọi ngõ ngách của thành phố để xin ăn. “Ở xóm không có ai chơi với em, không có ai thèm chơi với một đứa ăn xin, đi chỗ nào cũng bị chọc, bị đuổi. Mỗi chiều, những bạn cùng tuổi với em cầm trên tay trái banh nhựa ra chỗ vắng đá với nhau, em thích đá banh lắm nhưng không ai cho chơi, em đành ngồi nhìn”. Thế rồi, khi thành phố có chủ trương đưa các đối tượng lang thang vào trung tâm xã hội, em đã theo bố vào trung tâm. Không lâu sau, bố em mất vì bệnh tật còn mẹ thì không được gia đình chấp nhận nên lại lang thang đây đó. Sau khi được gửi vào Trung tâm bảo trợ trẻ em Xuân Phú (TP Huế), cuộc đời Dự đã thay đổi. Em được đá bóng, được học tập. Em vừa thi đỗ vào Trường THPT Nguyễn Huệ và theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ của mình.

Cô bé Lê Thị Ngọc Ánh, khi nhắc đến thời khắc mẹ qua đời vì bị sét đánh, em không cầm được nước mắt. "Thuở nhỏ, ba mẹ em thường đi làm ruộng từ sáng sớm. Mẹ đi bắt cua, bắt ốc theo ba. Đến năm em lên lớp 4 thì mẹ mất. Chị đầu nghỉ học để đi làm trong Sài Gòn. Em cùng 3 đứa em ở nhà, nhưng vì là con lớn, em đi làm ruộng cùng bố, đi bộ rất xa. Thế rồi, vì hoàn cảnh em được vào nuôi dưỡng ở Trung tâm bảo trợ trẻ em Xuân Phú".

Đoàn Thị Hường cùng các em nhỏ tham gia dự án bóng đá cộng đồng tại Huế Ảnh Quang Hiếu

Sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em, ba Hường làm thợ hồ, mẹ làm nông. Cả 6 người sống chật chội trong túp lều bằng vải trên mảnh đất của bà ngoại. Cuộc sống quá khốn khó nên ba Hường quyết định bỏ thợ hồ để sang Lào đi làm ăn. Nhưng vừa sang Lào được một tuần, thì bố em bị tai nạn qua đời. Từ đó 5 mẹ con đã rơi vào bế tắc. Để giúp mẹ, Hường và anh trai phải lên rừng kiếm vỏ tràm bán lại kiếm tiền. Tới mùa gặt, hai anh em cùng mẹ đi ra đồng cắt lúa, nhặt miếng ăn qua ngày... Cũng vì cuộc sống khó khăn, gia đình Hường phải ly tán. Anh trai đầu của Hường phải xin lên chùa nương nhờ cửa Phật còn Hường vào Trung tâm bảo trợ trẻ em Xuân Phú..

Còn Trương Đình Hoàng, cậu bé đã 17 tuổi nhưng trông như mới 12 tuổi. Em kể bố em mắc hội chứng thần kinh từ lúc đi lính về, trong một lần lên cơn không kiểm soát được, bố em đã tự đổ dầu và đốt cháy mình. Em Hoàng tâm sự: “Sau khi bố mất, mẹ em phải bán ngôi nhà để trả nợ, mọi người tối đến lại phải ra gầm cầu, ra chợ để ngủ”. Sau một thời gian, mẹ em quyết định đi xa làm ăn, em Hoàng về ở với bà ngoại. Ít lâu sau, khi hoàn cảnh của em được Trung tâm bảo trợ trẻ em Xuân Phú biết đến, em đã được nhận vào ngôi nhà chung này.

Em Hoàng chia sẻ: "Lúc vào trung tâm, em mới được chơi đá bóng với mấy anh chị. Bóng đá làm cho em quên hết đau buồn để hòa nhập”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.