Để 'xích lại gần nhau' với người mới gặp

Lê Thanh
Lê Thanh
27/09/2018 16:32 GMT+7

Có bao giờ bạn bị 'lạc' giữa một sự kiện vì không quen biết ai. Và suốt cả buổi hôm đó, bạn cũng không thể bắt chuyện với một người nào...?

Anh Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Công ty TNHH Liên Hiệp Phát (Q.Tân Bình, TP.HCM), thành viên của nhóm tình nguyện Sắc màu cuộc sống, kể: “Tôi còn nhớ cách đây vài năm khi dự đám cưới của một người bạn nhưng tôi không quen ai cả, ngoài chú rể. Suốt cả bữa tiệc khi đó, tôi chỉ cắm cúi ăn uống xong rồi về, cũng chẳng chủ động nói với ai lời nào. Về đến nhà, tôi tự trách mình sao không mở lòng với mọi người mà chỉ thụ động như thế”.
Theo anh Liêm, trong thực tế có rất nhiều người trong tâm trạng như thế và họ sẽ rất bơ vơ trong buổi tiệc hay đám đông xa lạ như tôi vậy.
Tuy nhiên, anh Liêm chia sẻ: “Không phải quá khó để làm quen được một vài bạn mới, chỉ có điều bạn có chịu mở lòng với người lạ hay không mà thôi”.

Anh Liêm cho biết: “Sau lần ấy, tôi cũng đã có nhiều thay đổi trong phong cách sống và học hỏi những phép xã giao để xóa bớt khoảng cách với người lạ mỗi khi có dịp tiếp xúc lần đầu. Và trong đầu tôi bây giờ, lúc nào cũng tâm niệm, mỗi người mình có cơ hội được gặp đều là bạn, thêm bạn sẽ bớt thù nên tôi luôn mở lòng để đón nhận tình bạn mới”.
Chia sẻ kinh nghiệm xung quanh vấn đề này, anh Lê Hùng Dũng, nhân viên kinh doanh cho một tập đoàn ô tô tại Q.6 (TP.HCM), chia sẻ: “Khi tiếp xúc với một người xa lạ không phải ai cũng thích và biết cách chủ động trong giao tiếp. Chính vì vậy, để bạn có thể tiếp xúc, giao lưu với những người lạ trong một môi trường mới thì bạn hãy tự nhủ trong lòng hôm nay mình sẽ có thêm bạn mới, quen thêm người mới. Và bạn cứ nghĩ khi có nhiều bạn thì cuộc sống mình có thể sẽ vui vẻ hơn”.
Còn theo thầy Lê Văn Sâm (giáo viên Trường tiểu học Chu Văn An, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), khuyên: “Khi bạn 'lạc' vào một sự kiện đông người nhưng chẳng quen biết ai thì điều đầu tiên là bạn nên quan sát xung quanh và tìm cho mình một người mà bạn thấy có cảm tình nhất. Tức là, bằng cảm nhận của mình, bạn sẽ thấy họ vui vẻ, hòa đồng và hãy tiến lại gần làm quen để từ đó có tinh thần tốt tiếp tục giao tiếp với những người khác...”.
Khi biết mình sẽ có cuộc gặp gỡ, giao tiếp trong môi trường mới, thầy Sâm, lưu ý: “Bạn nên ăn mặc lịch sự, sử dụng ngôn từ nhã nhặn, không nên nói những câu làm mất ấn tượng ban đầu với người xung quanh”.
Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Phân viện miền Nam (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), chúng ta đều có lý do để xuất hiện cùng nhau trong cùng một sự kiện. Chính vì vậy, bạn hãy tìm ra lý do đó để biết cách bắt đầu trò chuyện. Hỏi về lý do họ biết chủ nhân, thông tin chương trình, hay cách có được tấm vé để đến được sự kiện chẳng hạn. Hỏi về cảm nhận món ăn đang thưởng thức, giai điệu đang nghe (khi dự tiệc), về diễn giả, khách mời đang nói (khi dự hội thảo)… 
“Bạn nên hạn chế đặt những câu hỏi có, không. Bạn thử tập đặt và chuẩn bị một vài câu hỏi mở, khiến đối phương phải suy nghĩ để trả lời. Hỏi mở và khéo léo để họ hỏi lại và muốn được nghe đáp án của mình là cả một nghệ thuật. Có thể đặt những câu hỏi như một lời đề nghị. Chẳng hạn, bạn có thể lấy giúp mình hộp khăn giấy không? Hay đơn giản về việc đề nghị theo kiểu mình có thể ngồi, đứng cạnh bạn được không?”, tiến sĩ Long khuyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.