Dạy học giữa trùng khơi

19/10/2016 14:11 GMT+7

Đó là công việc của hai cô Hoàng Thị Thắm và Hoàng Thị Hiếu, giáo viên Trường mầm non Hoa Phong Ba, trên hòn đảo được ví là “đất Việt giữa trùng khơi” - Cồn Cỏ.

Nếu ai từng ra thăm Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) sẽ biết ở hòn đảo xanh còn lắm khắc nghiệt này chủ yếu là nơi cánh mày râu sinh sống và làm việc. Bởi thế, một người phụ nữ dám yêu, dám chọn hòn đảo này để nuôi dưỡng những mầm xanh, để xây dựng gia đình thì họ quả có nghị lực đáng nể...
Khi được hỏi về nghề “gõ đầu trẻ” ở đảo, cả cô Thắm và Hiếu đều bẽn lẽn, thoáng nghĩ ngợi rồi bảo rằng: “Tất cả cũng vì một chữ duyên”.
Điều đó đúng với cô Thắm (32 tuổi), bởi trước khi ra đảo, cô đã là một giáo viên hợp đồng tại Trường mầm non Bình Minh ở TT.Cửa Tùng, Quảng Trị nhưng vẫn xung phong đi Cồn Cỏ và đã trở thành giáo viên mầm non đầu tiên tại hòn đảo này vào năm 2008. “Lúc ấy tôi còn trẻ, muốn thể nghiệm và có nhiều hoài bão lắm. Cuộc sống của tôi ở Cửa Tùng khi ấy có vẻ bình yên quá, trong khi tôi muốn đến một nơi mà các em nhỏ cần tôi hơn, dù biết ở đó có muôn vàn khó khăn đang đợi mình”, cô Thắm kể.
“Điều kiện, cơ sở vật chất ở đảo khác với đất liền nhiều lắm. Nhìn đâu cũng thấy... thiếu thốn. Nhưng chỉ có nụ cười của mấy đứa nhỏ là vẫn hồn nhiên như tất thảy những nơi khác. Cũng vì thấy các em có quá nhiều thiệt thòi nên tôi như có thêm sức mạnh để làm việc tốt hơn, bù đắp cho các em; mang lại con chữ, tiếng hát cho các em”, cô Thắm chia sẻ.
Dạy học giữa trùng khơi 2
Cô giáo Hoàng Thị Hiếu Ảnh: Nguyễn Phúc
Còn đối với cô Hiếu (29 tuổi) thì hành trình ra Cồn Cỏ dài hơn, nếu xét về độ dài vật lý. Bởi bố mẹ của cô hiện đang sống ở tận Krông Bông (một huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắk Lắk). “Tại sao ư? Đến tận bây giờ tôi cũng chưa cắt nghĩa được. Ban đầu học xong tôi cũng chỉ định từ Đắk Lắk về Quảng Trị thôi, vì quê gốc của tôi ở ngoài này, nguyện vọng của cha mẹ muốn tôi về trước rồi ông bà về sau. Nhưng rồi, khi đã về Quảng Trị, tôi lại nghĩ vì sao không xung phong ra Cồn Cỏ trong khi người ta đang thông báo là rất cần giáo viên mầm non. Vậy mà bây giờ tôi đã dạy học trên đảo này 7 năm 9 tháng rồi đấy”, cô Hiếu trải lòng.
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do T.Ư Hội LHTN VN, Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long cùng phối hợp thực hiện. Chương trình năm nay hướng về và vinh danh giáo viên đang công tác tại các trường học trên các đảo của Tổ quốc. Mỗi giáo viên được tuyên dương sẽ nhận Bằng khen của T.Ư Hội LHTN VN, Kỷ niệm chương của chương trình và 1 sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, Tập đoàn Thiên Long sẽ trao tặng thêm đồ dùng học tập cho học sinh, trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy cho trường học có giáo viên được vinh danh.
