Dịch Covid-19 hoành hành: Làm ông chủ, bà chủ sướng hay khổ?

20/06/2021 16:00 GMT+7

Khi mà dịch Covid-19 bùng phát, ‘giăng khắp lối’, nhiều ông chủ, bà chủ không còn có niềm vui và tự hào. Họ cũng chẳng còn dám nhận bản thân họ là ông chủ, bà chủ.

Ông chủ, bà chủ cũng… nghèo

Tính đến nay là 20 ngày TP.HCM phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15. Theo đó, các dịch vụ không thiết yếu không được hoạt động. Bắt đầu từ hôm nay TP.HCM tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 10. Điều này đã khiến nhiều người đang là chủ quán, đứng đầu các cơ sở kinh doanh... 'nuốt nước mắt' vào trong.

Công nhân một công ty may giày da vừa làm việc vừa lo dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

P.X

Đỗ Hoài Vinh (27 tuổi) chủ tiệm hớt tóc nam trên đường Tân Kỳ Tân Quý, Q.Tân Phú, kể với giọng buồn bã: "Dịch giã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của mọi người. Tôi chỉ kinh doanh cái quán nhỏ thế này mà còn 'ngộp thở’. 20 ngày nay dừng hoạt động, không thu nhập được dù chỉ 1 ngàn đồng. Trong khi phải 'gồng gánh' tiền thuê mặt bằng tốn 3,3 triệu đồng. Rầu quá. Chỉ mong sao dịch mau được khống chế".
Vinh tâm sự thêm: "Ai bảo làm chủ là sướng, chứ bây giờ tôi mới thấy tôi khổ hơn mấy đứa thợ làm cho tôi".
Nhưng trường hợp như Vinh là... đỡ hơn rất nhiều người khác. Bởi có nhiều người đầu tư vốn nhiều để kinh doanh quy mô. Nhưng vì 'thuyền lớn' nên khi gặp 'sóng lớn' với đại dịch Covid-19, họ bị quật tả tơi, chao đảo. Có trường hợp vừa mở quán được thời gian ngắn, tiền thuê mặt bằng lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng nhưng đối diện với cảnh... dẹp tiệm.
"Nhắc tới chuyện kinh doanh là sợ. Hiện 2 quán cà phê nhạc của tôi ngừng hoạt động, chưa biết bao giờ mở cửa kinh doanh lại", Trần Đình Chiến (34 tuổi, chủ của 2 quán cà phê nhạc trên đường Hòa Bình và Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú) nói.
Chiến kể thêm: "Khi mà đợt dịch thứ 3 được kiểm soát. Tôi cùng người bạn thân quyết định dồn tiền mở 2 quán cà phê nhạc. Hoạt động 'êm êm' được hơn nửa tháng thì dịch có vẻ trở lại. Khách dần ít đi. Sau đó thì đợt dịch thứ 4 đến phải đóng các quán lại. Chúng tôi không biết bao giờ mới hoàn vốn. Chỉ biết mỗi tháng tiền thuê mặt bằng 2 địa điểm ấy đã 70 triệu đồng. Tiền đặt cọc 'ngâm' cũng gần 1 tỉ đồng. Trong khi số vốn bỏ ra thì rất nhiều", Chiến kể rồi thở dài: "Ai nói làm chủ là giàu có hay sung sướng? Khổ vô cùng khổ".
Cũng chẳng riêng Chiến hay Vinh, mà hầu hết (nếu không muốn nói là tất cả) ông chủ, bà chủ ở nhiều ngành nghề đều khẳng định 'chắc cú' rằng trong thời điểm dịch Covid-19 bủa vây, thì làm chủ rất... khổ.
Chị Trần Thị Bích Liên (40 tuổi), Giám đốc một công ty may giày da ở P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, cho biết dịch Covid-19 đã khiến chị "thật sự mệt mỏi và bế tắc". "Nhiều đối tác tiềm năng, đối tác thường xuyên của công ty yêu cầu ngừng nhập hàng nên tình trạng kinh doanh ảm đạm, điêu đứng. Thấy thương hàng trăm công nhân có thể rơi vào tình cảnh thất nghiệp, nên tôi tìm cách vay ngân hàng để duy trì hoạt động, trả lương công nhân, tiền thuế...", bà chủ này kể và kết luận: "Khổ như... làm chủ là có thật".

