Đêm nay tưng bừng phá cỗ

14/09/2016 09:24 GMT+7

Nhiều hoạt động vui chơi trung thu nhộn nhịp giúp các em thiếu nhi có thêm nhiều niềm vui và cả sự trải nghiệm...

Cùng “muôn thú” đón trăng
Tối nay 14.9, Nhà thiếu nhi TP.HCM tổ chức chương trình lễ hội “Trăng rằm tháng tám”, diễn ra từ 17 - 21 giờ trong hai ngày 14 và 15.9 (nhằm ngày 14 và 15 tháng 8, âm lịch). Ông Phạm Ngọc Tuyền, Giám đốc nhà thiếu nhi này, cho biết: “Hoạt động trung thu năm nay rất đa dạng, phong phú nhằm phát huy tính sáng tạo, khả năng khéo léo và giúp các em có điều kiện tìm hiểu ý nghĩa về truyền thống trong ngày Tết Trung thu”.
Đến đây, các em được tham gia phá cỗ bằng nhiều sân chơi vui nhộn, bổ ích và hoàn toàn miễn phí. Các em được thi hát với nhau, tham gia các trò chơi trên sân khấu, được hướng dẫn múa dân vũ khi tham gia vào sân khấu “Đêm hội trăng rằm”. Không những thế, các em còn được xem biểu diễn múa lân sư rồng, xiếc, ảo thuật, văn nghệ...
[Chùm ảnh] Nụ cười của trẻ đón tết Trung thu
(TNO) Trong hai ngày 26 và 27.09, Báo Thanh Niên phối hợp với Ban công tác xã hội Đạo làm con tổ chức chương trình Trung thu yêu thương cho 1.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang.
Đặc biệt, các em còn được đón trăng cùng “chú Cuội, chị Hằng” thông qua chương trình sân khấu hóa hoành tráng với gấu, thỏ trong tiết mục “Muôn thú” đón trăng. Nếu bé nào đam mê sáng tạo có thể tham gia vào “sân chơi khéo tay, trò chơi dân gian” để cùng nhau làm bánh phục linh, tô tượng, vẽ tranh cát, trang trí lồng đèn - mặt ông địa, nặn tò he, xỏ hạt làm ngôi sao, làm thú cưng ngộ nghĩnh...
Cũng trong tối 14.9, Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM đồng loạt tổ chức “Đêm hội trăng rằm”. Ban tổ chức sẽ tặng gần 1.000 phần quà cho thiếu nhi là con em thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Hàng trăm tình nguyện viên đã đến những nơi này để tổ chức sân chơi hoạt náo, giao lưu văn nghệ và cùng các em thiếu nhi rước đèn trung thu.
Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (Q.9) miễn vé cổng cho trẻ em cao dưới 1,4 m (1 trẻ em đi cùng 1 phụ huynh). Ngoài ra, nơi đây còn có chương trình văn nghệ “Vui hội trăng rằm”, đồng thời tặng 1.000 phần quà cho trẻ em nghèo vào đêm trung thu.
Đến với trẻ em vùng xa
Đoàn Tổng công ty điện lực TP.HCM tổ chức hoạt động vui trung thu và tặng 1.000 phần quà cho các em thiếu nhi ngoại thành ở H.Cần Giờ, Hóc Môn (TP.HCM) và H.Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre).
Hãng phim Trẻ (Thành đoàn TP.HCM) cũng tổ chức chương trình lễ hội “Trung thu yêu thương - ước mơ sáng tạo” cho 1.200 trẻ của các mái ấm, nhà mở, trẻ em cơ nhỡ, học sinh vượt khó. Các em được tham gia các sân chơi sáng tạo, trò chơi dân gian, xem phim hoạt hình...
Trẻ em Trường Sa vui đón Trung thu
(TNO) Tối nay (8.9), tại thị trấn Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa), UBND thị trấn Trường Sa đã tổ chức vui Tết Trung thu cho toàn bộ trẻ em sinh sống trong thị trấn.
Mùa trung thu năm nay, nhóm sinh viên tình nguyện của Khoa Triết học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã vận động được hơn 300 phần quà để tổ chức ngày hội “Thiếu nhi vui Tết Trung thu” ở ấp đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An, H.Cần Giờ TP.HCM. Các tình nguyện viên còn tổ chức các gian hàng trò chơi dân gian và thực hiện đêm văn nghệ "Vầng trăng cổ tích" để phục vụ thiếu nhi và người dân ấp đảo... phá cỗ.
“Vạn điều yêu thương” là chương trình do nhóm Ước mơ Xanh (Hội LHTN TP.HCM) thực hiện với trẻ em nghèo ở xã An Hiệp, H.Ba Tri (tỉnh Bến Tre). Các tình nguyện viên đã tự làm hơn 500 chiếc lồng đèn, vận động được 500 phần quà để tặng các em...
Hướng dẫn làm bánh và lồng đèn
Tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM có chương trình làm bánh trung thu được nhiều thiếu nhi và bạn trẻ tham gia trải nghiệm. Dẫn theo đứa con gái 9 tuổi, chị Nguyễn Thị Ngọc Hằng, ngụ Q.Bình Thạnh cho biết: “Tình cờ đi kiếm lớp học đàn organ cho bé mình thấy có chương trình này hay quá. Mình muốn cho con thử trải nghiệm thực tế một lần làm bánh trung thu như thế nào. Mặc dù bé làm chưa được tròn trịa nhưng đây là sản phẩm do chính tay bé làm nên cháu rất thích”.
Cạnh gian hàng làm bánh trung thu có khá đông bạn trẻ thực hiện một số công đoạn làm lồng đèn. Có bạn đảm nhiệm công việc thiết kế mẫu, có bạn cắt giấy kiếng, bạn thì vót tre, bạn vẽ - tô màu... rồi hướng dẫn cho các em thiếu nhi lắp ráp thành những chiếc lồng đèn hoàn thiện, xinh xắn. Mọi việc diễn ra cứ theo một quy trình khép kín và tăng tốc rất nhanh.
Nguyễn Thị Thanh Phú, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Do mới bắt đầu năm học nên mình cũng còn chút thời gian rảnh rỗi. Chính vì vậy, mình muốn tận dụng khoảng thời gian này để làm những công việc ý nghĩa, đó là làm ra những chiếc lồng đèn xinh xắn để mang lại niềm vui cho các em thiếu nhi vùng sâu, vùng xa có được một mùa trung thu thật ấm áp”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.