Để ý tưởng sinh viên "hút" nhà đầu tư...

30/10/2006 21:55 GMT+7

Tại sao ý tưởng "Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng VN" bị "nốc-ao" ngay trước giờ G?

Trước khi sàn giao dịch (GD) ý tưởng VN đầu tiên (diễn ra vào ngày 22.10, tại TP.HCM) được thực hiện, nhiều người tin chắc cả hai đề tài đoạt giải cao cuộc thi sinh viên (SV) nghiên cứu khoa học TP.HCM - Eureka những năm 2004, 2005 có tên "Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng ngoại thương VN" và "Giải pháp cho trà Bảo Lộc" của hai nhóm tác giả đều là SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ được lên sàn.

Không tin sao được khi hai đề tài này đã trải qua nhiều đợt "sát hạch" khá gắt gao. Đầu tiên là sự xét chọn hai đề tài trên của Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) trong "kho" chứa hàng ngàn công trình nghiên cứu Eureka. Tiếp đó, hai đề tài này được chuyển sang thẩm định tại Trung tâm thông tin khoa học và công nghệ TP.HCM. Tuy nhiên, đến chiều thứ bảy ngày 21.10, Ban tổ chức sàn GD ý tưởng VN đã mời các tác giả lên báo cáo một lần nữa trước khi chính thức lên sàn, đề tài "Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng ngoại thương VN" đã bị "rớt đài". Như vậy, đề tài "Giải pháp cho trà Bảo Lộc" trở thành đại diện duy nhất cho các ý tưởng SV có mặt tại sàn GD ý tưởng VN lần 1 - 2006, với tên gọi mới là "Trà không khói".

Tại sao ý tưởng "Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng VN" bị "nốc-ao" ngay trước giờ G? Theo một thành viên trong Ban tổ chức sàn GD, đề tài trên mang dáng dấp của một luận văn tốt nghiệp, nặng tính phô diễn kiến thức, lý thuyết trong khi tính thực tế khả thi còn... nhẹ hều. Ngay cả ý tưởng "Trà không khói" dù được chuẩn bị công phu, song tại sàn GD vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư bởi còn khá... vĩ mô. "Qua va chạm thực tế, chúng tôi đã rút ra kinh nghiệm quý cho lần lên sàn tháng tới. Đó là việc chú trọng tuyển lựa những đề tài mang tính thực tiễn cao, trong đó có những ý tưởng đã ra sản phẩm cụ thể. Ngoài ra, chúng tôi còn phải hướng dẫn cho SV kỹ năng trình bày thuyết phục, chứ không thể chấm giải xong là để mặc các bạn ấy tự bơi" - anh Lâm Đình Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ, đại diện Ban tổ chức Eureka bày tỏ. 

Có thể thấy, tuy mới thử nghiệm nhưng mô hình sàn GD ý tưởng VN ít nhiều đã có phản ứng tích cực đối với cách điều hành, tổ chức một số cuộc thi sáng tạo dành cho giới trẻ, đặc biệt là giải thưởng Eureka hằng năm, theo hướng đi sát nhu cầu thực tiễn hơn. Anh Lâm Đình Thắng cho biết, bắt đầu từ năm 2006, sẽ có những nhà doanh nghiệp tham gia trong Ban giám khảo Eureka bên cạnh đội ngũ những nhà khoa học hàn lâm.

Mặt khác, nói như tiến sĩ Lê Khắc Cường, Phó trưởng phòng Quản lý nghiên cứu và quan hệ quốc tế Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thì sàn GD cũng góp phần "định hướng và chuyển hướng đào tạo, nghiên cứu" ở các trường ĐH, CĐ. Do vậy, một đề nghị chính đáng đặt ra cần được lưu ý: Ban tổ chức sàn GD ý tưởng VN nên mở rộng thành phần dự khán, gồm cả những giảng viên, cán bộ nghiên cứu, quản lý trong trường học, nhiều SV..., chứ không chỉ "khu biệt" ở bộ phận doanh nghiệp, nhà đầu tư!

N.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.