Để có việc làm ngay khi ra trường: Thành nhân viên chính thức khi là sinh viên

21/09/2020 07:52 GMT+7

Hôm trước tốt nghiệp ra trường, hôm sau được đi làm ở công ty công nghệ thuộc hàng 'top' về lập trình tại TP.HCM. Vậy chàng trai Đỗ Thành Nhơn (23 tuổi) đã làm điều đó như thế nào?

Sắp xếp thời gian đi làm khi còn là sinh viên

Là sinh viên (SV) ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, ra trường với tấm bằng giỏi, được nhận ngay vào làm việc ở công ty mà nhiều SV công nghệ đều mơ ước. Thế nhưng, ít ai biết rằng Đỗ Thành Nhơn chọn ngành học này vì từng rớt nguyện vọng 1 và không phải là đam mê của mình.
Nhơn từng mơ ước trở thành bác sĩ, nhưng do kết quả thi ĐH không như mong muốn, được sự tư vấn của một người thầy, Nhơn theo học công nghệ thông tin sau khi rớt nguyện vọng 1. Với xuất phát điểm gần như là con số 0, không có kiến thức nhiều về công nghệ thông tin trước đó, không có đam mê… thế nhưng, một khi đã lựa chọn, Nhơn phấn đấu hết mình và bắt đầu học với một thái độ nghiêm túc, trách nhiệm nhất, vì Nhơn xác định đây sẽ là ngành học, công việc theo mình suốt cuộc đời.
“Nhiều bạn hay đổ thừa do phải học ngành mình không thích, không đam mê nên sau khi ra trường bị thất nghiệp. Với bản thân mình thì nếu như không thể có một lựa chọn nào đó tốt hơn thì hãy làm tốt nhất lựa chọn hiện tại. Điều quan trọng nhất là phải có trách nhiệm với mọi quyết định của mình. Nhiều bạn vì một lý do khách quan nào đó phải theo học ngành mình không thích, ban đầu khi gặp một số khó khăn, thay vì cố gắng để khắc phục được nó thì lại buông xuôi, dần dần kiến thức bị hổng ngày càng nghiêm trọng và như thế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề việc làm trong tương lai”, Nhơn bày tỏ.
Đến năm 4 ĐH, Nhơn quyết định cố gắng thu xếp việc học để xin đi làm tại một công ty công nghệ. Sau khi thử việc 2 tháng, Nhơn được nhận vào làm chính thức với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng.
“Trong quá trình đi học thì bản thân mình xác định có hai hướng để lựa chọn, một là đi học để sau này thiên về nghiên cứu hoặc giảng dạy, hai là sau này ra trường đi làm sản phẩm. Vì chọn theo hướng thứ hai, nên đến năm 4 khi chỉ còn một số môn chuyên ngành và luận văn tốt nghiệp, lúc đó nếu sắp xếp được thời gian đi làm, đồng nghĩa với việc mình có kinh nghiệm trước thì sẽ có bước đi nhanh hơn so với các bạn khác khi còn chưa ra trường”, Nhơn kể.
Nhơn cho biết thêm: “Nhờ đi làm như vậy mà mình có kinh nghiệm về môi trường của một công ty, rồi công việc thực tế là như thế nào, có thể áp dụng những kiến thức mình học tập ra sao và qua đó biết bản thân cần cải thiện những kỹ năng nào, cần chú tâm vào học thêm những gì?”.

Kiến thức nền tảng là quan trọng nhất

Nhơn khuyên SV nên cố gắng nắm thật vững những kiến thức nền tảng. Vì ngành công nghệ thì kiến thức chuyên ngành rất rộng, hơn nữa thời buổi công nghệ mọi thứ “đi” rất nhanh, nên điều cần trang bị nhất chính là kiến thức nền tảng thật tốt. Một khi kiến thức nền tảng tốt thì khi đi làm có thể tự học hỏi cái mới rất nhanh.
“Thật sự đối với mình kiến thức những môn chuyên ngành lại sử dụng rất ít khi đi làm, nhưng nhờ mình học rất chắc, nên khi đi làm gặp vấn đề hay lĩnh vực gì đó mới, mình vẫn có thể tự tìm hiểu và học hỏi được. Chẳng hạn như mình học về làm game, về phát triển phần mềm trên điện thoại nhưng công việc hiện tại mình đang làm về web. Nhưng kiến thức nền tảng của những năm đầu đã trang bị cho mình đủ kiến thức và khả năng để có thể tự học một mảng mới và áp dụng cho công việc nhanh hơn”, Nhơn bật mí.

Bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng

Đối với Nhơn thì tấm bằng tốt nghiệp khi ra trường rất quan trọng: “Với một công ty lớn như mình đang làm, số lượng CV nộp vào rất nhiều, để được trao cơ hội trước thì CV của mình phải có gì đó rất đặc biệt. Nếu là một SV mới ra trường, cái gì có thể chứng minh được kiến thức chuyên ngành của mình tốt, nếu mình chưa có gì hết thì đó chính là bằng tốt nghiệp”.
Nhơn cho rằng nhiều người quan niệm chuyện bằng cấp không quan trọng, nhưng theo Nhơn quan niệm đó không đúng: “Nếu ví học ĐH là công việc đầu đời, thì tấm bằng tốt nghiệp đạt loại giỏi là minh chứng cho việc mình đã hoàn thành công việc đó xuất sắc như thế nào. Ít nhất là mình có trách nhiệm với việc học, với công việc đầu đời, thì khi đi làm cũng khẳng định được thái độ trách nhiệm đối với công việc. Đây cũng là yếu tố gây được thiện cảm với nhà tuyển dụng”.
Chia sẻ kinh nghiệm để có được một cuộc phỏng vấn suôn sẻ, Nhơn “bật mí” đầu tiên phải biết được “gu” của công ty là gì. Mà muốn thế thì nên cố gắng hỏi những người đang làm ở công ty đó để giới hạn được phạm vi kiến thức cho mình.
Theo Nhơn, cần tạo lập nhiều mối quan hệ và nhờ những người đi trước có thể đóng vai nhà tuyển dụng giúp mình những buổi phỏng vấn thử để làm quen. Lúc viết CV có thể nhờ anh chị đi trước đọc và chỉnh sửa giúp. “Không những thế, việc tạo thiện cảm cho nhà tuyển dụng để được trao cơ hội đầu tiên cũng rất quan trọng. Như đa phần công ty đều có fanpage, số điện thoại hoặc email thì mình có thể nhắn trực tiếp để hỏi những điều mình thắc mắc về công ty, về công việc… như thế cũng tạo được điểm cộng đối với nhà tuyển dụng là mình thực sự quan tâm đến công ty của họ”, Nhơn chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.