Dắt nhau đi trong đời

19/09/2014 03:00 GMT+7

Ngày 19.9, đám cưới tập thể của 20 đôi khuyết tật, công nhân và người có hoàn cảnh khó khăn sẽ diễn ra tại TP.HCM. Trong đó, có những câu chuyện tình đẹp dung dị mà sâu lắng.

Vũ điệu tình yêu

 
Đôi uyên ương Phạm Ngọc Thanh Sơn và Nguyễn Thị Huỳnh Lê - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cách đây 5 năm, Nguyễn Thị Huỳnh Lê (23 tuổi, quê ở An Giang) và Phạm Ngọc Thanh Sơn (25 tuổi, ngụ tại TP.HCM) học chung lớp thiết kế đồ họa tại Trung tâm bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM. Lúc đó, Huỳnh Lê đã mang biệt danh là… Bà La Sát. Lê giải thích: “Do làm lớp trưởng máu lửa, nên em muốn tạo cái vẻ dữ dằn để những bạn trong lớp phải sợ”. Tuy nhiên, với người bạn Thanh Sơn, cô lớp trưởng không những không bắt nạt mà còn chơi thân, với lý do: Sơn trông hiền lành và dễ thương.

Học xong, Huỳnh Lê trở về quê. Công việc gặp khó khăn, Lê lên lại TP.HCM vào năm 2013 để tìm việc. Sơn và Lê vẫn giữ liên lạc bạn bè như trước đây. Cho đến một ngày, tình cảm của họ có “bước đột phá”, chuyển sang tình cảm lứa đôi.

Hiện nay, Huỳnh Lê là lao động tự do trong một công ty thiết kế, còn Thanh Sơn đam mê nghề ảo thuật. Thu nhập của hai người chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Được biết, một vài thành viên trong gia đình hai bên chưa muốn Lê và Sơn đến với nhau. Huỳnh Lê thổ lộ: “Cả hai đứa em đều bị khuyết tật vận động. Như bao phụ huynh khác, người thân của tụi em muốn hai đứa kết duyên cùng người lành lặn, để có thể có điểm tựa vững chắc hơn”. Tuy nhiên, đôi uyên ương này quả quyết: “Tụi em xác định đến với nhau không hề hối hận. Có tình yêu, tụi em càng có động lực sống, nương tựa lẫn nhau để vượt qua biết bao khó khăn phía trước. Còn nếu đến với một người không khuyết tật nhưng không hiểu nhau thì khó có hạnh phúc”.

Huỳnh Lê cho biết mặc dù rất muốn tham gia đám cưới tập thể, nhưng lúc đầu nghe nói phải đóng lệ phí 2 triệu đồng/đôi, đôi bạn này đành ngậm ngùi nuối tiếc bởi không có tiền đóng. Khi ban tổ chức thông báo miễn phí cho tất cả những đôi khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, họ mừng rỡ vô cùng. "Tụi em tưởng rằng mình chỉ được mời tham gia phục vụ cho người ta, ai ngờ trở thành nhân vật chính", Huỳnh Lê hồ hởi. Trong đám cưới tập thể này, cô dâu Huỳnh Lê và chú rể Thanh Sơn cùng nhau biểu diễn những tiết mục ảo thuật kèm múa, với tên gọi Vũ điệu tình yêu.

"Cảm" nhau qua tiếng nói

Hầu như sáng nào cũng vậy, anh Đỗ Thanh Huy (42 tuổi, quê ở Bà Rịa-Vũng Tàu) dắt cô gái Ka Thiền (30 tuổi, người Châu Mạ, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) đón xe buýt từ Q.12 đến Q.Gò Vấp để đi làm. Cuối buổi chiều, anh Huy lại dắt Ka Thiền đón xe buýt trở về. Họ như đôi chim câu quấn quít bên nhau.

 
Anh chị Đỗ Thanh Huy - Ka Thiền - Ảnh: Như Lịch

Đôi mắt anh Huy còn thấy lờ mờ, nhưng mắt Ka Thiền từ lâu đã mù hẳn. Ka Thiền bộc bạch: “Đôi khi mình cũng ao ước được nhìn thấy người yêu, dù chỉ một lần. Tuy nhiên, sau này mình không mơ mộng vậy nữa, vì biết điều đó không bao giờ xảy ra”. Ka Thiền nói thêm: “Dù không thấy gì, nhưng mình có thể cảm nhận, phân biệt được người yêu mình với người khác qua giọng nói”. Cô gái người Châu Mạ này cho hay, hai người sống trong cơ sở từ thiện chùa Kỳ Quang II suốt hơn 10 năm, song họ thực sự yêu nhau khoảng 3 năm nay.

Kể về chuyện tình của mình, anh Huy nhiều lần… gãi đầu gãi tai vì ngượng ngùng. Anh đúc kết ngắn gọn: “Tụi mình có quá trình tìm hiểu lâu dài. Mỗi bên đều chắt chiu tình cảm, dần dần hiểu và yêu nhau”. Khi được hỏi “kết” người kia ở điểm nào nhất, anh Huy khẳng định: “Mình thương cô ấy ở lời ăn tiếng nói. Tụi mình thấy hợp nhau”. Còn Ka Thiền: “Em thích tính chững chạc của anh và tin tưởng anh ấy không lăng nhăng”.

Theo anh Huy và Ka Thiền, điểm chung của họ chính là ưa làm từ thiện, không thích đua đòi bon chen. Được nhà chùa và những nhà hảo tâm cưu mang trong thời gian dài, nên họ luôn tâm niệm “giúp cái gì cho chùa thì mừng cái nấy”. Hiện anh Huy dạy chữ nổi cho những em khiếm thị, còn chị Ka Thiền tham gia bấm huyệt cho bệnh nhân ở Phòng khám từ thiện Tuệ Tĩnh Đường (đều thuộc chùa Kỳ Quang II, Q.Gò Vấp, TP.HCM).

Ka Thiền tâm sự, chị và anh Huy đã nhiều lần thầm ước làm một lễ cưới nho nhỏ để ra mắt mọi người, nhưng chưa biết lúc nào mới có điều kiện. Thế nên, họ vô cùng mừng rỡ và xem đám cưới tập thể này như là món quà đặc biệt mà xã hội đã dành tặng cho mình cũng như những người đồng cảnh ngộ.

Có 20 đôi bạn tham gia

Theo bà Bùi Thị Tháp, Chi hội trưởng Chi hội Giáo viên ngành trang điểm thẩm mỹ (thuộc Hội Dạy nghề TP.HCM), “Đám cưới vì cộng đồng 2014” do chi hội này tổ chức sẽ diễn ra lúc 17 giờ ngày 19.9, tại MiMi Palace (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Có 20 đôi tham gia, trong đó có 12 đôi khuyết tật, 3 đôi công nhân và 5 đôi là người dân đến từ một số vùng sâu vùng xa, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ban tổ chức đã vận động tài trợ và tự bỏ tiền túi ra để hỗ trợ cho mỗi đôi 1 bàn tiệc, cặp nhẫn cưới, trang phục - trang điểm, bánh kem, sâm panh, album ảnh cưới...

Như Lịch

>> TP.HCM: Tổ chức lễ cưới tập thể cho 100 đôi uyên ương
>> Đám cưới tập thể 100 đôi công nhân với áo dài, khăn đóng
>> Đám cưới tập thể "siêu" tiết kiệm
>> Lễ cưới tập thể cho thanh niên công nhân
>> Cưới tập thể mừng Đại hội Đoàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.