Điều ước Giáng sinh của người bị gọi nhầm là 'bà ngoại' suốt 10 năm

Thúy Hằng
Thúy Hằng
25/12/2020 16:23 GMT+7

Nghe tiếng chuông nhà thờ ngân vang, mới sáng sớm, Đỗ Minh Quân đã giật áo, ra dấu hiệu đòi bà phải cho đi nhà thờ. Giáng sinh năm 10 tuổi với Quân, kỷ niệm dấu mốc quan trọng, em đã có thể tự bước đi.

Lễ Giáng sinh, nhà thờ Chánh Hưng, Q.8, TP.HCM, trang hoàng lộng lẫy với cây thông Noel, hang đá. Bà Đỗ Thị Len (69 tuổi, trú đường Phạm Hùng, Q.8, TP.HCM) với tay lấy bộ quần áo ông già Noel và chiếc nón màu đỏ treo trong tủ, mặc vào cho cháu, rồi chậm chậm dắt cậu bé đi quanh nhà thờ.
“Gọi bà đi con”. “Bà ngoại”, Quân nói ngọng nghịu. “Con đi chơi vui không?”, bà Len vuốt tóc cậu bé. “Vui”, Quân gật gật đầu. Thực ra, bà Len là bà nội của Quân nhưng em thường xuyên bị nhầm lẫn.
Trong tiếng nhạc Giáng sinh, bà Len ngồi tâm sự về hoàn cảnh của đứa cháu nội bé bỏng. Đỗ Minh Quân năm nay đã 10 tuổi nhưng trí não phát triển chậm, cách đây không lâu, em mới biết đi, nhờ sự hỗ trợ của đôi giày nẹp vào 2 cổ chân để bước đi vững chãi hơn. Một bên da mặt của Quân đỏ lựng vì bướu máu, đang điều trị. Quân chỉ nói được một số từ đơn giản, em không thể tự xúc cơm ăn hay mặc đồ và luôn nói nhầm bà nội thành bà ngoại. "Nhưng điều đó chẳng bao giờ làm tôi buồn cả", bà Len nói rồi ôm mặt cháu.

Quân mới biết đi không lâu

Ảnh Thúy Hằng

“Lúc mới sinh, cháu bụ bẫm bình thường. 2 tháng tuổi thì bỗng nhiên cả nhà thấy cháu co giật, vào bệnh viện khám thì biết cháu bị động kinh, chụp não bộ thì thấy não phát triển không bình thường”, bà Len kể.
Bố mẹ đều làm công nhân trong một nhà máy sản xuất mì ăn liền tại khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM, trên Quân còn có một em bé khác, bà Len đã nghỉ hưu nên giúp các con cùng trông coi, chăm sóc, bảo ban cháu nội.
“Quân không đi học được, mẹ cháu có xin cho cháu vào trường cho trẻ khuyết tật nhưng ngày đó không biết đi, họ không nhận. Một bên tay trái của cháu không có cảm giác. Cô đưa bút thử cho cháu đi, cháu không cầm viết được. Tôi chăm cháu, dạy cháu nói, dạy cháu cách phân biệt màu sắc, ôm ấp, vỗ về cháu. Cháu biết bày tỏ tình yêu thương với bà lắm, thi thoảng chạy tới ôm bà”, bà Len xúc động.

Mơ cho cháu khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, còn mình không cần gì cả, đó là điều ước bao Giáng sinh của bà Len

Ảnh Thúy Hằng

Trong tiếng nhạc Giáng sinh rộn ràng, có một người bà kiên nhẫn đi từng bước bên đứa cháu mặc bộ đồ màu đỏ rực. Quân bập bẹ nói “chào cô”, bàn tay nhỏ vẫy tạm biệt. Mắt bà Len sáng bừng. Chúng tôi hỏi em bé con có điều ước gì không, em bé lặng im, cười. Bà của em khẽ ôm đứa cháu “Tôi chỉ ước cháu mau khỏe mạnh, đó là tất cả những gì tôi muốn”.

Giáng sinh - mùa ước tuyệt vời

Ai cũng có những ước mơ, người mong có một ông già Noel để biến chúng thành sự thật thì chắc chắn không chỉ có trẻ em. Mùa Giáng sinh, cả người lớn và trẻ nhỏ đều cầu nguyện những điều tuyệt vời nhất cho người thân, gia đình, bạn bè của mình.
Anh Hoàng Anh, trú ở chung cư Topaz City, đường Cao Lỗ, Q.8, TP.HCM, chia sẻ trong mùa Giáng sinh, vợ chồng anh cùng mang tới những câu chuyện nhẹ nhàng để dạy cho con của mình.

Những em bé nhà anh Hoàng Anh

Ảnh Thúy Hằng

Đó có thể là từ câu chuyện Cô bé bán diêm, nói với các con về tình yêu thương con người với con người, san sẻ điều khó khăn bất hạnh với nhiều hoàn cảnh khác. “Những em bé của chúng tôi rất mong được ông già Noel tặng quà, các con cũng được dạy rằng, chúng ta sẽ nhận được quà khi là những đứa trẻ ngoan, thật thà và luôn cố gắng”, anh Hoàng Anh nói.
Hay với chị Lê Thiên Thanh, 29 tuổi, trú số 1953 Phạm Thế Hiển, Q.8, mẹ của một em bé 2 tuổi, bản thân chị vẫn luôn tin rằng có ông già Noel. Và người được tặng quà, không chỉ là những em bé.

Chị Thiên Thanh và con trai

Ảnh Thúy Hằng

“Không phải là những món quà như hộp bánh, đồ chơi…, chúng tôi có những ước mơ, hy vọng mong nó trở thành hiện thực. Ông già Noel đang ở một nơi nào đó, lắng nghe những ước mơ của chúng tôi. Khi mình không ngừng cố gắng, sống thật tốt và có niềm tin, thì chắc chắc những giấc mơ không còn ở xa nữa”, chị Thiên Thanh chia sẻ trong đêm Giáng sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.