Đoàn là trường học lớn

Vũ Thơ
Vũ Thơ
23/03/2021 08:44 GMT+7

Chia sẻ với Thanh Niên , ông Lê Quốc Phong, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, đã nêu lên những trăn trở của mình về công tác Đoàn.

Hạnh phúc vì Đoàn đã chọn mình

Thưa ông, là một người có tới hơn 20 năm gắn bó với công tác Đoàn thanh niên, nhìn lại thời gian đó, ông có thể chia sẻ điều gì?
Từ nhỏ, khi còn là đội viên, tôi đã rất thích tham gia các hoạt động của Đội, gắn bó với Nhà thiếu nhi Q.5, TP.HCM, từ lúc là một đội viên bình thường, cho đến làm phụ trách của CLB Văn học. Tôi nhìn về các anh chị phụ trách và các anh chị đi trước mình, trưởng thành, với một sự ngưỡng mộ, và luôn xem đó là mục tiêu phấn đấu của mình…
Lớp 10, tôi đã tham gia Ban Chấp hành Đoàn trường. Nhưng dấu mốc quyết định để tôi gắn bó lâu dài với công tác Đoàn bắt đầu năm 1997, khi học năm nhất Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, tôi được đề cử tham gia Ban Chấp hành Đoàn Khoa Sinh của trường. Suốt thời gian học đại học, tôi tham gia nhiều vị trí khác nhau của công tác Đoàn - Hội Sinh viên.
Đến năm 2000, khi hoàn tất chương trình cử nhân, tôi đã chuẩn bị tâm lý và sẵn sàng cho việc đi tìm một công việc phù hợp chuyên môn được đào tạo. Nhưng khi được đề nghị ở lại làm chuyên trách Đoàn, tôi lại đồng ý và chính thức gắn bó lâu dài với công tác Đoàn và phong trào thanh niên cho đến năm 2020.
Trong chặng đường đó, cũng đã có những lúc tôi xác định mình sẽ chuyển sang mảng công tác khác do mình đã gắn bó lâu dài, nhưng cuối cùng, sự lựa chọn, quyết định vẫn là tiếp tục gắn bó với thanh thiếu nhi, với Đoàn, với Hội. Khi chia tay Đoàn thanh niên nhận nhiệm vụ mới, nhìn lại thời gian gắn bó, tôi thấy may mắn và hạnh phúc bởi Đoàn đã chọn mình, trao cho mình cơ hội để rèn luyện, trải nghiệm, đóng góp công sức và trưởng thành.
Thời kỳ làm Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đã để lại cho ông những kỷ niệm gì?
Kỷ niệm thì rất nhiều. Mỗi hoạt động, mỗi phong trào, mỗi chuyến đi, mỗi cuộc gặp gỡ đều để lại những dấu ấn, kỷ niệm đối với tôi. Nhưng nhớ nhất, để lại nhiều kỷ niệm, cũng là nhiều suy nghĩ nhất đối với tôi là những chuyến đi cơ sở, gặp gỡ trực tiếp các bạn đoàn viên, thanh niên trong và ngoài nước.
Tôi xem những lần được gặp các bạn là cơ hội quý để kiểm nghiệm, đánh giá sức sống của phong trào, lắng nghe những suy nghĩ, kỳ vọng, mong muốn của các bạn đối với Đoàn; và có cả những bài học tôi tự học từ sự nỗ lực, phấn đấu, vượt khó, sáng tạo của các bạn. Khi gặp các bạn thanh niên khuyết tật, chia sẻ một phần, nhưng cái mình nhận lại là cả một ý chí, tinh thần, nghị lực vươn lên từ các bạn. Có những trí thức trẻ, khi gặp gỡ, lắng nghe các bạn, tôi cảm nhận rõ khát khao được cống hiến, được khẳng định, được góp sức để hình ảnh VN vươn xa ra thế giới
Tôi cũng rất nhớ những chuyến gặp gỡ các bạn thanh niên sinh viên VN ngoài nước, nghe những trăn trở, những suy tư, những mong muốn được đóng góp cho đất nước; nghe hành trình vượt khó của các bạn để khẳng định mình với bạn bè quốc tế, để cảm nhận và hiểu rõ hơn mình phải làm gì để hỗ trợ, kết nối, giúp các bạn gắn bó với quê hương, đất nước.
Tôi trưởng thành từ cái nôi của phong trào thanh niên tình nguyện, nên với tôi, mỗi mùa hè tình nguyện luôn có sức hấp dẫn. Sau lễ ra quân toàn quốc, tôi luôn đi xuống một điểm thực hiện công việc cụ thể, để cùng làm, cùng xem các bạn triển khai công việc. Mỗi cuộc gặp gỡ, tiếp xúc là một kỷ niệm, thu hoạch nhiều thông tin, giá trị bổ ích.

