Đi học hay đi chơi?

07/01/2018 18:02 GMT+7

Hiện trạng nhiều sinh viên (SV), học sinh (HS) đến trường ngồi lướt Facebook, Zalo, chụp hình, hay đơn giản chỉ là điểm danh rồi về… đang diễn ra tại các trường học, giảng đường.

Học thì ít, bấm điện thoại thì nhiều

Ngọc Hiền, HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình, TP.HCM, nói: “Ngày nào mình cũng xài điện thoại, bất kể ngày đêm. Nhưng khi đến lớp lại không được xài, cảm giác ngứa tay!”.

Còn Thanh Ngân, HS Trường THPT Marie Curie (Q.1, TP.HCM), thú nhận: “Mình hay lén lút sử dụng điện thoại trong giờ học, khi thì giấu vào hộc bàn xài, khi thì lấy tập che lại!”.

Hồng Mơ, SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, cho biết: “SV thì hầu như không bị cấm xài điện thoại trong lớp, một số ít bạn thì dùng điện thoại chụp hình bài học, tìm tư liệu về vấn đề thầy cô giảng. Nhưng rất nhiều bạn lại lợi dụng sự thoải mái đó để lướt Facebook, buôn chuyện phiếm…”.

Thầy Võ Hiền Nhân, giáo viên Trung tâm giáo dục thường xuyên Thủ Đức TP.HCM, chia sẻ: “Sau nhiều năm đi dạy ở các trường khác nhau, tôi thấy hầu như trong lớp học nào cũng có em dùng điện thoại khi thầy cô giảng bài. Dù có quy định cấm, nhưng nhiều em vẫn tỏ ra 'lờn thuốc'”.
Theo Thầy Nguyễn Minh Hiếu, giáo viên Trường THPT Vĩnh Lộc B, TP.HCM, cho biết: “Nhà trường có cấm việc sử dụng điện thoại trong giờ học. Nếu phát hiện dùng trong giờ học sẽ bị tịch thu đến cuối năm mới trả. Dù dùng biện pháp răn đe hết mức có thể, nhưng bằng cách nào đó các em vẫn cố tình vi phạm”.
Thầy Hiếu cũng nói thêm việc sử dụng điện thoại trong lớp sẽ ảnh hưởng việc tiếp thu kiến thức môn học, lâu dần dễ mất căn bản về những môn học đó. Để khắc phục tình trạng này, đầu tiên thầy cô giáo không nên dùng điện thoại trong lớp để làm gương và nhà trường cần trang bị điện thoại sẵn ở phòng giám thị cho HS gọi điện về gia đình khi có việc gấp, cung cấp số điện thoại của phòng giám thị cho phụ huynh.

Điểm danh rồi về

Với một số môn học, thầy cô điểm danh vào đầu hoặc cuối buổi, nhiều SV sẽ chọn chiến thuật đối phó. “Mình đi học hay chọn bàn cuối gần cửa phụ để ngồi, điểm danh xong tranh thủ thầy lơ là thì chuồn về cho nhanh. Với môn điểm danh vào cuối giờ, chỉ cần canh me đúng thời khắc thì không lo bị lộ”, Văn Tài, SV Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức TP.HCM, khoái chí khi nói về khả năng trốn học của mình.
Thế nhưng, không phải lần nào cũng may mắn và đã vài lần Tài gặp phải những chuyện “dở khóc dở cười”. Tài tâm sự việc từng trốn về lúc đầu buổi, rồi cuối buổi lại phải chạy lên vì nhiều thứ phát sinh cuối giờ.
“Hôm đó 'nghe mùi' kiểm tra nên chạy vội vào, thầy phát hiện nên không cho em làm bài. Thế là bị 0 điểm”.
Không chỉ có thói quen điểm danh rồi về, nhiều SV, HS bỏ học giữa chừng để xuống căn tin “ngồi đồng” uống nước.
Bạn P.T.T, SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, bộc bạch: “Mình ngồi học cả buổi đầu óc không tập trung. Cố gắng ngồi nghe giảng cũng không tiếp thu được gì, nên mình chọn phương pháp đi uống nước thư giãn”.
Với nhiều lý do khác nhau như: thầy cô dạy chán, môn học khô khan, sở thích trốn học để đến quán cà phê “ngồi đồng”, “bệnh” lười học… SV hay tìm cách chuồn hoặc ngồi đối phó khi đến lớp.
Nói về thực trạng này, thầy Hoàng Long, giảng viên Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, cho biết: “Hiện tượng SV đến lớp chỉ để điểm danh và hay trốn về là phổ biến tại một số trường ĐH, CĐ. Nhiều giảng viên vẫn không giữ chân được SV ở lại lớp học, hay có giữ được thì chỉ giữ được phần xác của SV mà thôi! Vậy, chỉ có cách là cho người học thấy được sự ý nghĩa mỗi khi đến giảng đường”.
Cũng theo thầy Long thì giảng viên nên tạo ra hứng thú ở mỗi tiết dạy, đổi mới bài giảng để SV có thể tương tác nhiều hơn với giảng viên. Và đặc biệt, không nên đặt nặng việc điểm danh.
Theo thạc sĩ tâm lý học Đặng Hoàng An, Giảng viên khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thì nhiều bạn trẻ trong giờ học vẫn nghiễm nhiên lướt internet sẽ để lại nhiều hậu quả, cụ thể là tự đánh mất cơ hội chiếm lĩnh tri thức, tạo ra lỗ hổng về kiến thức vì không theo dõi xuyên suốt nội dung bài học; lãng phí thời gian, công sức lên lớp nhưng hiệu quả mang lại không cao; ảnh hưởng chất lượng dạy - học; nếu như không kiểm soát được hành vi này thì về lâu dài sinh viên sẽ hình thành “lối mòn trên võ não” một khi đã thành thói quen không tích cực thì rất khó bỏ.
Ông An cũng nói thêm giáo dục đại học ở nước ta hiện nay đổi mới theo hướng lấy người học làm trung tâm, trong đó đề cao tính tự học của SV. Tuy nhiên, giảng viên không vì thế mà “buông lơi”, thay vào đó hãy luôn thắt chặt sự quản lý SV, định hướng việc học và hướng dẫn tự học cho các em. Bên cạnh đó, gia đình cũng nên quan tâm hơn đến việc học của con cái không nên phó mặc cho nhà trường. Hơn ai hết vẫn là sự ý thức và hoạt động cá nhân của SV - những người trẻ nắm giữ vận mệnh của đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.