Để không thất nghiệp sau tốt nghiệp: Ngành công nghệ thông tin 'nóng' đến mức nào?

18/11/2016 09:45 GMT+7

Nhiều bạn vẫn còn đặt nặng kiến thức chuyên môn mà quên đi những yếu tố khác cũng quan trọng không kém. Ví dụ như kỹ năng mềm và khả năng ngoại ngữ.

Với mong muốn giải được bài toán việc làm sau tốt nghiệp, chúng tôi đã gặp gỡ nhiều nhân vật cùng mong muốn được biết thị trường việc làm đang cần gì, và các bạn sinh viên mới tốt nghiệp thiếu gì? Trong những câu chuyện, không ít lần chúng tôi phải bật cười vì nhiều tình huống ngây ngô, mà chúng ta dễ mắc phải khi lần đầu đi xin việc.
Chúng tôi may mắn trò chuyện với chị Đoàn Thị Thu Xương, chuyên viên tuyển dụng của một trong những công ty gia công phần mềm có tiếng trong và ngoài nước. Chị chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu, giúp các bạn sinh viên vừa tốt nghiệp chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong buổi đầu đi phỏng vấn xin việc.
- Chào chị, làm việc với nhiều ứng viên, có trường hợp nào khiến chị dở khóc dở cười chưa?
Chắc chắn là có. Mỗi ngày, mình gặp và trò chuyện với rất nhiều ứng viên, có những bạn để lại ấn tượng tốt, có những bạn khiến mình khó xử ngay cả khi đã vững trong vai trò người tuyển dụng. Lần đấy khi công ty tuyển dụng thực tập sinh, bạn ứng viên năm cuối khiến mình ngạc nhiên khi thản nhiên trả lời: “Em đến phỏng vấn cho biết chứ chưa muốn đi thực tập bây giờ”. Điều này chân thành, nhưng tạo cho mình một ấn tượng không tốt khi vừa bắt đầu buổi nói chuyện nghiêm túc.
Mình có chia sẻ, nếu bạn chưa sẵn sàng với các cơ hội, đừng nên nhận lời mời phỏng vấn. Hoặc nếu bạn muốn trải nghiệm thực tế, đừng nói ra sự “chân thành” của mình như vậy. Điều này gây khó khăn cho bạn trong tương lai, vì khi bạn đã đủ “nghiêm túc” để kiếm việc, nhà tuyển dụng cũng khó có “dũng khí” để mời bạn lần nữa.
Để không thất nghiệp sau tốt nghiệp: Ngành công nghệ thông tin “nóng đến mức nào?” 2
- Ngành công nghệ thông tin hiện nay được đánh giá khá cao, nhân sự thiếu nhưng vẫn có sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, chị đánh giá sao về điều này?
Đó là tình trạng chung của thị trường nhân sự hiện nay. Trong vai trò là một người tuyển dụng, cá nhân mình cho rằng nhiều bạn vẫn còn đặt nặng kiến thức chuyên môn mà quên đi những yếu tố khác cũng quan trọng không kém. Ví dụ như kỹ năng mềm và khả năng ngoại ngữ.
Về kiến thức chuyên môn, bên cạnh giáo trình, kiến thức được truyền tải bởi trường lớp, bạn nên chủ động tìm hiểu thêm xu hướng công nghệ đang gây sốt thời gian gần đây. Bạn phải biết mình thích gì và chủ động tìm hiểu, học hỏi thêm về nó. Không có gì tuyệt vời hơn khi bạn vừa tốt nghiệp đã có cho mình những sản phẩm mang tính chất cá nhân. Dù đó là một đề tài hay dự án cực kỳ nhỏ, nhưng đó là thứ khẳng định bạn có thể làm được việc, và làm tốt hẳn hoi.
Về kỹ năng mềm. Hãy chuẩn bị một CV (hồ sơ xin việc) chỉn chu. Bạn không biết làm CV thế nào? Không biết viết gì trên CV? Hãy hỏi những người đi trước và tìm hiểu trên internet. Ngoài ra cũng nên trau dồi kỹ năng giao tiếp, trình bày. Thái độ tự tin và chuyên nghiệp trong khi phỏng vấn.
Về ngoại ngữ. Không cần phải nói nhiều câu chuyện ngoại ngữ nữa. Ngoại ngữ tốt mở ra cho bạn cánh cửa thành công rất lớn. Hãy học tốt ngoại ngữ.
- Khi gần tốt nghiệp, sinh viên thường có phần hoang mang và chờ đợi việc làm phù hợp (với tấm bằng đại học), theo chị đây có phải là hành động nên làm?
Bạn đã chuẩn bị một kiến thức tốt từ ghế nhà trường, bạn tự tin rằng mình là một người năng động và có khả năng, bạn đã xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì trong tương lai, thì tại sao bạn lại hoang mang sau khi tốt nghiệp?
Khi bạn đã chuẩn bị đủ hành trang và kiến thức, ngay sau khi tốt nghiệp bạn chỉ cần tự tin mở một trang tiếp theo của cuộc đời mình. Bên cạnh đó cơ hội việc làm phù hợp sẽ không tự nhiên mà đến với bạn mà bạn phải chủ động tìm kiếm, tạo ra và nắm bắt cơ hội của chính mình.
- Truyền thông ngày nay nói nhiều về việc, tấm bằng đại học đang ngày càng giảm giá trị, chị nghĩ sao về điều này?
Trên quan điểm cá nhân mình không hẳn đồng tình về cách nhìn nhận này. Tấm bằng đại học chỉ mất giá trị khi bạn cầm tấm bằng trên tay nhưng bạn không có bất cứ một kiến thức, giá trị gì về những điều mà bạn được học. Hãy yên tâm và học thật tốt nếu bạn đang là sinh viên trên ghế giảng đường. Việc được đào tạo tốt từ ghế nhà trường là một trong những nền tảng cơ bản nhất giúp bạn thành công trong tương lai.
Bạn đừng so sánh với Bill Gates hay Mark Zuckerberg, hay bất kỳ một nhân vật nào khác trên thế giới đã từ bỏ tấm tấm bằng đại học nhưng lại thành công vang dội. Họ là những con người đặc biệt, họ không học từ giảng đường nhưng khả năng tự học của họ là vô biên, và những người như thế chỉ chiếm một tỉ lệ phần trăm rất nhỏ trong hơn 7 tỷ người trên thế giới.
- Cám ơn chị, chúc chị nhiều sức khỏe và thành đạt hơn trong sự nghiệp!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.