Miễn dịch cộng đồng là gì và vắc xin quan trọng ra sao trong đại dịch Covid-19?

Lo bị loại bỏ, xóa sổ khỏi thương trường

Có thể thấy, dù mỗi người kinh doanh ở mỗi lĩnh vực khác nhau, và dù kinh doanh nhỏ lẻ hay quy mô thì gần hai năm qua, buồn bã và ủ rũ chính là tâm trạng chung của giới ông chủ, bà chủ. Nhất là thời gian gần đây, khi dịch Covid-19 ngày càng diễn biến khó lường và lan rộng hơn, thành phố phải giãn cách xã hội theo những biện pháp 'căng cơ' hơn... thì họ gặp nhiều khó khăn hơn, mức độ bị ảnh hưởng trầm trọng hơn. Các công ty, xí nghiệp buộc phải đình trệ những dây chuyền sản xuất, còn những người chủ hàng quán kinh doanh phải hoãn công việc buôn bán hàng ngày. Trong khi, những người làm chủ phải lo toan nhiều chi phí: tiền thuê mặt bằng, tiền lương nhân viên và nhiều khoản khác...
Trương Thị Thế (28 tuổi), chủ tiệm Spa trên đường Bình Long, Q.Bình Tân, TP.HCM, cho biết đã lần lượt đem xe máy và một số vật dụng có giá trị đi... cầm để gom đủ tiền trả chi phí thuê mặt bằng, tiền hỗ trợ nhân viên suốt một tháng qua. Giờ đây, khi nhắc đến chuyện kinh doanh, bà chủ này chỉ biết... "thở dài thườn thượt" và rơi vào tình cảnh khủng hoảng, chông chênh.
Anh Nguyễn Trọng Đại (43 tuổi), là chủ của cơ sở nước uống đóng chai trên đường Dương Đình Cúc, H.Bình Chánh) từng vui mừng khi là đơn vị cung cấp nước uống cho khá nhiều công ty, xí nghiệp, quán ăn ở cả TP.HCM, Tây Ninh, Tiền Giang, Long An... Nhưng dịch Covid-19 đến, đồng loạt các ‘mối’ đã tạm hủy không lấy hàng. Nghe điện thoại báo tin này, ông chủ ấy đã không thể đứng vững. Nhưng vì thương nhân viên, để duy trì công ăn việc làm cho họ, anh Đại buộc phải chạy vạy khắp nơi để có tiền trang trải chi phí hàng ngày, trả tiền công nhân viên...
Bây giờ, những người như anh Đại, chị Thế, chị Liên, anh Chiến... không còn có niềm vui và tự hào là ông chủ, bà chủ. Họ cũng chẳng còn dám nhận bản thân họ là ông chủ, bà chủ.
Khi được hỏi lý do vì sao? Chị Liên ngậm ngùi: "Đâu biết là công ty sẽ... giải thể, phá sản khi nào". Còn anh Chiến bảo: "Có khi phải đóng luôn quán. Hiện tại thì làm chủ thật. Đến ngày mai ngày mốt thì không đoán định được. Thời điểm này đang là chủ. Nhưng liệu mấy hôm nữa chẳng biết có còn trụ nỗi không?". Anh Đại thì ta thán trong bất lực: "Ai bảo làm ông chủ, bà chủ là sướng?".
Những ông chủ, bà chủ ấy cũng tâm sự, rằng đang ‘thoi thóp’ và đã mường tượng đến cái cảnh một lúc nào đó, có thể sẽ bị loại bỏ, bị xóa sổ ra khỏi thương trường, nếu như dịch Covid-19 cứ kéo dài mà không được khống chế, cuộc sống chưa trở lại trạng thái bình thường.
Chị Thế bảo: "Làm ông chủ, bà chủ những công ty nhỏ, những cơ sở kinh doanh nhỏ như tôi đã rơi vào tình cảnh ảm đạm như vậy, có lẽ khi điều hành công ty có quy mô lớn nhiều, với mặt bằng rộng lớn, với số lượng nhân viên lên đến hàng trăm, hàng ngàn người, chắc hẳn lúc này còn điêu đứng hơn. Tôi thấy thương mình và thương những ông chủ, bà chủ khác". 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.