Cô Hiếu cho biết thêm nếu so ở đảo bây giờ với gần 8 năm về trước thì đã là... một trời một vực. Cô nói đảo ngày đó hoang sơ lắm, điện mỗi ngày chỉ có 5 tiếng, nước sạch không phải lúc nào cũng đủ, trường mầm non chỉ có một lớp và học ghép nhiều độ tuổi từ 1 - 5, đồ dùng học tập hầu như chẳng có gì... “Có những lúc buồn, tôi chợt thoáng nghĩ đến bạn bè mình, khi ra trường đã đến chốn phồn hoa đô hội tìm vận may, còn mình lại ở rẻo đất giữa biển này, cũng có chút tủi thân... Nhưng chỉ một thoáng thôi. Vì nếu tôi buồn thì làm sao các “con” của tôi vui được. Chúng thua thiệt nhiều rồi, chúng cần một cô giáo mạnh mẽ chứ không cần một cô giáo ủ dột... Nghĩ thế và tôi cố gắng thôi”, cô giáo có vóc người nhỏ nhắn nói.
Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất sau gần 9 năm làm cô giáo nuôi dạy trẻ trên đảo Cồn Cỏ, cô Thắm bảo rằng cô sẽ không quên những trận bão. “Cơn bão số 10 và 11 liên tục quét qua đảo vào tháng 10.2013 đã khiến toàn bộ lớp mầm non Hoa Phong Ba chỉ còn là một đống đổ nát, hoang tàn. Nhưng chúng tôi không nghỉ lớp mà tiếp tục dạy các em ở khu nhà mượn tạm của huyện. Lúc đó, chúng tôi chỉ ước mơ có một lớp học như cũ để việc học đi vào nền nếp như trước”, cô Thắm kể.
Nhưng thực tế diễn ra đã vượt xa nguyện ước của 2 cô giáo trẻ, khi đầu năm 2015, Bộ GD-ĐT đã kêu gọi xã hội hóa và xây dựng trên đảo Cồn Cỏ một ngôi trường mầm non Hoa Phong Ba khang trang với tổng kinh phí lên đến 5 tỉ đồng.
“Ông bà xưa nói không sai, qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai. Có trường, có lớp, có đồ chơi... đó là niềm hạnh phúc của chúng tôi và các cháu. Được quan tâm như thế này, chúng tôi không có lý do gì để kêu ca nữa, dù thực tế khó khăn còn nhiều”, cô Hiếu cho hay.
Thêm cơ hội để thầy cô chia sẻ nỗi niềm với xã hội
Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa
Điểm mới đầu tiên của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm nay là sẽ dành nhiều thời gian hơn để đến thăm và tìm hiểu cuộc sống của thầy cô giáo vùng biển đảo ở khắp mọi miền đất nước. Từ đó, chương trình có thêm cơ hội để chia sẻ những nỗi niềm, tâm tư của thầy cô với toàn xã hội.
Năm nay chúng tôi cũng sẽ tổ chức một cuộc thi viết trên mạng để tạo sự chia sẻ của cộng đồng, xã hội hướng đến các giáo viên biển đảo. Ngoài ra, bên cạnh việc hỗ trợ các thầy cô giáo biển đảo, chúng tôi còn hỗ trợ vật chất cho học sinh và trường học của các thầy cô.
Đặc biệt, khi các thầy cô được bình chọn về dự lễ tuyên dương ở Hà Nội, chúng tôi sẽ tổ chức những cuộc gặp gỡ giữa thầy cô với các cấp lãnh đạo trong ngành giáo dục và lãnh đạo nhà nước. Chúng tôi hy vọng trong buổi gặp mặt, các cấp lãnh đạo sẽ hiểu hơn về những khó khăn, vất vả đặc thù của vùng biển đảo để kịp thời có những hỗ trợ cần thiết. Ngược lại, các thầy cô cũng có cơ hội để trình bày những đề xuất nhằm nâng cao chất lượng dạy học, cải thiện cuộc sống ở vùng biển đảo.
Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa
(Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.