Cán bộ Đoàn không thể lùi bước trước khó khăn

Công tác Đoàn đã mang lại cho ông những trải nghiệm như thế nào?
Đối với tôi, Đoàn là trường học lớn, đã cho tôi rất nhiều bài học quý, giúp cho tôi trưởng thành. Điều đầu tiên đó là bản lĩnh. Bản lĩnh của một người cộng sản trẻ, kiên định với lý tưởng, với mục tiêu của Đoàn. Bản lĩnh vững vàng giúp mình làm tốt công tác, làm nền tảng để cùng tập thể, cùng thanh niên xây dựng Đoàn mạnh hơn, xứng đáng với sứ mệnh của một tổ chức cộng sản của thanh niên. Đó còn là bản lĩnh để ứng xử, xử lý nhiều loại công việc, nhiều loại tình huống khác nhau, đảm bảo hài hòa, hợp tình, hợp lý. Tôi trải mình vào phong trào, tiếp cận đa dạng với thực tiễn sinh động của đời sống thanh niên, xã hội để hình thành và rèn luyện bản lĩnh đó.
Thứ hai, đó là yêu cầu về sự sáng tạo, đổi mới trong từng công việc, hoạt động. Tôi xem đó là động lực để làm mới mình, là yêu cầu đầu tiên cần có để đưa phong trào phát triển. Thanh niên chuyển động rất nhanh, đặc tính của thanh niên là ham tìm hiểu, ưa thích cái mới, đặc biệt là trong bối cảnh cách mạng 4.0, công nghệ phát triển như vũ bão, Đoàn đã giúp tôi hình thành cho mình một đòi hỏi tự thân trong tìm kiếm nội dung, phương thức mới trong mọi lĩnh vực, công việc của mình.
Thứ ba, đó là tinh thần học hỏi, cầu thị, luôn nỗ lực, cố gắng, không chịu lùi bước trước khó khăn, thử thách. Đây có lẽ là trải nghiệm của tất cả cán bộ Đoàn. Với tôi, những ngày tham gia công tác Đoàn là những ngày liên tục học hỏi. Có những kỹ năng, kinh nghiệm không đâu dạy mình, nếu không chịu quan sát, học hỏi từ chính các anh chị đi trước, từ chính các bạn cán bộ Đoàn, các bạn thanh niên quanh mình.
Làm cán bộ Đoàn đòi hỏi sức chịu đựng bền bỉ, và việc đối diện với những thử thách mới, những trở ngại trong công việc là thường xuyên. Làm cán bộ Đoàn thì không được lùi bước trước khó khăn, thử thách, phải luôn tìm giải pháp để thực hiện, vì sau lưng mình là tập thể, là tổ chức, là các bạn đoàn viên, thanh thiếu nhi.
Tìm cơ hội trong khó khăn, biến khó khăn, áp lực thành động lực để vươn lên là những điều tôi được Đoàn rèn giũa, trang bị. Và từ môi trường công tác thanh niên, hầu hết khi chúng tôi bước sang môi trường mới đều nhanh chóng bắt nhịp, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Rời công tác Đoàn, ông thấy còn điều gì trăn trở mà mình chưa thực hiện được?
Khi nhận nhiệm vụ Bí thư thứ nhất, tôi có đặt cho mình 4 câu hỏi lớn. Đó là làm thế nào để Đoàn tiếp tục truyền được cảm hứng, khơi dậy những khát vọng cao đẹp và hành động để hiện thực hóa những khát vọng đó trong mỗi thanh niên? Làm thế nào để mỗi thanh niên VN dù ở bất cứ nơi đâu đều tìm được ở Đoàn những gợi ý, những chia sẻ về những vấn đề mình quan tâm? Làm thế nào để Đoàn tiếp tục tập hợp, phát huy cao nhất tiềm năng to lớn của tuổi trẻ VN trong và ngoài nước đóng góp cho sự phát triển đất nước? Và trước những vấn đề của thanh niên và xã hội quan tâm đến thanh niên: đạo đức, lối sống, khởi nghiệp, việc làm, kỹ năng thực hành xã hội, tri thức và kỹ năng để hội nhập quốc tế… Đoàn sẽ có những chương trình, hoạt động gì cụ thể, dẫn dắt, định hướng cho thanh niên? Hôm nay nhìn lại, tôi thấy đó vẫn tiếp tục là những vấn đề cần có lời giải thấu đáo mà chỉ một giai đoạn sẽ không “trả lời” hết được.
90 năm, Đoàn đã có một chặng đường dài khẳng định mình trong lịch sử dân tộc và đất nước. Thanh niên luôn được đánh giá ở vị trí quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Đoàn sẽ phải tiếp tục sứ mệnh tập hợp, rèn luyện, phát huy thanh niên. Công tác thanh niên sẽ tiếp tục đặt ra nhiều thách thức mới, nhiều khó khăn mới, nhưng cũng không thiếu những điều kiện, cơ chế mới thuận lợi, tạo nhiều cảm hứng để Đoàn có những hoạt động, phong trào mới ý nghĩa, thiết thực. Tôi luôn tin vào một lớp cán bộ Đoàn ngày một giỏi hơn, sáng tạo hơn, bản lĩnh hơn, đủ sức giữ vai trò thủ lĩnh thanh niên, đưa phong trào thanh niên và tổ chức Đoàn ngày một phát triển.
Trân trọng cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.